Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 04:08 (GMT +7)
Trở lại Pò Hèn
Chủ nhật, 27/11/2022 | 08:24:41 [GMT +7] A A
Vừa qua, các thế hệ cựu binh Biên phòng Quảng Ninh đã cùng nhau tề tựu trở về thăm di tích lịch sử Pò Hèn, dâng nén tâm nhang tưởng nhớ đồng đội Đồn 209 Pò Hèn, Công an nhân dân vũ trang Quảng Ninh cùng các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh ngày 17/2/1979.
Vào ngày đầu tháng 11, Ban liên lạc Công an nhân dân vũ trang Đồn 209 Pò Hèn tổ chức gặp mặt lần thứ 24 tại Pò Hèn. Các thế hệ cựu binh Đồn Pò Hèn rất đỗi tự hào đơn vị hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang vào năm 1979 và năm 2000. Đi dọc biên giới từ cửa khẩu Bắc Phong Sinh vào Pò Hèn, một cựu binh tự hào cất cao khúc ca: Hành quân đi ven rừng xưa còn in bóng cờ/ Vó ngựa ngàn năm những anh hùng đi giữ nước…
Khu di tích lịch sử Pò Hèn là nơi tôn vinh, tưởng nhớ và tri ân cán bộ, chiến sĩ Đồn 209 Pò Hèn Công an nhân dân vũ trang Quảng Ninh (nay là Đồn Biên phòng Pò Hèn); nhân viên thương nghiệp Pò Hèn; cán bộ, chiến sĩ tự vệ Lâm trường Hải Sơn đã hy sinh anh dũng trong trận chiến đấu chống quân xâm lược ngày 17/2/1979 để bảo vệ biên giới Đông Bắc Tổ quốc và những chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn hy sinh trong khi làm nhiệm vụ từ năm 1980 đến năm 1991. Pò Hèn - địa danh đã đi vào lịch sử dân tộc với biết bao niềm tự hào, trong một canh giờ, một ngày của mùa xuân đất trời, các chiến sĩ biên phòng mãi mãi nằm lại nơi đây. Họ đã trở thành bất tử, biểu tượng ngời sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Khu di tích gồm 4 điểm: Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn, Chốt đồi Quế, Chốt trạm kiểm soát cửa khẩu Pò Hèn và Đài quan sát đồi Tây. Đài tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn xây dựng trên nền Đồn 209 Pò Hèn do Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ninh làm chủ đầu tư, bằng nhiều nguồn vốn, trong đó có vốn xã hội hóa. Công trình khởi công ngày 19/5/2010, khánh thành ngày 10/1/2011. Trong khuôn viên rộng 86.304m2, công trình đài tưởng niệm cao 16m, có hình tượng ba bàn tay chụm vào nhau vừa là tượng trưng cho ba dân tộc Kinh, Dao, Sán Chỉ ở Pò Hèn, vừa là biểu tượng cho vòng tay ôm của đất mẹ và đồng đội. Ngôi sao vàng năm cánh ở chính giữa những bàn tay tượng trưng cho ý chí, khí phách kiên trung của mảnh đất và con người nơi biên cương của Tổ quốc. Hai bên là hai nhà bia, tấm bia thứ nhất ghi tên 45 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh tại đồn sáng 17/2/1979. Tấm bia thứ hai ghi tên 13 chiến sĩ của đồn hy sinh từ năm 1979-1991 cùng nữ nhân viên thương nghiệp Hoàng Thị Hồng Chiêm và 27 liệt sĩ tự vệ Lâm trường Hải Sơn cùng hy sinh sáng 17/2/1979 tại Pò Hèn.
Sân khu tưởng niệm rộng hơn 1.000m2. Hai bên lối vào trồng cây cảnh, tạo vẻ đẹp và sự tôn nghiêm cho khu di tích. Đã có nhiều cây mai vàng Yên Tử, loài hoa có truyền thuyết gắn với Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông được đưa về trồng. Gia đình Anh hùng, liệt sĩ Đỗ Sĩ Họa cũng đã mang cây nhãn lồng từ quê hương Hưng Yên ra trồng, đến nay đã tỏa bóng xum xuê. Ước nguyện của cán bộ, chiến sĩ và các cựu binh biên phòng muốn tri ân đồng đội đã hy sinh, muốn trồng thêm cây, thêm hoa, che bớt sương muối, gió thổi ở biên thùy, để anh linh các anh hùng liệt sĩ luôn được ngụ trong bóng mát, trong sự tưởng nhớ và niềm tin của các thế hệ trẻ.
Trở lại vùng đất biên cương, nơi linh thiêng này, cựu binh Đồn 209 Pò Hèn, ông Đào Ngọc Sơn ở phường Mạo Khê (TX Đông Triều) tâm sự, ông đọc những câu đối, ông cảm thấy như tiếng lòng của mình và của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân vũ trang xưa và bộ đội biên phòng ngày nay đã được nói hộ, được gửi gắm vào từng câu chữ. Ông tin tưởng rằng, thế hệ trẻ hôm nay sẽ tiếp tục giữ gìn, phát huy tinh thần cao đẹp của những anh hùng liệt sĩ đã anh dũng, kiên cường nổ súng đánh đuổi quân xâm lược, bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng và làm nên nhiều kỳ tích trong cuộc chiến đấu bảo vệ non sông, góp phần to lớn trong sự nghiệp bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Bài, ảnh: Nguyễn Xuân (CTV)
Liên kết website
Ý kiến ()