Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 07:36 (GMT +7)
Trở về nơi con sông ngừng chảy
Thứ 4, 05/07/2023 | 12:42:05 [GMT +7] A A
Có những con sông còn mãi với thời gian. Có những con sông tự dưng biến mất sau khi địa tầng biến cải vũng nên đồi. Có những con sông khi trước sâu và rộng và từng là huyết mạch giao thông, trải thời gian biển tiến, biển lùi, đất bồi lấp khiến lòng sông thu hẹp; có sông bị người đời đắp chặn phục vụ cho lợi ích của mình. Ba con sông: Bí, Hang Ma, Hang Son ở hai phường Phương Đông, Phương Nam (Uông Bí) quê tôi cũng nằm trong số đó. Nhiều cô cậu thời nay nghe đến tên sông như bắt gặp những cái tên xa lạ. Sông vẫn chảy hoài trong ký ức của tôi.
Sông Bí tích nước từ các suối khe thượng nguồn vùng rừng núi phía Bắc thành phố Uông Bí, trong đó có khe Lê nối dòng suối Tắm - một địa danh nổi tiếng gắn với truyền thuyết hơn bảy trăm năm trước, đức Thượng hoàng Trần Nhân Tông xuống tắm ở suối này, gột sạch bụi trần trước khi lên núi Yên Tử tu hành. Xuôi một đoạn, sông chia thành hai nhánh ôm trọn khu bãi bồi Vành Kiệu vào lòng như đôi cánh tay mẹ hiền ôm ấp con yêu. Ở thượng nguồn và tả ngạn sông này, người xưa đã đặt tên cho các làng mạc dân cư là Bí Thượng, Bí Trung, Bí Hạ và Bí Chợ. Cách đó không xa, ở về phía Đông Nam Uông Bí có dòng sông Uông. Làng cổ bên sông đã được người xưa đặt tên Uông Thượng và Uông Hạ. Bao lần tôi tự hỏi: Chẳng hiểu tên sông có trước hay tên làng có trước? Người xưa đã dùng tên sông để đặt tên cho các làng bên sông ấy hay lấy tên làng để đặt tên sông? Phải chăng, hơn sáu mươi năm trước, địa danh Uông Bí đã được hình thành từ việc ghép tên hai con sông: Uông, Bí? Nếu “Uông” chữ Hán có nghĩa “sâu và rộng”, “giàn giụa”, “quanh co” thì “Bí” có nghĩa là “huyền bí”, “thần bí” và “bí ẩn”... Những tính từ này dùng để chỉ con sông có lẽ hợp hơn. Ngày nay, hạ lưu sông Uông vẫn sâu và rộng, ăm ắp nước dẫn từ nguồn ra biển, nước biển tràn về mỗi lúc triều lên; sông Bí lại trở nên “bí ẩn”, nhiều đoạn “ẩn” không còn là sông nữa mà chỉ còn là con lạch nhỏ, đúng như tên các cụ đã đặt cho.
Từ ngã tư Phương Đông, tôi rẽ vào Vành Kiệu, nơi ba mươi năm trước, tôi đã cùng anh em công nhân thủy lợi đang thi công đê đập thì phát hiện ra một số mộ thuyền nằm rải rác trên đồng. Đó là những chiếc quan tài được làm bằng hai nửa thân cây gỗ lớn khoét rỗng úp chập lại với nhau. Bên ngoài thân cây được đẽo gọt gia công hoặc là vẫn để nguyên cả vỏ. Hai đầu tấm địa có tay khiêng. Bốn góc quan tài có lỗ chốt, có bốn cọc đóng để cố định quan tài dưới lớp bùn sâu chừng ba mét. Người dân quê tôi vô cùng tự hào vì tại nơi đang sống, các di chỉ mộ thuyền đã minh chứng cho vùng đất này là một trong những cái nôi của người Việt cổ sống cách nay đã mấy ngàn năm. Các hang động thuộc quần thể núi đá vôi Ngai Kiệu, Hang Hổ, Hang Son... quê tôi hẳn là nơi cư ngụ bao đời của tổ tiên ta với tập quán săn bắn, hái lượm thời đồ đá, đồ đồng thuộc nền văn minh Đông Sơn triều đại các Vua Hùng thuở bình minh lịch sử.
Rời sông Bí, tôi về với những dòng sông trên vùng đất Phương Nam.
