Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 14:19 (GMT +7)
Tri ân người có công với cách mạng
Thứ 4, 27/07/2022 | 07:00:07 [GMT +7] A A
Chiến tranh qua đi nhưng hậu quả mà nó để lại vẫn rất lớn lao và khốc liệt, ghi dấu mãi mãi trong tâm trí mỗi thế hệ người dân Việt Nam. Bằng những việc làm thiết thực, những năm qua tỉnh Quảng Ninh không ngừng nỗ lực thực hiện tốt chính sách đối với người có công (NCC) với cách mạng và thân nhân của NCC về cả đời sống vật chất và tinh thần.
Trọn nghĩa, vẹn tình
Cái nắng mùa hè mang theo oi bức làm ảnh hưởng đến những người sức yếu, nhất là với những người mang trong mình vết thương chiến tranh. Vì thế, thời gian này, Trung tâm Điều dưỡng người có công (Sở LĐ-TB&XH) đặc biệt chú trọng đến việc bảo đảm sức khỏe cho đối tượng NCC.
Toàn tỉnh có hơn 4.000 NCC đang thực hiện chế độ điều dưỡng. 100% NCC và thân nhân NCC có hoàn cảnh khó khăn được cấp thẻ BHYT, hưởng chế độ điều dưỡng. Trung tâm Điều dưỡng NCC tỉnh được phân công nhiệm vụ chăm sóc, điều dưỡng cho đối tượng thương, bệnh binh, NCC. Trung tâm theo dõi sức khỏe, lập hồ sơ bệnh án của từng đối tượng NCC. Căn cứ vào tình trạng bệnh tật, sức khỏe, đơn vị thực hiện chăm sóc, chế độ ăn uống phù hợp với tuổi tác, bệnh lý của từng người.
Thương binh Đào Xuân Đán (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) chia sẻ: Những đợt điều dưỡng như thế này, chúng tôi không chỉ được chăm sóc về sức khoẻ, được đi tham quan các danh lam thắng cảnh ở trong tỉnh, mà còn có điều kiện gặp gỡ giao lưu, ôn lại kỷ niệm chiến trường xưa, nắm bắt tình hình đời sống của nhau để tiếp tục chia sẻ, hỗ trợ nhau trong cuộc sống.
Không chỉ là sự quan tâm tận tình chăm sóc của cán bộ, nhân viên ở các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC, mà ngoài cộng đồng, tấm lòng tri ân, chăm sóc NCC của các cấp ủy, chính quyền được thể hiện thường xuyên, liên tục bằng nhiều hành động, việc làm thiết thực.
Hơn 40 năm qua, mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Chuyên (phường Đại Yên, TP Hạ Long) vẫn nhớ như in thời điểm tháng 10/1979, khi mẹ liên tiếp nhận được tin 2 người con trai lần lượt hy sinh. Nỗi đau, niềm thương nhớ, tự hào, ký ức về những đứa con ra đi vĩnh viễn gần nửa thế kỷ luôn trong tâm trí mẹ. Mẹ cả đời chịu thương, vẫn chịu khó vất vả làm lụng. Không chỉ nhận phụng dưỡng hằng tháng, vào những dịp lễ, tết, các đơn vị và các đồng chí lãnh đạo đến thăm hỏi, động viên, tặng quà cho mẹ. Nhận sự quan tâm từ chính quyền và thế hệ trẻ dành cho mình, mẹ xúc động nói: “Với mẹ, tình cảm, sự quan tâm này khiến mẹ rất vui; những nỗi đau, nỗi nhớ con trong mẹ cũng vơi đi phần nào...”.
Ông Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: Quảng Ninh thực hiện mục tiêu bảo đảm mức sống của gia đình thương binh, liệt sĩ và NCC, mẹ Việt Nam Anh hùng luôn bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. Đến nay cơ bản các gia đình NCC có cuộc sống ổn định, nhà ở khang trang.
Hằng năm, nguồn ngân sách của tỉnh trích trên 60 tỷ đồng dành cho công tác thăm, tặng quà cho NCC trên địa bàn tỉnh. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, tỉnh đã trích ngân sách trên 26,5 tỷ đồng để tặng quà cho 17.429 đối tượng chính sách.
Để tri ân các liệt sĩ và gia đình NCC, tỉnh chỉ đạo các ngành, lực lượng quân đội, chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, với phương châm “Còn thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, còn tiếp tục tổ chức tìm kiếm, quy tập”... Qua đó, góp phần xoa dịu nỗi đau thương mất mát, đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi của thân nhân NCC. Nhiều nhà bia, nghĩa trang tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại các địa phương được tu sửa, xây mới.
Bên cạnh dành nguồn kinh phí theo quy định của Trung ương, những năm qua công tác “Đền ơn đáp nghĩa” ở Quảng Ninh được xã hội hóa sâu rộng, huy động được sức mạnh của toàn xã hội tham gia, trở thành phong trào rộng khắp, đa dạng về hình thức, thiết thực về nội dung. Từ năm 2012-2021, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa các cấp đã huy động được gần 70 tỷ đồng. Từ nguồn Quỹ này, nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho NCC được triển khai thường xuyên, trở thành nguồn động viên to lớn, giúp NCC phát huy truyền thống cách mạng, vượt qua mất mát thương tật, khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Nghĩa tình nhân lên theo năm tháng
Quảng Ninh hiện có trên 12.500 đối tượng NCC với cách mạng đang hưởng trợ cấp hằng tháng. Xác định việc chăm lo cho các đối tượng chính sách, NCC với cách mạng không chỉ là tình cảm mà còn là trách nhiệm, đạo lý tri ân với thế hệ đi trước, những năm qua công tác này luôn được tỉnh, các cấp, ngành và toàn xã hội quan tâm.
Không chỉ là địa phương đi đầu thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách, chế độ đối với NCC với cách mạng theo quy định của Nhà nước, tỉnh còn ban hành các nghị quyết riêng, với nhiều chính sách đặc thù, hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách của địa phương để thực hiện hỗ trợ, chăm lo cho NCC trên địa bàn tỉnh. Trong đó, sửa chữa, xây mới nhà ở cho gia đình NCC luôn được tỉnh quan tâm thực hiện tốt, tạo thành phong trào lan tỏa trong xã hội. Từ năm 2013 đến nay, Quảng Ninh đã hỗ trợ nhà ở cho gần 10.000 gia đình NCC, tổng kinh phí trên 300 tỷ đồng, trong đó hơn 100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, đưa Quảng Ninh trở thành địa phương hoàn thành Đề án hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sớm nhất nước, vượt 20% số hộ được hỗ trợ so với Đề án được Bộ LĐ-TB&XH thẩm định.
Đặc biệt, năm 2020 HĐND tỉnh khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 246/2020/NQ-HĐND về Đề án hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 3. Điểm mới nổi bật là nguồn kinh phí thực hiện 100% từ ngân sách tỉnh, khác với giai đoạn 1 và giai đoạn 2 có sự hỗ trợ ngân sách của Trung ương.
Hết năm 2020 đã có gần 3.000 gia đình NCC được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở với tổng kinh phí gần 120 tỷ đồng. Những ngôi nhà không chỉ mang giá trị vật chất, giúp NCC yên tâm ổn định cuộc sống, mà còn thể hiện tình cảm, sự chăm lo của xã hội.
Đầu năm 2021, ngôi nhà khang trang của gia đình ông Nguyễn Tiến Giang (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) được hoàn thành. Vợ chồng ông bà đều tham gia hoạt động cách mạng, được tặng Huân chương Kháng Chiến. Nhờ số tiền hỗ trợ 60 triệu đồng từ Đề án hỗ trợ nhà ở cho NCC giai đoạn 3 của tỉnh và sự hỗ trợ của người thân, chính quyền địa phương, gia đình ông đã có được căn nhà mới thay thế cho căn nhà cũ đã xuống cấp.
Trong niềm vui, phấn khởi dọn về nhà mới, ông Giang chia sẻ: "Trước đây gia đình tôi sống trong ngôi nhà lụp xụp. Những cơn mưa mùa hè hay cái lạnh của mùa đông đều là điều đáng sợ đối với cả nhà. Nhờ sự quan tâm của Đảng, của Nhà nước, của tỉnh, ước mơ có một ngôi nhà vững chãi của vợ chồng tôi giờ đây đã thành hiện thực...".
Tỉnh còn ban hành một số cơ chế, chính sách cụ thể riêng, tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NCC với cách mạng; hỗ trợ học tập cho con liệt sĩ, con thương, bệnh binh nặng học tập tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề với mức hỗ trợ thêm với 100.000 đồng/học sinh/tháng. Giai đoạn 2007-2022, tỉnh đã hỗ trợ cho 305 con liệt sĩ, con thương, bệnh binh nặng, tổng kinh phí 562,4 triệu đồng.
Đến nay, tất cả các gia đình NCC của tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Đây là “trái ngọt” của quá trình nỗ lực thực hiện các chính sách về ưu đãi NCC của cả hệ thống chính trị tỉnh. Với truyền thống, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Quảng Ninh tiếp tục dành nhiều hơn nữa sự quan tâm chăm lo giúp NCC với cách mạng có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Thu Trang
- Đoàn đại biểu người có công tỉnh Quảng Ninh dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ
- TKV: Tri ân gia đình người có công với cách mạng
- "Các hoạt động tri ân người có công với cách mạng vừa là tình cảm thiêng liêng, vừa là trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân..."
- Thăm hỏi, tặng quà người có công Quảng Ninh ở Trung tâm điều dưỡng thương binh tại các tỉnh
- Chủ tịch UBND tỉnh thăm, tặng quà gia đình người có công tại TP Cẩm Phả
Liên kết website
Ý kiến ()