Đức đóng cửa ba nhà máy điện hạt nhân cuối cùng hôm 15/4 trong bối cảnh điện than vẫn được sử dụng, năng lượng tái tạo phát triển chậm.
Trong khi nhiều quốc gia tăng đầu tư vào năng lượng nguyên tử để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và giảm khí thải, Đức quyết định chấm dứt sớm việc sử dụng điện hạt nhân.
"Đây là sự kết thúc của một kỷ nguyên", công ty năng lượng RWE (Đức) cho biết trong một tuyên bố ngay sau nửa đêm hôm 15/4, xác nhận ba nhà máy điện hạt nhân cuối cùng đã ngắt kết nối với lưới điện. Các nhà máy này gồm Emsland ở bang Lower Saxony, Isar 2 ở bang Bavaria và Neckarwestheim ở bang Baden-Württemberg.
Đức đã tìm cách loại bỏ năng lượng hạt nhân từ năm 2002. Năm 2010, Angela Merkel, khi đó là thủ tướng, tuyên bố kéo dài tuổi thọ của 17 nhà máy điện hạt nhân Đức chậm nhất đến năm 2036. Tuy nhiên, quá trình loại bỏ này được đẩy nhanh vào năm 2011, sau thảm họa hạt nhân Fukushima tại Nhật Bản.
Theo kế hoạch, Đức sẽ chấm dứt sử dụng điện hạt nhân cuối năm 2022. Tuy nhiên, kế hoạch bị trì hoãn khi giá năng lượng năm ngoái tăng cao do xung đột Nga - Ukraine. Cuối cùng, việc đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại của Đức được thực hiện vào ngày 15/4. Các nhà máy này chỉ cung cấp 6% năng lượng của Đức vào năm ngoái. Trong khi vào năm 1997, toàn bộ nhà máy hạt nhân cung cấp tới 30,8% năng lượng cho nước này.
Đức là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đồng thời là nước phát thải lớn nhất trong Liên minh châu Âu (EU). Quyết định chấm dứt sớm kỷ nguyên điện hạt nhân của Đức gây tranh cãi vì các nhà máy điện than - ảnh hưởng xấu đến môi trường - vẫn hoạt động và năng lượng tái tạo chưa đủ phát triển để đáp ứng hoàn toàn nhu cầu về điện.
Một số người cho rằng điện hạt nhân không bền vững, nguy hiểm, làm sao nhãng việc đẩy mạnh năng lượng tái tạo và muốn chấm dứt sự phụ thuộc vào công nghệ này. "Chúng tôi đang đặt dấu chấm hết cho một công nghệ nguy hiểm, không bền vững và tốn kém", chính trị gia Đức Juergen Trittin cho biết.
"Lập trường của chính phủ Đức rất rõ ràng: điện hạt nhân không phải năng lượng xanh. Nó cũng không bền vững. Chúng tôi đang khởi động một kỷ nguyên sản xuất năng lượng mới", Steffi Lemke, Bộ trưởng Môi trường Đức, nói.
Tuy nhiên, số khác cho rằng việc đóng cửa sớm các nhà máy hạt nhân là thiển cận. Họ coi đây là hành động chấm dứt một nguồn năng lượng carbon thấp đáng tin cậy vào thời điểm cần cắt giảm mạnh các chất ô nhiễm làm nóng hành tinh. Nhà hoạt động khí hậu Greta Thunberg gọi đây là một hành động "sai lầm" hồi tháng 10/2022. Tổ chức Ember ước tính, Đức và Ba Lan sẽ là hai nhà sản xuất điện than lớn nhất EU vào năm 2030, chiếm hơn một nửa lượng khí thải ngành điện của EU.
"Chúng ta cần duy trì hoạt động của các lò phản ứng hạt nhân an toàn hiện có, đồng thời đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo càng nhanh càng tốt", Leah Stokes, giáo sư về chính sách năng lượng và khí hậu tại Đại học California Santa Barbara, nhận định.
Theo Stokes, rủi ro lớn là nhiên liệu hóa thạch được sử dụng để lấp vào khoảng trống năng lượng từ việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân. Việc cắt giảm năng lượng hạt nhân của Đức kể từ sau thảm họa Fukushima chủ yếu được bù đắp bằng sự gia tăng điện than, theo một nghiên cứu công bố năm ngoái.
"Việc tăng công suất điện than đi ngược lại với những gì chúng ta cần", Stokes nói. Bà chỉ ra, nhiên liệu hóa thạch không chỉ ảnh hưởng tới khí hậu mà còn gây rủi ro cho sức khỏe. Theo một phân tích gần đây, ô nhiễm không khí từ nhiên liệu hóa thạch dẫn đến 8,7 triệu ca tử vong mỗi năm.
Nhà kinh tế Đức Veronika Grimm nhận định, việc giữ cho các nhà máy điện hạt nhân hoạt động lâu hơn sẽ cho Đức thêm thời gian để điện khí hóa rộng rãi, nhất là khi năng lượng tái tạo vẫn còn phát triển chậm.
Đức lên kế hoạch đóng cửa toàn bộ nhà máy điện than vào năm 2038, đợt đóng cửa đầu tiên dự kiến diễn ra vào năm 2030. Điện than chiếm hơn 30% sản lượng điện của Đức năm 2022, tiếp đến là điện gió với 22%, điện từ khí đốt chiếm 13% và năng lượng mặt trời chiếm 10%. Phần còn lại chủ yếu gồm năng lượng sinh khối, hạt nhân và thủy điện.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck muốn nước này sản xuất 80% năng lượng từ các nguồn tái tạo vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, thủ tướng Đức Olaf Scholz kêu gọi lắp đặt 4 đến 5 turbine gió mỗi ngày trong vài năm tới. Đây là yêu cầu khó vì nước này chỉ lắp đặt 552 turbine gió vào năm ngoái. Tuy nhiên, tốc độ phát triển năng lượng tái tạo hiện tại có thể quá chậm để Đức đạt được các mục tiêu bảo vệ khí hậu.
Ý kiến ()