Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:06 (GMT +7)
Trẻ em nên hay không nên học code?
Thứ 4, 28/02/2024 | 22:38:33 [GMT +7] A A
Đây là chủ đề đang gây nhiều tranh cãi trong giới CNTT, sau khi CEO NVIDIA - Jensen Huang cho rằng, “trẻ em không nên học code”.
Tại một sự kiện diễn ra hồi tuần trước ở UAE, CEO của NVIDIA, ông Jensen Huang đã có một phát biểu gây sốc khi khuyên người trẻ không nên học code (lập trình).
Theo ông Jensen Huang, con người đang ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng AI. Lập trình lúc này đã không còn là kỹ năng quan trọng. Trí tuệ nhân tạo đang đảm nhận ngày một tốt công việc lập trình, do vậy, con người nên tập trung vào các công việc chuyên môn có giá trị cao hơn như sản xuất hay nông nghiệp.
Thay vì việc học lập trình, CEO NVIDIA khuyên người trẻ nên theo đuổi ngành khoa học máy tính. Bên cạnh đó, người trẻ cần trang bị các kỹ năng khác để có thể trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực hữu ích hơn.
Sau phát ngôn không khuyến khích người trẻ học code của CEO NVIDIA, câu chuyện này đã trở thành một chủ đề gây nhiều tranh cãi.
Theo anh Nguyễn Hữu Cầm, giảng viên CNTT một trường đại học ở Hà Nội, trẻ em hiện nay vẫn nên học lập trình.
Anh cho rằng, AI hiện mới chỉ đáp ứng được một số công việc, trong khi những công việc mang tính đặc thù vẫn cần đến sự tham gia của con người.
Các nội dung do AI sinh ra hiện vẫn mang nhiều tính chủ quan, đặc biệt là các nội dung có yếu tố chính trị, tôn giáo. Do vậy, AI vẫn cần được cung cấp nguồn dữ liệu đầu vào chuẩn và phải được “rèn luyện”. Điều này cần tới sự giám sát của con người.
Theo anh Cầm, cần một khoảng thời gian nữa để AI có thể thay thế hoàn toàn con người trong việc lập trình. Tuy nhiên, lúc đó sẽ lại sinh ra các ngành khác cần đến công việc lập trình.
Từ góc độ một người làm giáo dục, vị giảng viên này cho hay, tỷ lệ sinh viên CNTT ra trường có việc làm ngay hiện vẫn ở mức cao. Tuy vậy, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp cắt giảm nhân sự, thị trường nhân sự CNTT đang ngày một cạnh tranh hơn.
“Sinh viên CNTT mới ra trường nếu muốn có việc làm tốt ngay không đơn giản, khi yêu cầu của nhà tuyển dụng ngày một cao. Fresher (sinh viên mới ra trường) cần phải có kiến thức như junior (người mới đi làm một vài năm). Việc giỏi ngoại ngữ cũng là một tiêu chí để giúp các bạn có thêm điểm cộng”, anh Cầm nói.
Chia sẻ về câu chuyện này, TS Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC cho hay, ông tôn trọng góc nhìn của ông Jensen Huang bởi đó là quan điểm riêng của từng người.
Theo TS Đặng Minh Tuấn, việc trả lời câu hỏi “Trẻ em có nên học code hay không?” cũng tương tự như câu hỏi “Học toán để làm gì?”.
“Máy tính và điện thoại đã có ở khắp nơi, sao còn phải học phép toán cộng, trừ, nhân, chia? Tương tự, có người phiên dịch rồi tại sao người ta vẫn học ngôn ngữ của dân tộc khác? Học lập trình là để hiểu cách thức thực hiện các bài toán logic, hiểu ngôn ngữ của máy tính. Đây cũng là một kỹ năng để người sở hữu nó có thể chủ động giải quyết được những công việc đơn giản”, TS Đặng Minh Tuấn nhận định.
TS Đặng Minh Tuấn cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc học lập trình không phải là điều kiện bắt buộc. Tuy nhiên, nếu có kỹ năng lập trình, các bạn trẻ sẽ có những lợi thế nhất định, dù mức độ lợi thế cụ thể ra sao sẽ tùy theo từng thời điểm.
Trong thời gian ngắn trước mắt, AI vẫn chưa thay thế được con người, trái lại nó sẽ hỗ trợ cho người làm IT làm việc hiệu quả hơn. Thậm chí, việc ứng dụng AI mạnh mẽ còn mở ra những cơ hội việc làm mới mà trước đây chưa từng có.
Điều này cũng giống như khi taxi ra đời thì nghề đạp xích lô sẽ bị thu hẹp, nhưng lại xuất hiện các ngành nghề khác liên quan đến việc sửa chữa, cung ứng vật tư cho loại hình phương tiện mới.
Để không bị AI thay thế, người làm IT cần trang bị thêm cho mình kỹ năng khai thác AI. Họ cũng phải hiểu nguyên lý hoạt động của trí tuệ nhân tạo, từ đó phát huy những ưu điểm và hạn chế mặt tiêu cực mà AI mang lại.
Theo Vietnamnet
Liên kết website
Ý kiến ()