Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:47 (GMT +7)
Ba Chẽ: Phát triển kinh tế rừng bề vững
Thứ 2, 20/02/2023 | 11:09:22 [GMT +7] A A
Công tác trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, cây dược liệu là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt, được các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân dân và các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh rừng trồng trên địa bàn huyện Ba Chẽ thống nhất về ý chí và hành động, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị.
Giao chỉ tiêu cụ thể, thiết thực
Huyện Ba Chẽ đã xây dựng đề án Phát triển rừng trồng gỗ lớn giai đoạn 2019-2025, với mục tiêu đến năm 2025 hình thành và phát triển ổn định vùng gỗ lớn quy mô 5.000ha, đáp ứng nhu cầu gỗ lớn phục vụ chế biến sâu và xuất khẩu. Để tháo gỡ những khó khăn cho người dân, huyện đã thành lập Tổ công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, cá nhân đăng ký thực hiện trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa; hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống, vay vốn lãi suất thấp, đề xuất phương án trồng cây dược liệu quý của địa phương dưới tán rừng gỗ lớn để người trồng rừng có thêm nguồn thu nhập, "lấy ngắn nuôi dài". Chương trình trồng rừng gỗ lớn, thay thế trồng cây keo ngắn ngày là hướng đi bền vững, vừa làm giàu cho người dân, vừa bảo vệ đất, rừng, hệ sinh thái trên địa bàn.
Triển khai thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TU của Tỉnh ủy, Quyết định 3636/QĐ-UBND của UBND tỉnh về giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023 và Nghị quyết 10-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phương hướng nhiệm vụ năm 2023, huyện Ba Chẽ đề ra mục tiêu trồng trên 940ha rừng gỗ lớn và cây bản địa. Trong đó, diện tích lim, lát, giổi là 420ha, các loài cây bản địa quế, thông, sa mộc là 520ha và 120ha cây dược liệu trà hoa vàng, ba kích, cát sâm.
Để đạt mục tiêu trên, UBND huyện giao xã Lương Mông trồng 100ha cây gỗ lớn, cây bản địa và 11ha cây dược liệu; xã Minh Cầm trồng 40ha cây gỗ lớn, cây bản địa, 8ha cây dược liệu; xã Đạp Thanh trồng 100ha cây gỗ lớn, cây bản địa, 11ha cây dược liệu; xã Thanh Lâm 80ha cây gỗ lớn, cây bản địa, 11ha cây dược liệu; xã Thanh Sơn 110ha cây gỗ lớn, cây bản địa, 11ha cây dược liệu; xã Nam Sơn 60ha cây gỗ lớn, cây bản địa, 11ha cây dược liệu; xã Đồn Đạc 160ha cây gỗ lớn, cây bản địa, 12ha cây dược liệu và thị trấn Ba Chẽ 10ha cây gỗ lớn, cây bản địa, 5ha cây dược liệu.
Đồng thời, huyện cũng giao Ban Quản lý rừng phòng hộ trồng 39ha cây gỗ lớn, cây bản địa; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Chẽ trồng 67ha cây gỗ lớn, cây bản địa, 10ha cây dược liệu; Công ty CP Phát triển rừng bền vững trồng 90ha cây gỗ lớn, cây bản địa, 15ha cây dược liệu; Công ty CP Kim Long trồng 60ha cây gỗ lớn, cây bản địa, 15ha cây dược liệu và HTX Toàn Dân trồng 24ha cây gỗ lớn, cây bản địa.
Tín hiệu vui ngay từ đầu năm
Triển khai trồng rừng lim, lát, giổi, thực hiện theo Quyết định 3636/QĐ-UBND ngày 12/12/2022 của UBND tỉnh, tính đến ngày 9/2, tổng diện tích rừng gỗ lớn đã trồng của huyện Ba Chẽ là 31,77ha, đạt 7,7% kế hoạch tỉnh giao. Trong đó, lim xanh đạt 17ha, giổi xanh đạt 11,6ha, lát hoa đạt 3,17ha. Nếu chia theo loại hình trồng rừng gồm có: Trồng rừng tập trung đạt 30,5ha, với 15,9ha lim xanh, 11,6ha giổi xanh và 3,0ha lát hoa. Rừng trồng cây phân tán đạt 1.270 cây, tương đương 1,27ha, gồm có: Lim xanh 1.100 cây, giổi xanh 170 cây.
Ông Vũ Thành Long, Bí thư Huyện ủy Ba Chẽ, khẳng định: Năm 2023, với quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH, trồng rừng gỗ lớn theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh và huyện, các xã, thị trấn và tổ chức, doanh nghiệp, HTX trên địa bàn huyện phải nỗ lực hơn nữa, quyết tâm hơn nữa, tiếp tục phát huy tinh thần vượt khó, gương mẫu, quyết liệt thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức cao nhất về chỉ tiêu trồng rừng gỗ lớn, trồng cây dược liệu được giao. Các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp triển khai thực hiện trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa theo định hướng với các loài cây chủ lực phát triển rừng trồng gỗ lớn trên cơ sở sử dụng hợp lý, hiệu quả diện tích đất lâm nghiệp và sát, đúng với Quy hoạch vùng rừng trồng gỗ lớn của huyện, đảm bảo năng suất, chất lượng cao. Đồng thời, chú trọng phát triển các mô hình kinh tế dưới tán rừng gỗ lớn; coi trọng công tác quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR.
