Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 23:19 (GMT +7)
Triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả
Thứ 4, 16/03/2022 | 07:40:28 [GMT +7] A A
Tối 15/3, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả, bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến kết nối điểm cầu tới một số địa phương trong nước và 94 Đại sứ quán, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Tham dự hội nghị còn có đại diện Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) và các hãng hàng không, công ty du lịch, lữ hành, khách sạn.
Tự tin đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nêu rõ: Hội nghị là sự kiện quan trọng và tổ chức rất đúng thời điểm, vào ngày 15/3, ngày Việt Nam chính thức mở cửa trở lại hoạt động du lịch quốc tế. Đây cũng là hội nghị về du lịch lần đầu tiên có sự tham dự của tất cả 94 Đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, lãnh đạo các tỉnh, thành phố và đông đảo lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, khách sạn, hãng hàng không, cho thấy sự quan tâm đặc biệt, kỳ vọng lớn và quyết tâm cao của các cơ quan, địa phương và doanh nghiệp trong việc triển khai, cụ thể hóa chủ trương mở cửa du lịch đã được Chính phủ thông qua.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao cho biết theo thống kê của Bộ Ngoại giao, hiện nay có khoảng 50 nước trên thế giới, trong đó có rất nhiều nước ở Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore đã triển khai các biện pháp nới lỏng quy định nhập cảnh, miễn xét nghiệm PCR và miễn cách ly cho khách quốc tế để kích cầu du lịch. Đối với Việt Nam, quyết định mở cửa trở lại du lịch quốc tế với các biện pháp mở cửa mạnh mẽ, triển khai từ ngày 15/3/2022 rất quan trọng, đúng thời điểm trên cơ sở nền tảng vững chắc và những kết quả rất quan trọng đạt được trong quá trình ứng phó với dịch bệnh, với tỷ lệ tiêm chủng rất cao và các biện pháp kịp thời trong việc tiếp cận thuốc, vaccine, phương pháp điều trị và đặc biệt là với sự đồng lòng và ý thức của người dân.
"Có thể nói, chúng ta bước sang giai đoạn mới trong việc ứng phó dịch bệnh và có thể có khả năng tự tin đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam", Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh.
Với vai trò và tầm quan trọng của ngành du lịch đối với kinh tế, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao nêu rõ, hỗ trợ phục hồi và đẩy mạnh du lịch chính là góp phần thiết thực thực hiện các mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn hiện nay và sắp tới.
Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách quốc tế
Đề cập đến kế hoạch quảng bá du lịch, đón khách quốc tế đến Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết từ cuối tháng 11/2021, Việt Nam đã thí điểm đón khách quốc tế. Đến 16/2/2022, Chính phủ đồng ý chủ trương mở lại hoạt động du lịch quốc tế, nội địa từ ngày 15/3/2022, trên cơ sở đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Như vậy, Việt Nam đã kết thúc giai đoạn thí điểm và tất cả các điểm đến trên địa bàn lãnh thổ Việt Nam đều được đón khách một cách an toàn trên phạm vi cả nước.
Để đẩy mạnh hoạt động phục hồi du lịch một cách hiệu quả, ông Hà Văn Siêu cho rằng cần đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông trên hai phương diện: thông tin truyền thông, quảng bá kết nối thị trường qua truyền thông số, mạng xã hội; kênh bán hàng, tiếp thị trực tiếp của các hãng lữ hành, hãng hàng không, các cơ sở dịch vụ, đặc biệt là các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, thông tin rộng khắp đến thế giới cũng như các hãng truyền thông quốc tế.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng cho rằng, trong giai đoạn mới cần tiếp tục những nỗ lực tạo thuận lợi cho du khách đến Việt Nam một cách thuận lợi nhất, cả về thị thực, đến kết nối hàng không, đảm bảo an toàn dịch bệnh; nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đáp ứng yêu cầu điều kiện bình thường mới. Tất cả những vấn đề này cần phải không ngừng cải thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách quốc tế.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cũng cho biết thêm, thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Tổng cục Du lịch thực hiện chương trình quảng bá du lịch "Live Fully in Vietnam" (Sống trọn vẹn tại Việt Nam) và nay, ngành Du lịch sẽ tập trung cao độ cho chương trình này.
Chương trình "Live Fully in Vietnam" sẽ tập trung truyền tải thông điệp có ý nghĩa mời bạn bè, du khách trên toàn thế giới đến Việt Nam trong điều kiện bình thường mới, đảm bảo an toàn, hấp dẫn và có những trải nghiệm thú vị, đầy sức sống với thiên nhiên, văn hóa Việt Nam. Mục đích của chương trình tập trung quảng bá hình ảnh Việt Nam an toàn, hấp dẫn, thân thiện và thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam, tạo động lực để khôi phục lại ngành du lịch.
