Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:01 (GMT +7)
Tranh thủ từng ngày, từng giờ, hình thành phòng tuyến chống dịch vững chắc
Thứ 4, 21/07/2021 | 22:09:51 [GMT +7] A A
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 nhấn mạnh yêu cầu này trong chuyến công tác, kiểm tra phòng, chống dịch tại ba tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, ngày 21/7.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sự chủ động, sáng tạo, hiệu quả của tỉnh Bến Tre trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là quyết tâm dập dịch trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Dồn lực dập dịch triệt để
Sau khi thăm Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 (xã Hữu Định, huyện Châu Thành), sáng 21/7, Phó Thủ tướng và một số thành viên Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bến Tre.
Tính từ ngày 4/7 đến nay, Bến Tre ghi nhận 290 trường hợp F0, 1.835 F1 và 9.895 F2. Các ca chỉ điểm chuỗi lây nhiễm đươc phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc cộng đồng, chủ yếu liên quan đến ổ dịch Chợ Bình Điền (TPHCM). Năng lực xét nghiệm của tỉnh đạt 3.000 mẫu đơn/ngày, tương đương 30.000 mẫu gộp 10 mẫu đơn. Tỉnh có 4 bệnh viện dã chiến với khả năng tiếp nhận 1.200 bệnh nhân.
Lãnh đạo tỉnh Bến Tre xác định thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, tạo điều kiện tăng tốc điều tra, truy vết, xét nghiệm sàng lọc cộng đồng |
Lãnh đạo tỉnh Bến Tre nhận định tình hình dịch tiếp tục có những diễn biến phức tạp, có nguy cơ lan rộng. Một số doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, khu công nghiệp đã ghi nhận ca nhiễm qua sàng lọc bằng xét nghiệm nhanh.
Bến Tre xác định thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, tạo điều kiện tăng tốc điều tra, truy vết, xét nghiệm sàng lọc cộng đồng, nhất là những người có triệu chứng lâm sàng, nhằm nhanh chóng phát hiện, khoanh vùng, chặn đứt chuỗi lây nhiễm.
Tỉnh thành lập 4 chốt kiểm soát phòng, chống dịch tại các cửa ngõ ra, vào tỉnh, có xét nghiệm nhanh; tổ chức 6.087 tổ COVID-19 cộng đồng (mỗi tổ phụ trách 30-40 hộ dân) để quản lý người cách ly y tế tại nhà, người về từ vùng dịch; thường xuyên đánh giá nguy cơ dịch bệnh tại từng địa phương để có biện pháp đáp ứng phù hợp, hiệu quả…
Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre Lê Đức Thọ cho biết, tỉnh đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 xuống đến huyện, xã; thực hiện giao ban hằng ngày; phân công các đồng chí thường vụ tỉnh uỷ xuống các huyện, cấp huyện nắm đến xã, cấp xã nắm đến hộ dân… để cập nhật, xử lý kịp thời các tình huống phát sinh.
Trong công tác điều trị, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng tỉnh Bến Tre phải thiết lập, mở rộng hệ thống oxy tập trung ở các bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng trở nặng, không để nặng thêm, hạn chế tử vong. Bộ Y tế sẽ hỗ trợ tỉnh một số vật tư, trang thiết bị như máy thở oxy cao áp HFNC, sinh phẩm xét nghiệm nhanh…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 (xã Hữu Định, huyện Châu Thành), sáng 21/7. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Tỉnh cần mạnh dạn đưa các F0 không có triệu chứng, sau khi điều trị 8 ngày có kết quả xét nghiệm PCR âm tính hoặc nồng độ virus thấp, không có khả năng lây lan ra cộng đồng về tiếp tục cách ly tại nhà; mở rộng cách ly F1 tại nhà.