Sáu mươi năm trước, cả một vùng rộng lớn phía Nam Uông Bí còn là đất hoang, đống cao, đầm trũng chưa có cư dân. Bên những dòng sông hoặc giữa vùng sình lầy ngập mặn, Đất Mẹ trồi lên những ngọn núi đá vôi phần nhiều còn chưa được đặt tên, mà nếu có tên, cũng được gọi tên theo dáng núi hoặc tên hang động trong núi đó, như hòn Ngai Kiệu, Xiên Tai, Bọ Hung, Sẹo Trâu, Núi Dài, Hang Son, Hang Hổ… Những loài cây hoang ngự được ở đất này toàn là sú, vẹt, mắm, đâng, cỏ lác, cỏ năn... Tôm, cá, cáy, cua nhiều vô kể. Chim chóc kéo về làm tổ trên cành sú, cành lậu.
Đất lành chim đậu. Được tỉnh Quảng Ninh cho di dân đi mở đất khai hoang xây dựng những vùng kinh tế mới, hàng trăm hộ gia đình từ các vùng đất cổ Hà Nam, Hà Bắc ở Quảng Yên và từ Móng Cái, Hưng Nhân (Thái Bình) đã về đây lập nghiệp. Họ đặt tên thôn làng nơi ở mới của mình bằng những cái tên có gốc từ quê cũ như: Hồng Hải, Bạch Đằng, Phong Thái, Hiệp An... và đặt tên cho xã là Phương Nam. Họ sát cánh cùng nhau đạp bằng mọi khó khăn ở thuở mới khai cơ lập nghiệp mà việc đầu tiên là cùng với các lực lượng dân công của huyện và tỉnh bạn đào đắp hàng triệu mét khối đất để tạo nên con đập, con đê chặn cửa sông Hang Son, Hang Ma, không cho nước biển mặn tràn vào, bắt những con sông này ngừng chảy, trở thành nơi trữ nước ngọt phục vụ việc cấy trồng; khoanh vùng kẻ thửa, thau chua rửa mặn, tạo nên những cánh đồng trồng lúa, trồng màu, những đầm nước nuôi cá tôm thủy sản.
Trở lại Phương Nam sau bao năm xa cách, những gì tôi được gặp ở đây đã khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng. Xã Phương Nam xưa giờ đã thành phường. Thôn xóm đói nghèo xưa nay thay da đổi thịt, trở thành những khu dân cư trù mật. Đường ngang lối dọc từ trung tâm phường đến các khu dân cư đều đã được mở rộng và nắn thẳng, trải thảm bê tông, thảm nhựa, không còn là những đường đất nhỏ hẹp, hai xe công nông ngược chiều khó tránh nhau, đường vẹo cong queo, mặt đường lổn nhổn đá chồi lên, ổ gà ổ voi, bụi mù như khi trước. Trụ sở phường, các trường học khang trang. Điện đến các thôn cùng ngõ hẻm. Các cháu học sinh vận đồng phục vừa tan học túa ra cổng trường như những mầm non căng tràn nhựa sống. Nhiều cháu đi bằng xe đạp điện. Nhà nhà xây to và hiện đại, trang bị những tiện nghi sinh hoạt đắt tiền. Nhiều căn hộ cao tầng đang xây dựng. Cây cối trong vườn như cũng nhiều hơn, cao to hơn và xanh hơn khi trước. Hai bên những trục đường dẫn vào các khu dân cư, hàng hóa đủ loại được bày bán trong các nhà hàng, cửa hiệu, có cả dịch vụ văn nghệ và làm đẹp, không khác nơi đô thị là bao. Những gương mặt rạng ngời, những giọng nói tiếng cười rổn rảng của người dân không giấu nổi sự đủ đầy viên mãn. Hạnh phúc là đây, còn tìm ở đâu xa! Tôi ngạc nhiên khi bắt gặp hàng chục chiếc ô tô vận tải đóng kín thùng lăn bánh trên các trục đường từ phường ra quốc lộ 10. Thì ra đang mùa thu hoạch vải.
Sau khi bắt những con sông ngừng chảy và thuần hóa những đồng chua nước mặn, trong những năm đầu, người dân Phương Nam trồng lúa, trồng màu theo truyền thống thuần nông từ ngàn xưa để lại, năng suất không cao, thu nhập chẳng được bao. Đời sống gặp khó khăn, thiếu thốn. Hơn chục năm sau, theo định hướng của ngành Thương nghiệp tỉnh, họ chuyển sang trồng cói, trồng đay, làm quại xe đay, chế biến sợi cói khô, dệt chiếu cói xuất khẩu sang thị trường Liên Xô và một số nước Đông Âu. Cho đến khi Liên Xô sụp đổ, việc xuất khẩu chiếu cói gặp rất nhiều khó khăn, họ lại loay hoay chuyển về nghề trồng lúa. Nhiều hộ dân trở lại tái nghèo.