Liên quan đến chính sách nhập cảnh của Việt Nam đối với du khách quốc tế, theo Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Lương Thanh Quảng, thời gian qua, Việt Nam đã từng bước điều chỉnh nới lỏng chính sách xuất - nhập cảnh. Từ 2021, với việc phê duyệt khẩn cấp và nhanh chóng triển khai chiến dịch tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 ở nước ta và các nước phát triển cũng đạt tới trạng thái bình thường mới, gỡ bỏ các hạn chế đi lại, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế, để phục vụ cho việc di chuyển qua biên giới, Việt Nam và nhiều nước cũng đã ban hành và công nhận lẫn nhau nhau giấy chứng nhận tiêm chủng, chứng nhận khỏi bệnh, thường gọi tắt là hộ chiếu vaccine.
Theo quy định hiện hành, tập quán quốc tế, hộ chiếu vaccine không phải là giấy tờ đi lại mà chỉ là điều kiện đảm bảo yêu cầu về y tế. Loại giấy tờ này không thay thế các giấy tờ xuất nhập cảnh hiện hành. Theo đó, người mang các loại giấy tờ này, vẫn cần sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền của các nước. Hiện nay, Việt Nam đang tạm thời công nhận hộ chiếu vaccine của 19 nước, và 16 nước, vùng lãnh thổ đã công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam.
Trước đó, trong văn bản báo cáo Chính phủ, trên cơ sở điều kiện bình thường mới, các bộ, ngành thống nhất báo cáo Chính phủ cho phép khi đến thời điểm 15/3 sẽ dừng áp dụng các biện pháp giới hạn về cấp visa và thực hiện như trước khi có dịch, bao gồm cấp visa điện tử, miễn visa đơn phương, song phương.
Du khách quốc tế khi đến Việt Nam không phải đăng ký theo tour, tuyến du lịch như trong thời gian thí điểm, mà chỉ cần đáp ứng đầy đủ các quy định của Bộ Y tế về tiêm vaccine phòng COVID-19; có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi lên máy bay (trong vòng 24 giờ đối với phương pháp xét nghiệm nhanh, 72 giờ đối với phương pháp RT-PCR); với các nước có quy định khắt khe hơn thì áp dụng theo quy định của các nước này; cài ít nhất một ứng dụng quản lý y tế theo quy định của cơ quan chuyên môn Việt Nam và bật liên tục trong thời gian ở tại Việt Nam...
Đối với khách quốc tế nhập cảnh qua đường hàng không, những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ phải xét nghiệm nhanh ngay tại sân bay, những người còn lại phải về thẳng nơi lưu trú đã đăng ký trước, tự cách ly trong vòng 24 tiếng và thực hiện xét nghiệm nhanh hoặc RT-PCR, tiếp tục theo dõi y tế trong vòng 14 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thực hiện nghiêm 5K.
Khách quốc tế nhập cảnh qua đường bộ được xét nghiệm ngay tại cửa khẩu trước khi nhập cảnh.
Tại hội nghị, Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và lãnh đạo các địa phương, đại diện doanh nghiệp lữ hành, du lịch, khách sạn và hàng không đã có những trao đổi, thảo luận các biện pháp phối hợp, cùng bắt tay vào triển khai hiệu quả chủ trương mở cửa du lịch của Chính phủ. Nhiều đại biểu mong muốn Chính phủ sẽ sớm ban hành hướng dẫn đầy đủ, thống nhất về phòng, chống dịch bệnh khi đón du khách quốc tế, để Việt Nam thực sự mở cửa đầy đủ, toàn diện.
Các đại biểu đã thông tin về chủ trương, kế hoạch và quy định về mở cửa du lịch của Việt Nam. Trong đó, các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam đã cung cấp thông tin thêm về chính sách, kinh nghiệm mở cửa du lịch của các nước, nêu những vấn đề đề xuất để triển khai hiệu quả, thông suốt các chính sách, quy định của Việt Nam.
Các đại biểu cũng trao đổi các biện pháp đẩy mạnh mở cửa du lịch, thu hút khách quốc tế, trong đó các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thông tin về các kế hoạch phát triển thu hút du lịch trọng điểm và các đề xuất cụ thể.
Hội nghị cũng lắng nghe những đặt hàng cũng như đề xuất của địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, hãng hàng không về các biện pháp phối hợp các bộ, ngành với các địa phương, các cơ quan đại diện Việt Nam nước ngoài nhằm cùng nhau chung tay đẩy mạnh quảng bá, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Theo TTXVN
Liên kết website
Ý kiến ()