Lãnh đạo các Bộ: Công an, GTVT trực tiếp giải đáp, xử lý những vướng mắc mà Bến Tre đang gặp phải bảo đảm lưu thông hàng hoá, bảo đảm tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn, vận hành các chốt kiểm soát, bảo vệ các khu cách ly,…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sự chủ động, sáng tạo, hiệu quả của tỉnh Bến Tre trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là quyết tâm dập dịch trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, siết lại các khâu phòng, chống dịch để sớm quay lại cuộc sống bình thường mới
Phó Thủ tướng “đặt hàng” Tiền Giang tổ chức các DN, thương lái đóng gói rau quả, thực phẩm sẵn trước khi vận chuyển đến Thành phố, để hạn chế tiếp xúc khi mua, bán. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Kiểm soát chặt người về từ các tỉnh
Làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đoàn công tác, trưa ngày 21/7, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết tỉnh hiện có 120 ổ dịch với 1.390 bệnh nhân.
Khó khăn lớn nhất của tỉnh là kiểm soát người từ TPHCM và các tỉnh khác về, trong đó có cả những tàu đánh bắt thuỷ, hải sản từ nơi khác đến.
Tỉnh đã triển khai 577 chốt kiểm soát phòng, chống dịch từ cấp tỉnh đến huyện, xã; lập 9.000 tổ COVID-19 cộng đồng, 291 tổ truy vết, 221 tổ lấy mẫu; thực hiện xét nghiệm trên 24.000 mẫu gộp, 15.000 mẫu đơn;…
Về điều trị, cách ly, Tỉnh thành lập 4 bệnh viện dã chiến khoảng 1.600 giường, đang thiết lập 1 đơn nguyên hồi sức tích cực 150 giường; 57 cơ sở cách ly tập trung với khoảng 5.500 giường. Tuy nhiên, với số lượng F0, F1 tăng nhanh gây áp lực rất lớn lên hệ thống điều trị, cách ly.
Hiện Tiền Giang đang gặp khó khăn trong điều trị để giảm số bệnh nhân chuyển nặng, hạn chế ca tử vong và mong muốn được Trung ương hỗ trợ về y, bác sĩ chuyên ngành hồi sức tích cực, các thiết bị điều trị như máy thở, X-quang, siêu âm,… Dự báo số lượng F0 sẽ tăng nhanh khi tăng cường tầm soát các điểm nóng, vì vậy, tỉnh chuẩn bị phương án lập thêm bệnh viện dã chiến, mở rộng thực hiện cách ly F1 tại nhà.
Đánh giá chung tình hình, ông Nguyễn Văn Vĩnh cho rằng Tiền Giang chưa kiểm soát tốt tình hình dịch, vẫn xuất hiện những ổ dịch mới. Dự kiến khi kết thúc thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg Tiền Giang sẽ vẫn còn những khu vực nguy cơ dịch bệnh cao, rất cao.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng diễn biến dịch ở Tiền Giang rất đáng lo ngại, đã có những bệnh nhân nặng, ca tử vong. Bộ Y tế sẽ hỗ trợ cho tỉnh đồ bảo hộ, sinh phẩm xét nghiệm nhanh, máy thở chức năng cao, điều động nhân lực hỗ trợ, tập huấn cho cán bộ y tế của tỉnh…
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng đề nghị huy động thêm lực lượng công an trong truy vết hết các trường hợp F0, F1, không bỏ sót, lọt nguy cơ lây nhiễm ngoài cộng đồng, xử lý nghiêm những F0 không trung thực.
Lãnh đạo Bộ Công an, Bộ GTVT đề nghị Tiền Giang thực hiện đúng các hướng dẫn mới nhất về cấp mã QR, tạo luồng xanh vận tải, lưu thông hàng hoá; tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn tối đa cho lái xe, người đi cùng xe.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cùng với TPHCM, Tiền Giang là tỉnh có dịch xuất hiện sớm, một số huyện, thị, thành phố đã chủ động thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg. Vì vậy, trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg trên địa bàn toàn tỉnh thì phải làm chặt, nghiêm hơn nữa.