Cái khó ló cái khôn. Không chịu đi theo lối mòn cũ kỹ, người dân Phương Nam cố tìm hướng mới để thoát nghèo. Qua nhiều lần thử nghiệm ươm trồng nhiều loại cây kinh tế khác nhau, cuối cùng, loài cây cứu tinh cho vùng đất Phương Nam lại chính là cây vải. Thoạt đầu, mấy hộ dân ở làng Phong Thái về tận Thanh Hà (Hải Dương) chiết cành mua giống vải về trồng. Nào ngờ cây vải hợp với thủy thổ ở đây, sinh trưởng nhanh, cho quả nhiều, to đều và mọng, lại chín sớm hơn so với vải ở nơi khác và chính nơi mà nó xuất thân. Quả vải Phương Nam được dân nơi đây đặt tên là “u trứng” bởi nó to tròn như trứng vậy. Hơn hai mươi năm qua, từ làng Phong Thái, cây vải “u trứng” tràn về làng Hiệp Thanh và các thôn khu ở Phương Nam. Lòng sông Hang Son, Hang Ma xưa khá rộng, thế mà nay nhiều chỗ hai bên bờ sông đã được người dân vật đất lên cơi nới làm vườn vải. Từ trên trốc núi đá cao nhìn xuống chỉ thấy bạt ngàn những màu xanh của lá xen lẫn màu đỏ sậm pha sắc tía của những chùm quả vải đang chín rộ. Mùa thu hoạch vải ở Phương Nam không khác gì ngày hội. Đoàn người hái vải áo quần màu sậm, phụ nữ mũ khăn trùm kín chỉ chừa hai con mắt, mồ hôi ướt sũng. Đó đây trong vườn vải vang tiếng nhạc sập sình. Một chủ vườn cho tôi biết hiện nay hơn hai phần ba diện tích đất canh tác ở phường Phương Nam đã chuyển sang trồng vải và số hộ dân chuyên trồng thứ cây này của phường có tỷ lệ tương đương. Tôi lại càng ngạc nhiên khi được biết rằng “vải chín sớm Phương Nam chủ yếu được xuất sang thị trường Trung Quốc”. Mùa thu hoạch vải, thương lái cho xe tải đến tận vườn thu mua, chủ vườn không phải vất vả đi bán dạo hoặc phải tự tìm nơi tiêu thụ. Có trường hợp thương lái đến “xí phần”, đặt mua trọn cả vườn khi vải mới ra hoa đơm quả. Quả vải "u trứng" vào kỳ chín rộ vỏ mỏng, cùi dày nước mọng hương vị ngọt đằm thơm như tình người Phương Nam ngọt ngào, đằm thắm khiến lòng ta vương vấn khó quên!
Đặt tay lên lan can cầu Thanh, tôi say sưa ngắm dòng sông Hang Ma nước xanh ngăn ngắt. Gió nồm nam làm lao xao sóng nước, hất tung mớ tóc đã ngả sang màu bạc của tôi. Nghe nói xưa đây là chốn sình lầy, đường bộ chưa hình thành, giao thông đi lại rất khó khăn, sông là tuyến đường thủy huyết mạch nối miền duyên hải với những miền quê ở thượng nguồn. Giặc Pháp thường đưa tàu vận tải lương thực và vũ khí từ Thủy Nguyên Hải Phòng ngược dòng Hang Ma về các đồn bốt án ngữ đường 18. Nhiều lần qua đây, bọn giặc hao hụt quân số một cách đầy bí ẩn. Chúng thám thính dò la, được biết nơi đây có một đàn hổ dữ chuyên rình rập trên sông, nhảy cả lên tàu thuyền vồ thủy thủ ăn thịt, có cả hồn ma dữ bắt người. Tôi thật bất ngờ và lý thú khi được người dân ở đây giải thích rằng: “Thực ra chẳng có hổ với ma nào hết! Đó chỉ là lực lượng Việt Minh nằm vùng bí mật thủ tiêu giặc Pháp khi chúng đi qua đây rồi phao tin đồn có hổ, có ma bắt người để chúng không xua quân đi càn quét truy tìm, nhờ thế mà bảo toàn lực lượng”. Cha ông mình thật thông minh, mưu lược!
