Tất cả chuyên mục

Ngay khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án thi ĐH, ban chỉ đạo tuyển sinh 2007 liên tiếp nhận được phản hồi về đề thi Hóa có 2 đáp án. Chiều 6/7, bà Trần Thị Hà, Phó ban chỉ đạo cho chúng tôi biết, hôm nay, ban đề sẽ báo cáo vụ việc này.
Thày Cao Giang, giảng viên khối chuyên Hóa, ĐHSP Hà Nội cho rằng, câu 21 ở mã đề 429 có thể chọn 2 phương án A và C. "Đáp án Bộ đưa ra là C, nhưng sách giáo khoa phân ban và không phân ban đều không đề cập đến vấn đề này. Thí sinh chọn phương án C cũng chỉ là do suy luận bắc cầu", giảng viên này lập luận.
Ông dẫn chứng, nếu chọn phương án A thì có cơ sở khoa học chắc chắn bởi theo Từ điển "Tính chất lý hoá của các chất vô cơ" do NXB Khoa học Kỹ thuật Hà Nội xuất bản năm 1996, trang 396 khẳng định: "Kẽm oxit ZnO bền nhiệt, thăng hoa và phân huỷ khi nung mạnh, chỉ nóng chảy dưới áp suất dư của O2. Không phản ứng với nước, không bị hiđrô khử".
Cũng theo thày Giang, đây là câu hỏi không nên có trong đề thi bởi ngoài chương trình học. "Thí sinh chọn phương án đúng là A mà không được điểm thì rất thiệt thòi", ông băn khoăn.
Một học sinh lớp 12, khối chuyên Toán - Tin, ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội phản ánh: câu 34 trong đề 429, đáp án Bộ đưa ra là "C. Cu" nhưng "D. Fe" cũng là đáp án đúng bởi "dùng Fe cũng có thể nhận biết được ba dung dịch HCL, H2SO4, HNO3".
Một giáo viên Trung tâm luyện thi đại học Vĩnh Viễn, TP HCM cho rằng, có thể dùng Fe để nhận biết HCL, rồi lấy FeCl2 để nhận biết hai axit còn lại. Kết quả, HNO3 sẽ thoát ra khí màu nâu, còn H2SO4 đặc cho khí không màu nhưng "điều này chỉ xảy ra trên lý thuyết nên phương án tối ưu vẫn là đáp án C".
Mặc dù không đồng tình với lập luận của em học sinh trên nhưng thày Cao Tự Giác, giáo viên chuyên Hóa, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng, đáp án C cũng không thật chính xác. "Cu phản ứng với H2S04 đặc và Cu phản ứng với HN03 đặc nguội phải có nhiệt độ (phải đun lên) nhưng câu hỏi lại không có ý này", thày Tự Giác phản biện.
Phương pháp nhận biết 3 dung dịch của thí sinh chuyên Toán - Tin |
* Lần lượt cho Fe tác dụng với 3 dung dịch HNO3 và H2SO4 đặc nguội không có phản ứng. HCl có phản ứng tạo khí thoát ra nhận biết được HCl * HCl + Fe ---> FeCl2 + H2. Từ phản ứng trên, thu được dung dịch FeCl2 * Dùng dung dịch FeCl2 lần lượt đổ vào 2 lọ dung dịch còn lại (HNO3 và H2SO4) * Với dung dịch HNO3, sẽ có khí thoát ra, hoá nâu trong không khí: - HNO3 + FeCl2 ---> Fe(Cl)3 + NO + H2O - NO + O2 --> NO2 * Với dung dịch H2SO4 sẽ có phản ứng tạo khí không màu là axit HCl dễ bay hơi: - H2SO4 + FeCl2 --> FeSO4 + 2HCl |
Ý kiến (0)