Tất cả chuyên mục

Tranh lụa là một họa phẩm được thực hiện một cách vô cùng khéo léo và tỉ mỉ bởi những nghệ nhân thêu tranh truyền thống ở làng hành hương Yên Tử.
Tranh lụa mang hồn cốt dân tộc bởi vì việc dệt lụa là một trong những nghề lâu đời và giàu truyền thống tại Việt Nam. Ở nước ta từng có những làng lụa nổi tiếng như: Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội), Nha Xá (Hà Nam), Mã Châu (Quảng Nam), Bảo Lộc (Lâm Đồng), Tân Châu (An Giang). Tại Đà Lạt thương hiệu tranh thêu XQ đã vạch hướng đi mới cho ngành nghề, kết hợp giữa nghệ thuật thêu và tính nghệ thuật của hội họa tạo sắc màu mới cho tranh thêu Việt Nam. XQ Việt Nam đã tập hợp được hơn 2.000 nghệ nhân thêu xây dựng được 6 công ty thành viên ở trong và ngoài nước góp phần phát triển thương hiệu tranh thêu trên lụa Việt Nam.
Về nội dung và kiểu mẫu thì tranh thêu lụa tơ tằm khá tương đồng với tranh truyền thống. Chính nhờ nét độc đáo đó mà tranh thêu lụa tơ tằm đã trở thành một trong những sản phẩm truyền thống cực kì giá trị có độ bền chắc vượt trội lên tới hàng chục năm sử dụng. Chị Tô Thị Vân Anh, nghệ nhân thêu tranh ở làng hành hương Yên Tử, cho biết, tranh được thêu trên nền vải lụa, vải thêu chuyên dụng với nhiều màu khác nhau nhưng phổ biến nhất vẫn là thêu trên nền vải màu đen và màu trắng. Nền vải màu trắng thường được sử dụng cho những bức tranh thêu cần sự tươi sáng như tranh thêu phong cảnh, tranh thêu chân dung các con vật.
Còn nền vải màu đen dùng cho tranh cần thu hút sự chú ý, ví dụ như những bức tranh thêu các loài hoa, tranh thêu tĩnh vật. Tranh thêu tay thường được thêu theo mẫu truyền thống điển hình như dòng tranh thêu tay phong thủy. Tranh thêu có thể mô phỏng lại từ tranh vẽ hoặc ảnh chụp của các họa sĨ, nhiếp ảnh gia, thêu theo mẫu được thiết kế riêng tại xưởng hoặc theo mẫu bất kỳ mà khách hàng yêu cầu. Khi đã có được các mẫu vẽ này, nghệ nhân sẽ chuyển thể từ mẫu giấy sang vải.
Sau khi vẽ xong lên vải, nghệ nhân sẽ bắt đầu lựa chọn chỉ màu. Đây là những loại chỉ màu được nhuộm thủ công. Chất lượng tranh thêu tay ở Việt Nam tạo được dấu ấn khác biệt so với các nước khác một phần cũng chính vì ở Việt Nam có loại chỉ tơ tằm đẹp, màu sắc đa dạng, sợi chỉ mảnh, bền có độ bóng, mịn cao và bắt sáng tốt góp phần không nhỏ trong việc nâng cao tính nghệ thuật của bức tranh. Tranh thêu tay nghệ thuật trên lụa đòi hỏi rất nhiều loại chỉ màu khác nhau, từ sợi chỉ lớn đến sợi chỉ nhỏ, từ chỉ thô đến chỉ bóng, từ màu đậm đến màu nhạt. Vì thế, để có được những sợi chỉ ưng ý đòi hỏi nghệ nhân thêu tranh phải có con mắt tinh tế, óc thẩm mỹ và cả kinh nghiệm trong sự phối màu. Một bức tranh phức tạp thậm chí có đến hàng trăm sợi chỉ khác nhau để phối màu. Tất cả sẽ tạo hiệu ứng màu sắc, sáng tối, độ tương phản cũng như chiều sâu của bức tranh khi thêu xong.
Khi đã lựa chọn được chỉ màu rồi, nghệ nhân sẽ căng vải lên khung và sửa lại những nét vẽ cho dễ nhìn hơn. Nghệ nhân bắt đầu tỉ mẩn thêu với những mũi kim điêu luyện. Thời gian thêu tranh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Tay nghề của nghệ nhân, độ lớn của bức tranh, độ phức tạp của những họa tiết trên tranh v.v.. Sau khi thêu xong phải cắt những chỗ chỉ thừa, sửa chữa những chỗ bị lỗi, gỡ tranh ra khỏi khung thêu và vệ sinh bức tranh.
Việc đưa nghề thêu tranh trên lụa về làng hành hương Yên Tử không chỉ tạo ra một sản phẩm văn hóa mà còn góp phần bảo tồn phát huy nghề thủ công truyền thống và sản phẩm mỹ thuật dân gian, tạo ra một trải nghiệm văn hóa mới cho du khách khi hành hương về chốn non thiêng.
[links()] |
Ý kiến ()