4
18
/
825190
Trăng rằm sáng trong...
longform
Trăng rằm sáng trong...

 

 

 

Nhắc tới Trung thu, ký ức tuổi thơ nào mà chẳng bát ngát ánh trăng rằm tháng Tám, văng vẳng những khúc đồng dao dân dã, lấp lánh mê hoặc bởi những ánh đèn lồng và ám ảnh hương cốm non, vị bánh nướng, bánh dẻo thơm, ngọt sắc cùng các loại quả mùa thu chín đỏ đầy quyến rũ…

 


Nhưng tuổi thơ thế hệ 7X chúng tôi trở về trước ký ức hầu hết vẫn đọng vị Trung thu trong khó khăn, thiếu thốn. Sống ở khu mỏ nhưng lũ trẻ như tôi ngày ấy kiếm được cái đèn ông sao cũng khó, có cái mặt nạ giấy bồi hình thỏ, gấu… thì cứ mân mê cả tháng. Múa rồng, lân, sư tử còn hiếm nữa, có cuộc nào thì chỉ nghe phong phanh thôi đã nô nức rủ nhau đi sớm, háo hức lắm. Mà có phải lúc nào cũng xem được đâu, múa ở sân hợp tác xã, ở phố kia, vòng trong, vòng ngoài chen mãi để dòm được cái đầu rồng, lân vờn lên, lượn xuống, thi thoảng lại khè ra lửa, ngắm nhìn được tý bà chửa lặc lè phẩy phẩy cái quạt tay hay ông Địa béo quay, béo tròn lắc lư là thích lắm rồi… Đồ ăn càng sơ sài hơn. Vị bánh nướng, bánh dẻo chẳng phải đứa trẻ nào và bao giờ cũng nếm đủ vị mỗi dịp Trung thu đâu, thèm thuồng lắm! Mùa thu đến, vườn nhà ai có cây bòng, cây bưởi, cây hồng thì cẩn thận trông giữ phải biết, sợ trẻ con hàng xóm trèo rào vào vặt non hết. Ôi, cái vị chua gắt, tê cả lưỡi của bòng chưa tới độ chín, vị chát ứ của hồng mới vừa ửng vàng, lũ trẻ con nghịch ngợm chúng tôi ngày ấy chẳng thể nào quên…

 

 

Với nhiều người, ký ức Trung thu trong họ vẫn vẹn nguyên. Người bạn tôi sống ở vùng miền Đông của tỉnh, nghe tôi hỏi hào hứng kể một hồi, bảo anh cực thích Tết Trung thu ngày xưa. Khi ấy, ngay từ đầu tháng 8 Âm lịch, các gia đình trong xóm, các nhóm bạn đã cùng nhau chuẩn bị đồ nghề, tre nứa, giấy màu... để làm đèn. Rồi chuẩn bị ống nứa làm khuôn, giẻ sạch làm bấc, cho bấc vào trong ống nứa, nấu chảy pha-ra-phin ra đổ vào là được thành phẩm dạng cây nến, dùng để thắp đèn ông sao. Nhà nào có điều kiện hoặc có bố, có người thân rành về kỹ thuật thì sử dụng bóng đèn ắc quy, đèn pin để thắp.

 

 

Đêm rằm do nhà trường tổ chức, chỉ rước đèn và đánh trống thôi... Từ cuối giờ chiều, cả thầy, cô và trò đã ríu rít kéo nhau đến sân trường, thôi thì đủ các loại đèn, nhiều nhất vẫn là đèn ông sao. Bạn nào có bố, có anh khéo tay thì có cả đèn cá chép, tàu hỏa, máy bay... nhìn mê ly luôn, sự hãnh diện ngời lên, bạn bè thì xuýt xoa, ngưỡng mộ ra mặt. Người dân ở xung quanh, rồi anh, chị, em trong gia đình, những bạn không đi học cũng kéo đến trường rất đông để tham gia rước đèn. Đến khoảng 7h tối, các trường bắt đầu gióng trống để rước đèn theo nhịp hành tiến. Gặp nhau, các đoàn rước sẽ hợp lại có khi dài tới cả cây số, tạo thành một chuỗi ánh sáng lung linh...

Kết thúc lễ rước đèn, ai nấy mới trở về nhà “phá cỗ”. Gọi là “cỗ” cho oai, nhưng thực ra chỉ có mấy quả bưởi mà gần như gia đình nào cũng trồng, sang hơn thì có thêm 2 chiếc bánh Trung thu mua ở cửa hàng bách hóa, vừa thắp nhang xong đem xuống cắt ra chia cho mỗi người một miếng. Nhân bánh Trung thu hồi đó đơn giản nhưng rất nhớ, chỉ là những miếng thịt mỡ nho nhỏ, béo ngậy, đậu xanh, đường phèn và đương nhiên không thể thiếu vị thơm của những lát lá chanh thái chỉ...

