Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 01:26 (GMT +7)
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống: Nghị quyết số 06 "bén rễ"
Thứ 3, 04/01/2022 | 08:39:22 [GMT +7] A A
Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) của Tỉnh ủy có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, hướng tới sự phát triển bền vững ở các vùng khó khăn của tỉnh. Triển khai Nghị quyết, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã cụ thể hóa bằng những giải pháp thiết thực, phù hợp.
Đồng chí Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Ngay sau khi Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, được ban hành, các sở ngành, địa phương trong toàn tỉnh đã nhanh chóng xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện các nhóm mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể, bước đầu triển khai, tổ chức thực hiện đạt kết quả tích cực. Các cơ chế, chính sách, nhất là các chính sách an sinh về y tế, giáo dục, được triển khai ngay, nguồn lực được phân bổ theo đúng quy định. Công tác quán triệt, truyền thông, tuyên truyền về Nghị quyết đã phát huy hiệu quả, huy động sự vào cuộc của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; tạo dư luận tốt và sự đồng thuận cao của cộng đồng, người dân, nhất là người dân tại địa bàn thuộc phạm vi của Nghị quyết.
Một trong nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được các cấp ngành, địa phương khẩn trương triển khai đã đạt kết quả bước đầu, là phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo đó, ngành GD&ĐT các địa phương đã tích cực thực hiện rà soát, xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể thực hiện việc dồn ghép các điểm trường lẻ, nâng cấp cơ sở vật chất các điểm trường, nhất là các địa bàn sâu xa, khó khăn, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng GDĐT trên địa bàn tỉnh. Trong đó, phải kể đến TP Hạ Long đã thực hiện giảm 14 điểm trường lẻ,TP Cẩm Phả giảm 1 điểm trường. Dự kiến, huyện Ba Chẽ giảm 2 điểm trường tiểu học trong năm học 2021-2022; huyện Bình Liêu giảm 9 điểm trường lẻ; huyện Tiên Yên giảm 6 điểm trường trong giai đoạn 2021-2025...
Công tác đào tạo nghề cho lao động trẻ để chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu nông thôn gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS, người công tác tại vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được quan tâm, chú trọng. Các cấp ngành, địa phương đã phối hợp đẩy nhanh tiến độ mở các lớp hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các đối tượng là người DTTS, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo... chủ động tham gia thị trường lao động, ổn định sinh kế. Năm 2021, toàn tỉnh đã tổ chức được 54 lớp đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho trên 1.410 lao động, trong đó phần lớn là lao động nông thôn, người DTTS; 4 lớp bồi dưỡng cho 185 học viên là cán bộ, công chức, viên chức người DTTS tại các địa phương Hạ Long, Hải Hà, Ba Chẽ, Tiên Yên.
Các cấp, ngành, địa phương đã triển khai hiệu quả nhiệm vụ huy động, sử dụng mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Đáng chú ý, Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh “Phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” đã xác định ngân sách nhà nước các cấp dành khoảng 4.000 tỷ đồng để thực hiện Chương trình.
Bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành, địa phương đã xây dựng nội dung, danh mục dự án, công trình, nhiệm vụ cụ thể trong kế hoạch 5 năm (2021-2025) gắn với dự kiến nguồn lực cụ thể để thực hiện. Trên cơ sở đó, tỉnh đã phân bổ, bố trí vốn dự toán ngân sách 200 tỷ đồng cho chương trình tổng thể năm 2021; đồng thời ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh để cho vay, tạo việc làm tại các xã, thôn mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Đến nay, các dự án đã được khởi công và giải ngân 100% vốn được giao trong năm 2021 theo quy định. Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh giải ngân 100% vốn vay giải quyết việc làm cho khoảng 580 hộ trong năm 2021.
Mới đây, ngày 13/11/2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ-HĐND "Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, xác định tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình là 4.200 tỷ đồng. Đây là nguồn lực rất lớn để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo đồng bộ, hiện đại, liên thông; phát triển toàn diện y tế, GD&ĐT gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập; giảm nghèo bền vững. Các ngành, địa phương trong tỉnh đã nhanh chóng rà soát, xây dựng kế hoạch, triển khai các dự án đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển sản xuất, thực hiện chính sách đảm bảo an sinh…
Đồng chí Phạm Văn Hoài, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên, cho biết: Với việc tỉnh luôn quan tâm, ban hành kịp thời các chính sách, bố trí vốn đầu tư sẽ là động lực rất lớn giúp các thôn, xã vừa thoát khỏi đặc biệt khó khăn có nguồn lực phát triển kinh tế, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng cuộc sống. Bám sát theo chủ trương đầu tư Chương trình tổng thể, năm 2022 Tiên Yên sẽ tập trung đầu tư xây dựng các công trình giao thông động lực, thiết yếu, kết nối nội huyện, liên huyện, tạo không gian và các điều kiện phát triển mới, như: Tuyến giao thông nối thôn Nà Cam (xã Đại Dực, huyện Tiên Yên) với xã Húc Động (huyện Bình Liêu) để phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch ruộng bậc thang và văn hóa dân tộc Sán Chỉ; tuyến giao thông kết nối QL18A với thác Pạc Sủi (xã Yên Than) và xã Đông Ngũ tạo thuận lợi phát triển tuyến du lịch trên địa bàn huyện.
Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()