Thời gian tới, Tiền Giang cần kiểm soát rất chặt người từ các vùng khác. Bên cạnh các chốt kiểm soát cứng phải có chốt chặn mềm, đến từng khu dân cư, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”; tăng cường kiểm tra khu công nghiệp, các chợ đầu mối, dân sinh…
Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao tỉnh Tiền Giang đã bảo đảm lưu thông hàng hoá, lương thực, nhu yếu phẩm, đời sống của người dân, không để ai thiếu ăn, thiếu đói. Là tỉnh cung cấp nguồn rau quả, thực phẩm cho TPHCM, Phó Thủ tướng “đặt hàng” Tiền Giang tổ chức các DN, thương lái đóng gói rau quả, thực phẩm sẵn trước khi vận chuyển đến Thành phố, để hạn chế tiếp xúc khi mua, bán.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của tỉnh Vĩnh Long trong phòng, chống dịch, bảo đảm đời sống cho người dân, đặc biệt là người nghèo, mưu sinh hàng ngày, không có tích luỹ. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Nỗ lực tối đa trong 15 “ngày vàng”
Báo cáo với Phó Thủ tướng tại cuộc làm việc chiều 12/7, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long Văn Công Minh cho biết đến ngày 21/7, tỉnh ghi nhận 460 F0 trong cộng đồng, 4.196 F1, 12.587 F2. Hình thái lây nhiễm từ cộng đồng vào khu công nghiệp và ngược lại. Một số khu vực dân cư, nhà trọ đã có hiện tượng lây nhiễm thứ phát từ công nhân. Số ca nhiễm trong cộng đồng xu hướng tăng nhanh.
Năng lực xét nghiệm RT-PCR của Vĩnh Long hiện đạt khoảng 960 mẫu đơn/ngày (có thể nâng tối đa lên 2.500 mẫu nếu đủ nhân lực vận hành), khoảng 5.000 mẫu gộp 5 mẫu đơn. Số cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn Vĩnh Long đạt khoảng 800 giường, chuẩn bị đưa vào vận hành thêm 2 bệnh viện dã chiến với công suất 400 giường. Các khu cách ly tập trung cấp tỉnh đáp ứng được trên 2.200 chỗ; 8 huyện, thị, thành phố có công suất khoảng 1.000 giường/đơn vị.
Hiện nay, Vĩnh Long đang tận dụng “thời gian vàng” trong thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg để tập trung truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm thần tốc, khoanh vùng, dập dịch triệt để, sớm kiểm soát dịch bệnh.
Vĩnh Long đang xem xét, chuẩn bị xây dựng thêm bệnh viện dã chiến, kích hoạt một số khu cách ly chuẩn bị cho tình huống có 1.000 ca nhiễm và 2.000 ca nhiễm. Tỉnh đề nghị hỗ trợ thêm máy thở chức năng cao; máy X-quang di động; một dàn máy xét nghiệm RT-PCR…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của tỉnh Vĩnh Long trong phòng, chống dịch, bảo đảm đời sống cho người dân, đặc biệt là người nghèo, mưu sinh hằng ngày, không có tích luỹ. Cùng với 19 tỉnh, thành phố phía nam, Vĩnh Long cần kêu gọi toàn thể người dân đoàn kết thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg để kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh, hình thành vùng hậu phương vững chắc, vừa bảo vệ, vừa chi viện cho TPHCM chống dịch.
Thực hiện cao hơn 1 mức, sớm hơn 1 bước
Tại các cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu quán triệt phương châm "RÕ-NGHIÊM-CHẮC-HIỆU QUẢ' trong thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, nỗ lực, cố gắng kiểm soát dịch bệnh, hình thành những vùng an toàn vững chắc nhanh nhất có thể.
