Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 12:00 (GMT +7)
Triều Tiên phóng thành công vệ tinh do thám, Mỹ-Nhật Bản lập tức lên tiếng, Hàn Quốc nối lại hoạt động ở khu phi quân sự
Thứ 4, 22/11/2023 | 09:11:22 [GMT +7] A A
Ngay sau khi Triều Tiên tuyên bố phóng thành công vệ tinh do thám, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã có những phản ứng đầu tiên.
Ngày 22/11, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin Cơ quan Công nghệ Hàng không Vũ trụ Quốc gia Triều Tiên (NATA) đã phóng thành công loại tên lửa đẩy mới có tên là “Chollima-1” mang theo vệ tinh do thám “Malligyong-1” từ Bãi phóng vệ tinh Sohae ở quận Cholsan, tỉnh Bắc Phyongan, lúc 22h42 ngày 21/11 (20h42 cùng ngày theo giờ Hà Nội).
Theo KCNA, tên lửa đẩy Chollima-1 đã di chuyển một cách bình thường dọc theo đường bay định sẵn và đưa vệ tinh trinh sát Malligyong-1 chính xác vào quỹ đạo lúc 22h54, 705 giây sau khi phóng.
Hãng tin khẳng định, vụ phóng vệ tinh là “quyền hợp pháp” của Bình Nhưỡng “nhằm tăng cường năng lực tự vệ” và sự thành công nêu trên sẽ “góp phần đáng kể vào quá trình nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu” của quân đội Triều Tiên “phù hợp với môi trường an ninh được tạo ra ở bên trong và xung quanh đất nước”.
Cũng theo KCNA, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã giám sát vụ phóng tại hiện trường và chúc mừng toàn thể đội ngũ cán bộ, nhà khoa học, kỹ thuật viên của NATA cùng các cơ quan hữu quan.
Tại Hội nghị toàn thể lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên khóa VIII, NATA sẽ trình bày kế hoạch tiếp tục đảm bảo khả năng do thám khu vực phía Nam bán đảo Triều Tiên và khu vực có lợi ích tác chiến của quân đội Triều Tiên thông qua chương trình “phóng thêm một số vệ tinh do thám trong một khoảng thời gian ngắn”.
Phản ứng về vụ phóng vệ tinh do thám của Triều Tiên, Nhà Trắng ngày 21/11 tuyên bố lên án, gọi đây là hành động vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc và có nguy cơ gây bất ổn khu vực.
Cùng ngày, Hàn Quốc thông báo sẽ nối lại các hoạt động do thám và giám sát xung quanh biên giới liên Triều, khi Seoul đình chỉ một số điều khoản trong “Thỏa thuận quân sự toàn diện” (CMA) để đáp trả vụ phóng vệ tinh do thám mới nhất của Bình Nhưỡng.
Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) thuộc Phủ Tổng thống Hàn Quốc ra tuyên bố nêu rõ: “Chính phủ sẽ triển khai các biện pháp đình chỉ hiệu lực của Khoản 1, Điều 3 trong ‘Thỏa thuận Quân sự 19/9’, đồng thời nối lại các hoạt động do thám và giám sát đối với Triều Tiên ở khu vực xung quanh Giới tuyến quân sự (MDL), vốn đã được thực hiện trong quá khứ”, ám chỉ Khu phi quân sự (DMZ) chia tách 2 miền Triều Tiên.
NSC lập luận, cơ quan này đang thực hiện bước đi chính đáng để bảo vệ an ninh của Hàn Quốc trong bối cảnh Triều Tiên liên tiếp vi phạm CMA ký ngày 19/9/2018, đặt ra các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa, cùng với nhiều hành động khiêu khích khác nhau.
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ngày 21/11 lên án vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng.
Phát biểu với báo giới tại văn phòng làm việc, ông Kishida nêu rõ: “Chúng tôi đã nêu ra quan điểm phản đối Triều Tiên và chúng tôi đã lên án hành động đó”.
Theo Baoquocte.vn
Liên kết website
Ý kiến ()