Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 18:37 (GMT +7)
Trợ lực để doanh nghiệp vượt khó sau bão
Thứ 3, 24/09/2024 | 05:28:00 [GMT +7] A A
Cơn bão YAGI đi qua đã để lại thiệt hại vô cùng lớn cho tỉnh Quảng Ninh. Ước thiệt hại là trên 24.200 tỷ đồng. Sau bão, người dân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đang tích cực khắc phục hậu quả của bão, ổn định đời sống, sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh. Và điều mà người dân, doanh nghiệp chịu thiệt hại do bão cần lúc này là nguồn lực tài chính để phục hồi sản xuất.
Nắm bắt được những thiệt hại, khó khăn của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sau bão, tại Hội nghị triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị các ngân hàng sớm triển khai các gói hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại sau bão.
Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có trên 21.000 khách hàng vay vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề do hậu quả cơn bão số 3, dư nợ bị thiệt hại trên 10.000 tỷ đồng. Ngay sau bão, Quảng Ninh đã khẩn trương, bắt tay ngay vào khắc phục, hỗ trợ nhân dân, doanh nghiệp tái khởi động sản xuất, kiến thiết kinh tế. Tỉnh đã ngay lập tức cấp bổ sung cho các địa phương kinh phí hỗ trợ (đợt 1) số tiền là 180 tỷ đồng; thực hiện cơ cấu lại nguồn chi 2024, tiết kiệm chi, để dành 1.000 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh để hỗ trợ nhân dân, doanh nghiệp. Quảng Ninh cũng đã gửi văn bản cho các ngân hàng, đề nghị tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi bão số 3. Tuy nhiên, thiệt hại của người dân, doanh nghiệp là vô cùng nặng nề rất cần sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cùng sự vào cuộc của các hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị các ngân hàng, tổ chức tín dụng sớm triển khai các gói hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại sau bão. Trong đó, tập trung vào việc miễn giảm lãi, khoanh, giãn, hoãn nợ cho các khách hàng đang vay; mở rộng đối tượng được hưởng thụ; hướng dẫn, đơn giản hóa các thủ tục; triển khai các chính sách cho vay mới với các hộ dân đang không có tài sản thế chấp, cho vay theo hình thức tín chấp.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Văn bản của tỉnh Quảng Ninh đề nghị tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng đang vay vốn chịu ảnh hưởng do cơn bão số 3, đã có một số ngân hàng gồm: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank); Ngoại thương Việt Nam (VCB); Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Công Thương Việt Nam (Vietinbank); Bản Việt (BVBank); Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Ninh, triển khai các chính sách hỗ trợ như: Điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,5-2%/năm; miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả; giảm lãi suất cho vay và hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng vay mới, đặc biệt là khoản vay ngắn hạn, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh phát sinh từ ngày 6/9. Chương trình hỗ trợ được áp dụng chung đối với các tỉnh, thành phố bị thiệt hại sau bão số 3.
Trong đó, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ban hành gói tín dụng 200.000 tỷ đồng hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay vốn để phục hồi hoạt động sau ảnh hưởng của bão kể cả cho vay ngắn, trung, dài hạn với mức lãi suất ưu đãi hơn mức cho vay thông thường.
Với Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Ninh, hiện toàn tỉnh có trên 12.700 hộ dân đang vay vốn tín dụng chính sách xã hội với tổng dư nợ 741 tỷ đồng bị thiệt hại bởi cơn bão số 3. Đối với các hộ này, Ngân hàng sẽ tạm dừng thu lãi đến hết ngày 31/12/2024. Cùng với đó, bằng nguồn vốn Trung ương và địa phương, tính từ ngày 9/9 (sau cơn bão số 3) đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân cho 1.620 hộ vay vốn với số tiền là 108,7 tỷ đồng, trong đó có nhiều hộ dân bị thiệt hại bởi cơn bão số 3 được vay vốn để khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế. Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục tập trung nguồn vốn để ưu tiên giải ngân cho vay; gia hạn nợ và điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho các khoản vay đến hạn từ tháng 9/2024 đối với các hộ dân, khu vực, địa phương bị ảnh hưởng của bão. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng, sớm hoàn thiện tờ trình dự thảo nghị quyết về hỗ trợ lãi suất cho vay và chính sách cho vay bổ sung.
Với việc các ngân hàng, tổ chức tín dụng triển khai các gói khoanh nợ, cho vay giảm lãi suất, cho vay không có tài sản bảo đảm đối với khách hàng bị thiệt hại do bão sẽ góp phần sớm ổn định đời sống nhân dân và thúc đẩy khôi phục sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp sau bão.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()