Các tỉnh phải rất rõ ràng mục tiêu, ưu tiên, giải pháp, trách nhiệm của từng cấp chính quyền đến tổ COVID-19 cộng đồng, từng người dân phải làm gì. Khi đã rõ thì người dân sẽ làm theo, tuân thủ và giám sát lại chính quyền.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đã thực hiện giãn cách là phải rất nghiêm, tại những “điểm nóng” cần huy động lực lượng công an, quân đội, thanh niên xung kích tăng cường cho tổ COVID-19 cộng đồng.
Đây là lúc phải phát huy tối đa vai trò của các tổ chức, đoàn thể, tổ COVID-19 cộng đồng, nòng cốt là lực lượng công an để “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để nắm tất cả những người từ nơi khác về, xử lý nghiêm những ai không khai báo y tế hoặc không trung thực, trong đó có trách nhiệm của người thân trong gia đình; cơ quan nào vi phạm đều phải xử lý nghiêm khắc.
Nhắc lại chủ trương trong điều trị và dự phòng “cao hơn 1 mức, sớm hơn 1 bước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu chống dịch là hạn chế tối đa số ca nhiễm mới, nếu có ca nhiễm thì cố gắng không để chuyển nặng, giảm ca tử vong.
Cụ thể, các cơ sở điều trị tại Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long nói riêng, các tỉnh nói chung, khi tiếp nhận F0 phải căn cứ vào kết quả xét nghiệm, nồng độ virus, tình trạng sức khoẻ để bố trí nhân viên y tế theo dõi sát, thăm hỏi, kịp thời chuyển ngay tuyến trên những trường hợp có dấu hiệu chuyển nặng. Những cơ sở điều trị bệnh nhân chuyển nặng phải có hệ thống oxy tập trung, máy thở oxy cao áp (HNFC) để giảm tối đa diễn biến bệnh nặng hơn.
Về chiến lược xét nghiệm, Phó Thủ tướng lưu ý các tỉnh chỉ sử dụng xét nghiệm nhanh đối với những vùng dịch, ổ dịch đậm đặc cần bóc ngay F0 ra khỏi cộng đồng, còn những khu vực khác thì ưu tiên sử dụng xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp. Làm đến đâu phải chắc đến đấy, phải rà quét không chỉ những vùng có dịch để làm sạch, mà cả những vùng an toàn cũng phải giữ cho chắc. Trong điều trị, xét nghiệm cũng vậy, nhanh nhưng phải chắc chắn.
“Các đồng chí phải làm quyết liệt, bài bản từ lấy mẫu, quản lý thông tin, kết quả xét nghiệm… không chỉ chống dịch, mà còn nâng cao trình độ chuyên môn để sẵn sàng hỗ trợ cho các tỉnh khác hay TPHCM”, Phó Thủ tướng nói và lưu ý các tỉnh phải cập nhật đầy đủ dữ liệu về tình hình dịch bệnh, các ca F0, F1, F2 lên hệ thống thông tin dịch bệnh toàn quốc để phân tích, dự báo phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành chống dịch, cũng như hoạt động điều tra, truy vết.
Nhấn mạnh yêu cầu hiệu quả là trên hết, Phó Thủ tướng nêu rõ: Những hướng dẫn của Trung ương, Bộ Y tế dù điều chỉnh liên tục nhưng nếu chưa phù hợp với thực tiễn bên dưới thì các tỉnh mạnh dạn vừa làm, vừa điều chỉnh, đồng thời tổng hợp báo cáo cấp trên để kịp thời tháo gỡ.
“Các tỉnh cố gắng tận dụng những ngày giãn cách, thực hiện thật nghiêm, từng bước làm sạch các vùng dịch, ổ dịch, hình thành vùng an toàn vững chắc, phòng tuyến chống dịch xung quanh TPHCM và hỗ trợ cho Thành phố khi cần thiết”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Về kế hoạch tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị các tỉnh chủ động triển khai cho những đối tượng ưu tiên cụ thể, tinh thần là minh bạch, công khai với người dân.
Theo Baochinhphu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()