Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 16/01/2025 02:37 (GMT +7)
Tránh hình thức, lãng phí trong công tác giám sát
Thứ 7, 27/05/2023 | 17:20:54 [GMT +7] A A
Đánh giá cao hoạt động giám sát của Quốc hội có nhiều đổi mới sâu sắc và toàn diện, đạt được những kết quả tích cực, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng cần có thêm giải pháp để khắc phục các vấn đề còn tồn tại, nhất là tránh hình thức, lãng phí trong công tác giám sát nhằm nâng cao chất lượng công tác quan trọng này, đáp ứng yêu cầu cử tri và nhân dân cả nước.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, sáng 27/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến nội dung Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 gồm 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định: Chuyên đề 1: Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan (như: Dự án Sân bay Long Thành; dự án đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2017-2020 và 2021-2025; dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng giai đoạn 1). Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan. Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan. Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan. |
Nâng cao hiệu quả giám sát
Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Tạ Đình Thi (Hà Nội) đánh giá cao kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 của Quốc hội, nhất trí cao về Tờ trình dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.
Đại biểu nhấn mạnh, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, công tác giám sát đã có nhiều đổi mới, tăng cường, ngày càng thực chất, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí, giảm tối đa phiền hà, ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của địa phương, cơ sở, cơ quan, đơn vị liên quan.
Điều đó đã góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác ban hành, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật, xử lý được nhiều vụ việc tồn đọng, nhận được sự quan tâm, ủng hộ của cử tri và nhân dân.
Đại biểu cho rằng cần tiếp tục phân định rõ, nâng cao tính đồng bộ, sự kế thừa trong hoạt động giám sát của Quốc hội với hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra, điều tra của các cơ quan khác trong hệ thống chính trị.
Do vị trí, vai trò, phạm vi, phương pháp, quy trình của mỗi cơ quan khác nhau, đại biểu cho rằng cần nâng cao hiệu quả phối hợp, điều phối giữa các cơ quan để nâng cao hiệu quả giám sát, bảo đảm tính khách quan, độc lập.
Để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động quan trọng này, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) cho rằng cần quan tâm, làm tốt hơn nữa công tác chuẩn bị giám sát, đề cương xây dựng báo cáo giám sát cần chi tiết, yêu cầu báo cáo cụ thể các nội dung giám sát, cần thành lập tổ công tác, giúp việc của đoàn giám sát là những cán bộ, chuyên gia, các đại biểu Quốc hội có chuyên môn sâu về lĩnh vực giám sát.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng cần tích cực thu thập các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về nội dung giám sát. Tổ công tác của đoàn giám sát cần làm việc trước với cơ quan đơn vị liên quan, xác minh, làm rõ những vấn đề cần thiết trước khi đoàn giám sát làm việc chính thức với đơn vị chịu sự giám sát.
Sau giám sát, phải ban hành kết luận Nghị quyết của cuộc giám sát, Nghị quyết kết luận giám sát phải nêu cụ thể các kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, chỉ rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, có kiến nghị, yêu cầu cụ thể.
Ngoài ra, trong quá trình giám sát, nếu phát hiện có vi phạm, đoàn giám sát cần báo cáo kịp thời với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội để chuyển vụ việc sang cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Hỗ trợ đúng đối tượng, hạn chế tối đa trục lợi chính sách
Đánh giá cao Tờ trình dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, đại biểu Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) cho biết, đối với việc lựa chọn chuyên đề giám sát của Quốc hội cho năm 2024, đại biểu bày tỏ đồng tình lựa chọn chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan”.
Theo đại biểu, chính sách nhà ở xã hội là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Trước năm 1992, Nhà nước thực hiện phân phối nhà cho cán bộ, công nhân viên nhà nước. Đến năm 1991, chính sách bao cấp nhà ở đã bị xóa bỏ. Khái niệm nhà ở xã hội mới xuất hiện năm 2005 khi có Luật Nhà ở. Tiếp đến, Luật Nhà ở (sửa đổi) năm 2014 tiếp tục kế thừa chính sách về nhà ở xã hội. Theo đó, Nhà nước ban hành các cơ chế hỗ trợ về miễn giảm thuế, tiền thuê, sử dụng đất, ưu đãi lãi suất...
Tuy nhiên, đại biểu Lê Thanh Hoàn cũng cho rằng, việc thực hiện nhà ở xã hội thực tế còn khoảng cách rất xa so với mục tiêu và yêu cầu đề ra. “Có địa điểm nhà ở xã hội không ai tham gia, nơi lại quá đông. Cách xác định đối tượng mua nhà ở xã hội cũng còn nhiều tranh luận khác nhau", đại biểu nêu thực trạng.
Từ đó, đại biểu Lê Thanh Hoàn cho rằng, để phát triển nhà ở xã hội đạt yêu cầu, cần định hình rõ chính sách, hỗ trợ đúng đối tượng thụ hưởng, hạn chế tối đa việc trục lợi chính sách.
Đại biểu tỉnh Thanh Hoá đề nghị mở rộng phạm vi giám sát việc triển khai chính sách nhà ở xã hội bắt đầu từ 2006 khi Luật Nhà ở có hiệu lực. Theo đó, phạm vi giám sát cần toàn diện, có sự đánh giá xuyên suốt quá trình phát triển nhà ở, thời gian giám sát cần bắt đầu từ năm 2006, thời điểm có hiệu lực của Luật Nhà ở 2005 cho đến năm 2023 để quán triệt tốt chủ trương của Đảng trong việc giải quyết cơ bản nhu cầu nhà ở cho người dân.
"Nội dung giám sát cần tập trung làm rõ ai đang sinh sống trong nhà ở xã hội, tổ chức nào cung cấp, thực trạng sử dụng nhà ở xã hội, mục tiêu, ý nghĩa của chương trình giám sát thông qua kết quả đạt được, môi trường sống như cơ sở vật chất, cây xanh, bảo trì, bảo dưỡng nhà, môi trường xã hội như trình độ, lối sống, cơ sở hạ tầng như chợ, nơi mua sắm, khoảng cách tiếp cận nhà ở xã hội đến chỗ làm việc của người dân, khoảng cách đến các cơ sở địa phương…", đại biểu Lê Thanh Hoàn nêu rõ.
Trước tình hình kinh tế có dấu hiệu suy giảm, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường không ít, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới cũng giảm, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) bày tỏ mong muốn Quốc hội chọn chuyên đề giám sát về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan”.
Nhấn mạnh việc giải ngân đầu tư công hiện nay còn chậm, trong khi thời hạn thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 không còn nhiều, đại biểu đề nghị Chính phủ trình Quốc hội gói hỗ trợ để bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để phục hồi, phát triển nền kinh tế một cách toàn diện.
Đại biểu cũng đề nghị các bộ, ngành nỗ lực nhiều hơn, triển khai quyết liệt Công điện số 470 của Thủ tướng Chính phủ để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác này.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()