Vậy đấy, với thế hệ chúng tôi, dù thiếu thốn cơ mà vẫn thích, vẫn nhớ Trung thu của một tuổi thơ trong trẻo đã mãi mãi xa. Có lẽ vì khó nên miếng ngon nhớ lâu, cuộc vui cũng nằm lòng...

 

 

 

Cuộc sống đổi khác theo xu hướng đi lên, cả về đời sống vật chất và đời sống tinh thần, thiết nghĩ nên vui nhiều hơn, dù vẫn nhớ tiếc ngày tháng đã qua. Cũng không thể đảo ngược thời gian để mong Trung thu xưa trở lại, dù hoài niệm rực rỡ xưa chưa bị nhạt phai...

Trung thu giờ rõ ràng là khác xưa lắm, trước hết vì đời sống kinh tế cao hơn, người ta có điều kiện để chăm lo hơn cho những nhu cầu tinh thần của con trẻ. Nhiều lễ hội trăng rằm, lễ hội đèn lồng quy mô lớn... được các doanh nghiệp tổ chức ở khắp nơi, tạo nên không ít khung cảnh rực rỡ, bắt mắt vừa hút du khách, kích cầu du lịch vừa phục vụ cho thiếu nhi. Đến đây, người lớn, trẻ em, nhất là các “teen” vừa được “mãn nhãn” với khung cảnh rực rỡ vừa được check-in chụp hình, thoải mái ghi lại những khoảnh khắc ý nghĩa bên người thân. Các chương trình trải nghiệm về Trung thu cũng vô cùng hấp dẫn trẻ em. Hòa vào đó, các em thiếu nhi được thỏa sức sáng tạo, từ các mẫu đèn ông sao, tiến sỹ giấy, làm chong chóng, tô, vẽ tranh, bồi mặt nạ giấy, làm vòng đeo tay, vẽ mặt ngộ nghĩnh hay thử nghiệm làm bánh Trung thu... Các hoạt động gắn với Trung thu cổ truyền như múa rồng, lân, sư tử hay múa võ không còn hiếm hoi nữa, thậm chí nhiều em thiếu nhi có thể thỏa thích xem ngay tại gia đình mình.

 

 

Sự quan tâm của xã hội cũng cao hơn. Không chỉ cấp tỉnh có những đêm hội trăng rằm mà xuống tới cấp huyện, cấp xã, rồi thôn, khu phố hầu hết đều có chương trình tổ chức vui Trung thu cho trẻ em trên địa bàn. Trẻ em nghèo cũng được quan tâm, chăm lo tốt hơn với hàng nghìn suất quà được phát tới tay các em, được vui hội trăng rằm với bạn bè, thầy cô trong điều kiện vật chất đầy đủ hơn, với mục tiêu không có trẻ em nào không có Trung thu...

Trung thu dưới một góc độ nào đó giờ không chỉ của trẻ em mà như là ngày hội của tất cả mọi gia đình, mọi tầng lớp, mọi người...

 

 

Dĩ nhiên, việc phát sinh mặt trái hay những biến tướng, thương mại hóa Trung thu là điều khó tránh khỏi khi sự thay đổi diễn ra quá nhanh. Không ít người đã mất đi những ấn tượng đẹp với Trung thu, bởi nó cũng là dịp để người ta tranh thủ tặng quà, biếu xén lãnh đạo; người lớn thì tranh thủ họp xóm, họp phố, ăn uống nhậu nhẹt đến tận khuya. Mấy đội múa lân thì lợi dụng đi xin tiền các hiệu kinh doanh, kéo nhau đi hết nhà này đến nhà kia múa loạn lên, không cho tiền thì không đi. Trẻ con được chơi ít hơn, việc rước đèn trông trăng, vui chơi không còn giữ được nhiều mà thay vào đó là những mâm cỗ lớn, nhỏ do các bố, các mẹ thuê người hoặc rủ nhau bóc, tách, xếp cho các con... Mà ăn thì thực tế nhiều trẻ đã bão hòa, vì bánh Trung thu bán trước đó cả tháng, bình thường cũng cơ man là các loại bánh kẹo bình dân có, cao cấp có bày bán khắp nơi, khiến lũ trẻ chẳng còn mấy hào hứng với bánh kẹo Trung thu...

Trung thu là Tết đoàn viên, là truyền thống của người Việt bao đời nay. Những giá trị tốt đẹp của Trung thu có thể mai một đi lúc này, lúc khác nhưng chắc chắn không dễ mất đi. Ví như cũng có một thời, những chiếc đèn điện tử nhựa nhấp nháy xanh, đỏ và phát nhạc chói tai chiếm lĩnh gần như hoàn toàn thị trường đồ chơi Trung thu. Nay thì khác, từ người lớn tới các em thiếu nhi đã và đang từng bước trở lại với các mẫu đèn lồng truyền thống...

Những giá trị truyền thống của Trung thu, thiết nghĩ cũng sẽ trở lại giống như vậy thôi!

 

Bài, ảnh: Phan Hằng

Trình bày: Tất Đạt

* Lời ca khúc Gọi trăng là gì của tác giả Thập Nhất

 

 
 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu