Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:58 (GMT +7)
Triển khai các giải pháp để công tác chuẩn bị đầu tư cho các dự án đạt hiệu quả cao
Thứ 6, 03/02/2023 | 15:34:52 [GMT +7] A A
Thay mặt cử tri TX Quảng Yên, tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, đại biểu Bùi Thị Hương, Tổ đại biểu TX Quảng Yên chất vấn:
Về công tác chuẩn bị đầu tư: Theo báo cáo của UBND tỉnh có đánh giá và nhận định công tác chuẩn bị đầu tư đang là một khâu yếu vừa chậm vừa không đảm bảo chất lượng dẫn đến ảnh hưởng đến tiến độ phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn, tiến độ triển khai các dự án khởi công mới và tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công hàng năm. Đề nghị đồng chí cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Cường trả lời:
Theo quy định tại Điều 50 của Luật Xây dựng năm 2014, trình tự đầu tư xây dựng có 03 giai đoạn gồm chuẩn bị dự án, thực hiện dự án và kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng, trong đó, giai đoạn chuẩn bị dự án - bước đầu tiên trong quá trình thực hiện dự án có ý nghĩa quan trọng, khẳng định sự cần thiết, tính khả thi của dự án. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác chuẩn bị dự án các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh đang còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể:
1. Công tác lập đề xuất chủ trương đầu tư:
Theo quy định của Luật Đầu tư công, cơ quan đề xuất chủ trương đầu tư là Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh; Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt, bảo đảm nội dung đề xuất chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công phù hợp với chủ trương của Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân tỉnh và quy định của pháp luật về đầu tư công; số liệu trong đề xuất chủ trương đầu tư chỉ có tính ước lượng sơ bộ, nhất là chi phí bồi thường, GPMB (chưa có cơ sở lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng chi tiết), các số liệu này sẽ được chuẩn xác trong bước khảo sát, lập dự án đầu tư.
2. Công tác khảo sát, lập dự án đầu tư
Sau khi chủ trương đầu tư các dự án được phê duyệt, UBND tỉnh sẽ giao các Ban Quản lý dự án chuyên ngành làm chủ đầu tư để tổ chức lập dự án đầu tư theo quy định của Luật xây dựng và nguyên nhân chậm tiến độ thực hiện các dự án xuất phát chủ yếu từ giai đoạn này, cụ thể:
Về nguyên nhân khách quan:
Vướng mắc, bất cập, không nhất quán giữa các Luật (Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đấu thầu, các Nghị định, thông tư hướng dẫn); dẫn đến thủ tục đầu tư phải mất nhiều thời gian, phải qua nhiều bước. Đây là vướng mắc lớn nhất hiện nay. Thông thường, sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư, phải mất khoảng 300 ngày (10 tháng) mới hoàn thành các thủ tục để khởi công (VD: Dự án Trụ sở Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh Quảng Ninh: Hiện nay, diện tích chuyên dùng (các phòng chức năng của Trung tâm tích hợp dữ liệu) chưa được UBND tỉnh phê duyệt ban hành tiêu chuẩn, định mức theo Khoản 2, Điều 7, Nghị định số 152/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 của Chính phủ; Dự án Trụ sở công an xã: Địa điểm xây dựng trụ sở công an xã ở các huyện, thị xã là mới, chưa có trong quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu... từ đầu nhiệm kỳ quy hoạch, tất cả phải bắt đầu thực hiện từ khi có chủ trương thành lập công an xã. Vì vậy, việc lập báo cáo đề xuất chủ trương để phù hợp với các quy hoạch được duyệt là hết sức khó khăn. Mặt khác, tuy là 1 dự án, nhưng phạm vi trải dài cả 8 huyện, với 62 trụ sở (tương đương với 62 dự án nhỏ) nên công tác lập báo cáo đề xuất chủ trương đủ điều kiện trình thẩm định phê duyệt rất mất thời gian.
Công tác đền bù, GPMB chậm cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ các dự án.
Về nguyên nhân chủ quan:
Trong quá trình khảo sát lập dự án đầu tư, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn chưa đánh giá được hết những yếu tố tác động đến dự án (ảnh hưởng đến đất rừng, việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư; ...), chưa dự báo hết những rủi ro, khó khăn có thể phát sinh, đặc biệt chưa khảo sát điều tra kỹ các mỏ vật liệu, bãi đổ thải về vị trí, trữ lượng, chất lượng, khả năng cung ứng, đường vận chuyển, thủ tục khai thác, trữ lượng các bãi đổ thải, đáp ứng yêu cầu của dự án dẫn đến trong quá trình trình triển khai thực hiện dự án phát sinh nhiều khó khăn vướng mắc như: công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, thiết hụt nguồn đất đắp, thiếu vị trí đổ thải... làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện dự án và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công (VD: Dự án cầu Cửa Lục 3; Dự án Đường nối từ đường cao tốc Hạ Long — Hải Phòng (tại Km6+700) đến đường tỉnh 338 - Giai đoạn 1; Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long — Hải Phòng đến thị xã Đông Triều (đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến đường tỉnh 338 — Giai đoạn 1...).
Các công trình trọng điểm động lực có quy mô đầu tư lớn, nhóm A nên các bước thiết kế thuộc thẩm quyền thẩm định của các Bộ, ngành trung ương dẫn đến làm chậm tiến độ phê duyệt dự án (VD: Dự án Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh - giai đoạn 1).
Do công tác khảo sát, lập dự án đầu tư chưa kỹ nên khi triển khai thực hiện phải điều chỉnh, bổ sung giải pháp thiết kế một số hạng mục cho phù hợp với thực tế; ngoài ra còn do rà soát điều chỉnh quy hoạch, thay đổi quy mô dự án,...; chi phí đền bù, GPMB trong bước chủ trương đầu tư là tạm tính nên khi chuẩn xác lại trong bước lập dự án đầu tư có dự án phát sinh tăng rất lớn dẫn đến phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án đầu tư (VD: Dự án Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh - giai đoạn 1; dự án Mở rộng đường 334 đoạn từ sân golf Ao Tiên đến nút giao giữa đường 334 và đường vào công viên phức hợp Khu kinh tế Vân Đồn).
Năng lực của một số đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công; chủ đầu tư, quản lý dự án còn hạn chế dẫn đến việc hoàn thành hồ sơ thủ tục còn chậm, chưa chủ động phối hợp các sở, ngành, địa phương để xử lý hồ sơ, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng.
4. Giải pháp khắc phục:
Đẩy nhanh tiến độ GPMB, các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các địa phương để có kế hoạch, ưu tiên đền bù giải tỏa các khu vực phù hợp với kế hoạch thi công của các nhà thầu.
Các chủ đầu tư, các đơn vị được giao thực hiện dự án tăng cường trách nhiệm trong công tác lập kế hoạch vốn đầu tư sát với nhu cầu thực tế, thanh toán vốn đảm bảo theo tiến độ thực hiện, đảm bảo giải ngân theo khối lượng và hoàn tất các thủ tục về quyết toán vốn đầu tư theo quy định.
Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các dự án; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình, chống lãng phí, thất thoát; bảo đảm công khai, minh bạch trong đấu thầu.
Nâng cao chất lượng công tác thẩm định dự án, thẩm định dự toán thiết kế, khảo sát địa hình, địa chất, thí nghiệm và kiểm định xây dựng, thanh quyết toán vốn đầu tư...; thực hiện nghiêm công tác đấu thầu theo đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo khách quan, minh bạch, cạnh tranh để phát huy được hiệu quả.
Thu Hoài (biên soạn)
Liên kết website
Ý kiến ()