Với quyết tâm chính trị đó, huyện Ba Chẽ tin tưởng sẽ thực hiện thắng lợi toàn diện chỉ tiêu trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, cây dược liệu năm 2023, góp phần thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ môi trường, bảo vệ dòng sông Ba Chẽ, cải thiện nguồn sinh thủy, cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.
Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Ba Chẽ Đàm Quang Thành:
Trồng cây gỗ lớn và cây bản địa để nâng cao giá trị trên diện tích sản xuất
Để thực hiện chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng phòng hộ năm 2023 của UBND huyện giao, trong đó có 39ha cây gỗ lớn, ngay từ cuối năm 2022, chúng tôi đã tổ chức rà soát lại tất cả quỹ đất trống trong phạm vi quản lý, trên cơ sở đó tham mưu UBND huyện đăng ký kế hoạch trồng rừng năm 2023 gửi về Sở NN&PTNT tổng hợp, trình UBND tỉnh phê duyệt. Sau khi kế hoạch được phê duyệt, chúng tôi đã hoàn thiện các thủ tục đầu tư để triển khai thực hiện và hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng được giao trong quý II theo đúng tinh thần chỉ đạo của huyện. Toàn bộ diện tích được giao trong năm nay đều được trồng bằng cây lim xanh. Đây là loài cây thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương và có giá trị kinh tế cao.
Ngoài ra, để công tác trồng, chăm sóc và quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ hiệu quả, chúng tôi khuyến khích nhân dân vùng đệm giáp ranh tham gia trồng rừng để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, đồng thời quy trình kỹ thuật thực hiện khâu xử lý thực bì phát băng trồng (không đốt). Qua đó, tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển từ hình thức đốt sang hình thức phát băng để trồng cây trong quá trình xử lý thực bì, hướng tới phát triển lâm nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, giữ đất, giữ nước; chú trọng tuyên truyền đến người dân việc trồng cây gỗ lớn và cây bản địa để nâng cao giá trị trên diện tích sản xuất, góp phần phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững trên địa bàn huyện.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thanh Sơn Phạm Thế Hiền:
Phấn đấu hết tháng 6 sẽ hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng huyện giao
Năm 2023, xã Thanh Sơn được huyện giao trồng 110ha cây gỗ lớn, cây bản địa và 11ha cây dược liệu. Để thực hiện chỉ tiêu này, ngay từ đầu năm, chúng tôi đã giao cho các ngành, đoàn thể của xã và các thôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con nhân dân tích cực trồng rừng, đặc biệt là trồng cây gỗ lớn và cây dược liệu; tổ chức ký cam kết thực hiện kế hoạch trồng rừng gỗ lớn, dược liệu giữa Bí thư chi bộ, Trưởng thôn với Chủ tịch UBND xã.
Đồng thời, triển khai chi tiết thực hiện trồng rừng gỗ lớn, cây dược liệu năm 2023 đến các hộ dân và cộng đồng thôn; phân công cán bộ, đảng viên phụ trách đến từng hộ, bản, gắn với kiểm điểm trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ được giao hằng tháng, quý, năm. Vì vậy, người dân trên địa bàn xã đã tích cực, chủ động trồng và chăm sóc rừng trồng. Chúng tôi phấn đấu đến hết tháng 6 sẽ hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng mà huyện giao.
Chị Đặng Thị Hải (thôn Đồng Thầm, xã Thanh Lâm):
Tích cực trồng rừng theo các mô hình được triển khai
Nhận thấy giá trị kinh tế từ việc trồng rừng, trong những năm qua gia đình tôi đã đẩy mạnh trồng rừng theo các mô hình được xã, huyện triển khai. Gia đình chủ yếu trồng cây quế và keo trên diện tích rừng được giao. Với những diện tích rừng trồng năm thứ nhất, thứ hai, gia đình tôi đã chủ động trồng xen canh một số loại cây ngắn ngày như gừng, sắn, khoai sọ để “lấy ngắn nuôi dài” bởi trong thời gian chờ cây đến tuổi khép tán thì gia đình có thêm thu nhập.
Nhờ trồng rừng, gia đình tôi hiện có hơn chục ha, hầu hết là keo đã khép tán, không phải chăm sóc nữa, chỉ bảo vệ thôi. Nếu cứ phát triển tốt 3-4 năm nữa thì được khai thác sẽ mang lại nguồn thu nhập ổn định. Hiện gia đình tôi cũng đã chuyển một phần diện tích trồng rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn với mong muốn có thu nhập cao hơn.
Bí thư Huyện Đoàn Ba Chẽ Lê Minh Đạt:
Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong phát triển kinh tế
Xác định việc phát triển kinh tế rừng là cách thoát nghèo và làm giàu chính đáng trong ĐVTN, thời gian qua, nhất là ngay từ đầu năm 2023, chúng tôi đã tích cực phối hợp với các ngành, đoàn thể của huyện và các xã, thị trấn tiếp tục tuyên truyền tới ĐVTN chuẩn bị hiện trường và cây giống để trồng rừng, đặc biệt là tham gia thực hiện các mô hình trồng rừng.
Chúng tôi rất mong muốn thông qua những mô hình trồng rừng của Đoàn Thanh niên không chỉ thay đổi cách làm của thanh niên trong phát triển kinh tế, mà còn thay đổi phương thức canh tác, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giảm chi phí, tăng năng suất, đem lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất lâm nghiệp. Đồng thời, tạo việc làm, phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong phát triển kinh tế, thiết thực bảo vệ môi trường sống, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế ở địa phương.
Phạm Học - Thùy Loan (CTV)
Liên kết website
Ý kiến ()