Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 01/12/2024 11:56 (GMT +7)
Tranh khắc gỗ, từ dân gian đến đương đại
Chủ nhật, 01/12/2024 | 09:32:04 [GMT +7] A A
Tranh khắc gỗ - loại hình nghệ thuật với ngôn ngữ hội họa độc đáo, dưới bàn tay sáng tạo của các nghệ sĩ Quảng Ninh đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật ấn tượng, không chỉ gìn giữ được những giá trị truyền thống mà còn mang màu sắc đương đại.
Trong những năm gần đây, tranh khắc gỗ đã trải qua một quá trình chuyển mình mạnh mẽ. Bên cạnh lối tạo hình truyền thống, các nghệ sĩ đương đại không còn bó hẹp trong những khuôn mẫu cũ mà đã sáng tạo ra những tác phẩm mới mang hơi thở của xã hội hiện đại.
Nói đến tranh khắc gỗ ở Quảng Ninh là người ta nghĩ ngay đến họa sĩ Vũ Tư Khang (TX Quảng Yên). Ông đã dày công tạo dựng nên một kho tàng nghệ thuật với gần 100 bức tranh khắc gỗ, tranh sơn khắc mang đậm màu sắc dân gian cổ truyền.
Tranh khắc gỗ của họa sĩ Vũ Tư Khang thể hiện rất chi tiết hình ảnh lễ hội, như lễ cưới làng chài, lễ hội Yên Tử, hội bơi chải làng Cốc, lễ tế đầu xuân cho tới cuộc sống thường nhật từ con thuyền, bến nước, bông lúa, cánh đồng…, có phong cách rất gần gũi với các dòng tranh dân gian Việt Nam.
Với Vũ Tư Khang, dòng tranh khắc đã đi cùng ông suốt cả cuộc đời. Qua những tác phẩm dày công sáng tạo của ông, ta mới thấy được sức lao động nghệ thuật bền bỉ để có được chất riêng rất đáng trân trọng với dòng tranh khắc - thứ “hàng hiếm” trong các chất liệu hội họa của các họa sĩ Quảng Ninh cũng như cả nước.
Nếu như họa sĩ Vũ Tư Khang tiêu biểu cho dòng tranh khắc gỗ đề tài dân gian truyền thống thì họa sĩ Lê Hải Thanh (TP Uông Bí) lại chủ yếu khai thác dòng tranh này với đề tài đương đại, thổi vào đó nét đẹp của đời sống hiện đại. Lựa chọn tranh khắc gỗ là chất liệu chính trong các sáng tác của mình, đến nay, họa sĩ Hải Thanh đã có hơn 30 bức tranh khắc gỗ, từ tranh đơn sắc đến tranh màu, với nhiều chủ đề khác nhau...
Bên cạnh 2 họa sĩ Vũ Tư Khang và Lê Hải Thanh chuyên về dòng tranh khắc gỗ, một số họa sĩ khác của Quảng Ninh cũng rải rác có những tác phẩm tranh khắc gỗ, như họa sĩ Đào Thế Am, Nguyễn Văn Hiệp, Vũ Văn Hưng, Phạm Hải Yên...
Để làm tranh khắc gỗ, người họa sĩ vừa là nghệ sĩ, vừa là nghệ nhân. Bởi quy trình để tạo nên một sản phẩm tranh khắc gỗ phải trải qua nhiều bước, từ vẽ phác trên giấy, khắc trên gỗ đến in trên giấy…, trong đó kỳ công nhất là công đoạn khắc bản in.
Với phương pháp truyền thống, tranh khắc gỗ đen trắng chỉ cần một bản khuôn. Với tranh màu, mỗi màu trên bức tranh là một bản gỗ riêng biệt và bản nét thường là màu đen, in sau cùng. Cho nên trong bản in màu, nếu ta thấy trong đó có bao nhiêu mảng màu thì sẽ có bấy nhiêu bản gỗ cho mảng màu đó.
Một kỹ thuật làm bản in màu khác là tranh khắc gỗ phá bản. Với kỹ thuật này, người họa sĩ chỉ cần một bản khuôn gỗ cho tất cả các màu. In xong mảng màu nào thì sẽ khắc phá đi mảng màu đó trên bản gỗ. Cứ màu sau đè lên màu trước, nhiều mảng màu tạo thành nhiều lớp chồng lên nhau. Thông thường, in màu sáng hoặc nhạt trước và màu đậm hoặc tối sau, và cuối cùng là còn lại bản nét đen.
Họa sĩ Hải Thanh cho biết: Nguyên tắc để tạo bản khắc là những gì cần in nổi thì sẽ để nguyên, còn phần chìm sẽ phải khắc đi. Quá trình in tranh khắc gỗ cũng đòi hỏi phải có những kỹ thuật nhất định để nét in được sắc nét, không bị nhòe hoặc nhạt màu mực, không bị chồng nét. Với tranh màu thì nếu áp dụng cách in phá bản, tức là in từng lớp trên một bản khuôn thì đòi hỏi sự kỳ công và tư duy hình ảnh rất tốt của người họa sĩ.
Đối với các họa sĩ hiện đại, lựa chọn chất liệu khắc gỗ để sáng tác không phải đơn giản, thời gian để làm ra một tác phẩm lại lâu vì phải qua một công đoạn khắc bản nét mất nhiều thời gian. Tuy vậy, đáng mừng là thời gian gần đây, xu hướng sáng tác tranh khắc gỗ bắt đầu trở lại và các nghệ sĩ của Quảng Ninh cũng hào hứng thử nghiệm sáng tạo với dòng tranh này nhiều hơn.
Tranh khắc gỗ tại Quảng Ninh hiện nay không chỉ bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống mà còn hòa nhập với xu hướng nghệ thuật đương đại, mang đến cho người xem những trải nghiệm thẩm mỹ đầy bất ngờ, minh chứng cho giá trị và vẻ đẹp vượt thời gian của dòng tranh khắc gỗ.
Xuân Hòa
Liên kết website
Ý kiến ()