Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 11/01/2025 00:57 (GMT +7)
Triển vọng mô hình trồng chanh leo xuất khẩu ở Đầm Hà
Thứ 2, 10/06/2024 | 12:28:57 [GMT +7] A A
Chanh leo là một trong 4 loại cây chủ lực được huyện Đầm Hà lựa chọn trồng theo đề án Phát triển vùng cây ăn quả tập trung đến năm 2030. Đến nay, huyện Đầm Hà đã phát triển được 3ha trồng chanh leo cho hiệu quả kinh tế cao, bước đầu đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn xuất khẩu.
Triển khai từ cuối năm 2023, mô hình trồng chanh leo tại HTX Nông nghiệp tổng hợp Trường Giang (thôn Trại Dinh, xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà) cho hiệu quả tích cực. Quả chanh leo có chất lượng cao, an toàn, ổn định. Đến nay, vườn chanh leo được đánh giá đạt tiêu chuẩn toàn cầu GlobalGAP, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Bước đầu mô hình chanh leo cho thu hoạch trên 1 tấn quả phục vụ các đơn vị đến thu mua.
Anh Đặng Văn Giang, Giám đốc HTX Nông nghiệp tổng hợp Trường Giang (thôn Trại Dinh, xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà) chia sẻ: Cuối tháng 11/2023, qua tìm hiểu và được sự hỗ trợ của huyện về nguồn kinh phí đào tạo tập huấn, cũng như hỗ trợ 70% kinh phí về giống, phân bón vật tư chính với tổng số tiền 323 triệu đồng cho mô hình, tôi đã chuyển từ trồng rau màu sang trồng chanh leo. Toàn bộ diện tích trên 3ha trồng chanh leo đều được thực hiện quy trình trồng cây hữu cơ, theo đúng quy trình xuất. Quá trình chọn giống, trồng, chăm sóc, cho đến thu hoạch, bảo quản chanh leo được cán bộ xã Đầm Hà phối hợp với Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện và đơn vị thu mua là Công ty CP Sài Gòn - Gia Lai hướng dẫn, tập huấn chi tiết. Hiện sản phẩm chanh leo được mang test đạt tiêu chuẩn không có 570 chất cấm nông nghiệp, bước đầu đảm bảo các điều kiện xuất khẩu.
Anh Trần Văn Đại, đại diện Công ty CP Sài Gòn - Gia Lai, cho biết: Công ty là đơn vị đã hỗ trợ kỹ thuật trồng chanh leo cho HTX và thực hiện thu mua sản phẩm để xuất khẩu. Công ty CP Sài Gòn - Gia Lai đánh giá cao việc trồng, chăm sóc và đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, hiệu quả quá trình thu hoạch chanh leo tại huyện Đầm Hà. Chanh leo là loại quả dễ trồng, cho quả nhanh và có tiềm năng mang lại nguồn thu nhập khá. Hiện nay, nhu cầu thị trường và giá trị xuất khẩu đối với loại quả này tương đối cao, ổn định. Hiện tại, Công ty đang thực hiện xuất khẩu các sản phẩm nông sản đến thị trường các nước Pháp, Thụy Sỹ và cũng kỳ vọng mô hình này sẽ được các cấp chính quyền, người dân quan tâm, phát triển rộng hơn, sớm hoàn thiện các điều kiện đáp ứng nhu cầu xuất khẩu châu Âu để có nguồn cung giúp Công ty xuất khẩu sang một số thị trường khác như Nga, Dubai, Hà Lan…
Hiện nay, để phát triển cây chanh leo, huyện Đầm Hà đang tích cực đào tạo, hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây chanh leo. Trong đó, ưu tiên vào các hộ có diện tích vườn cây ăn quả rộng, có khả năng tiếp thu, đầu tư ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào việc trồng, chăm sóc cây ăn quả cho năng suất cao, có khả năng truyền đạt kinh nghiệm sản xuất cho các hộ nông dân khác trong vùng; đẩy mạnh tập huấn kỹ thuật chuyên sâu về trồng, chăm sóc, thu hoạch cho các hộ trồng và thâm canh cây ăn quả tập trung; khuyến khích các nông hộ, các HTX và doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, giống mới vào sản xuất, nhất là đối với chanh leo và các cây ăn quả chủ lực, áp dụng quy trình canh tác tiên tiến, đưa ra thị trường những sản phẩm nông sản sạch…
Huyện Đầm Hà đặt mục tiêu đến năm 2025 diện tích trồng chanh leo đạt 148ha, sản lượng 4.400 tấn; đến năm 2030, tổng diện tích trồng chanh leo đạt 500ha, sản lượng thu hoạch đạt 10.000 tấn, tập trung tại các xã: Tân Bình, Dực Yên, Đầm Hà, Tân Lập, Quảng Tân, Đại Bình.
Ông Trần Văn Huấn, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đầm Hà, cho biết: Cùng với các loại cây chủ lực khác như na, mít, bưởi, năm 2023, huyện triển khai trồng cây chanh leo. Cuối năm 2024, huyện dự kiến sẽ mở rộng diện tích trồng cây chanh leo lên hơn 10ha, dần dần nhân rộng mô hình theo đúng đề án phát triển sản xuất cây ăn quả tập trung của huyện. Để phát triển cây chanh leo nói riêng và các loại cây ăn quả chủ lực khác nói chung, thời gian tới, đơn vị tiếp tục tham mưu huyện tập trung chỉ đạo, đánh giá mô hình, thu hút nhà đầu tư, tạo thành các chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, rà soát, phân bổ lại nguồn quỹ đất để chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, hiệu quả, đáp ứng được sản xuất, giải quyết nhu cầu lao động và tăng hiệu quả, năng suất cho nông sản địa phương.
Mô hình trồng chanh leo của huyện Đầm Hà đang cho thấy những triển vọng tích cực, góp phần quan trọng vào việc phát triển sản xuất cây ăn quả tập trung trên địa bàn huyện và hướng đến mục tiêu thúc đẩy ngành Nông nghiệp địa phương phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao, đảm bảo sức cạnh tranh, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu và phát triển bền vững.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()