Ở đây, mỗi con sông, ngọn núi và hang động đều gắn với những kỳ tích, chiến công của cha anh lớp trước. Có hang núi được đặt tên là “Hang ông Xà” ghi dấu chiến tích của ông Xà, người du kích dũng cảm bị giặc Pháp tấn công đã rút vào cố thủ trong hang trên lưng núi, từ đó bắn ra làm giặc không dám tiến lại gần. Có hang núi được mang tên “Hải quân” vì hang sử dụng cho mục đích quốc phòng. Hồi Mỹ đưa máy bay ra đánh phá miền Bắc, các nhà máy, trường học, bệnh viện, cầu đường... đều trở thành mục tiêu ném bom của máy bay Mỹ. Trong những năm 1966-1973, Bệnh viện Uông Bí sơ tán về hang Hổ. Lòng hang rộng, được chia thành nhiều khoang, làm phòng mổ, phòng sản, phòng khám bệnh, phòng trực cấp cứu... Vào mùa hè, trời nóng như đổ lửa nhưng trong hang mát rượi. Nhiều người được điều trị bệnh ở đây. Nhiều trẻ em đã được sinh ra tại hang này giờ đã thành bà, thành ông cả. Cách đó không xa là hang Học. Khi xưa hang chưa được đặt tên. Nhờ các lớp học sinh sơ tán về đây học, hang được mang tên là hang Học. Máy bay Mỹ trút bom nổ trên trốc núi, cô trò trong hang vẫn bình an... Mỗi lần về đây, đến với những núi, hang, tôi lại được tắm mình trong ánh hào quang của truyền thống cách mạng.
Tôi ngồi thuyền du ngoạn trên dòng sông Hang Ma, say ngắm cảnh đôi bờ thực - mộng. Trên mặt sông, bóng núi đổ dài. Mấp mé bên sông những hàng dừa, xoài, vải..., cành lá xum xuê, la đà mặt nước. Thấy thuyền lại gần, đàn vịt ngưng chúi đầu tìm cua ốc, bất chợt thi nhau kêu quàng quạc. Chiếc vó bè gần đó vừa cất lên, tiếng gọng tre cọ vào nhau ken két đưa tôi về với cảnh quê xưa. Bà cụ đang ngồi giặt trên bờ, tôi chưa kịp chào, cụ đã cất lời chào thăm hỏi trước. Cô bé ngồi bên nghiêng nón mủm mỉm cười. Người Phương Nam vốn thật thà, hiếu khách. Nước sông xanh biếc và trong vắt. Gặp chỗ nước nông, tôi thấy cả vạt rong le dưới đáy. Khung cảnh quanh tôi thật thanh bình. Rời phố phường chật hẹp, ồn ã người và xe qua lại, ngày hè nóng nực, không khí cô đặc và ô nhiễm, tôi trở về hòa mình với sông quê thanh tịnh, tha hồ hít thở bầu không khí trong lành, tận hưởng gió nồm nam mát rượi. Tuổi thơ trong tôi được dịp ùa về. Nhiều hôm rủ bạn ra bơi lặn vẫy vùng thỏa thích dưới sông này, chị tôi cầm roi ra hét khản cả giọng, tôi mới chịu lên bờ. Xưa chưa bị chặn, dòng Hang Ma thông ra sông Đá Bạc. Tôi hình dung đây là nơi thủy quân nhà Trần bí mật ém binh, dùng những chiếc thuyền thoi đặc biệt tên là “thuyền mẹ con”, đầu thuyền mẹ đóng đinh sắt nhọn và có ngạnh, lòng thuyền chất đầy củi, cỏ khô, thuốc cháy; thuyền con đặt trong lòng thuyền mẹ, chở các thủy binh cảm tử bất ngờ từ các cửa sông Hang Son, Hang Ma và sông Bí lao ra. Thuyền mẹ găm áp chặt vào mạn, đốt cháy chiến thuyền giặc trên sông Đá Bạc ngay gần đó. Thuyền con lập tức rời thuyền mẹ, đưa các chiến binh trở về sau các đợt tấn công tiêu hao sinh lực địch trước khi toàn bộ chúng bị ta tiêu diệt và bắt sống trên sông Bạch Đằng cuối xuân Mậu Tý (1288). Cùng với hang động có nhiều nhũ đá đẹp ở núi Ngai Kiệu, sinh thái, cảnh quan, truyền thống lịch sử nơi này phải chăng đều là những nguồn tài nguyên vô cùng quý báu cho du lịch?
Tôi xuôi thuyền về núi Hang Son (tên cổ là núi Bão Phúc Nham). Sách nhà Tống (960-1279) ở Trung Hoa liệt kê danh sách 72 “phúc địa” (đất phúc), trong đó Yên Tử là “phúc địa thứ tư” và Bão Phúc Nham là “phúc địa thứ bốn lăm”. Xưa chưa bị chặn, dòng Hang Son thông ra sông Đá Bạc. Hang Son ở đầu núi Bão Phúc. Ngay trước cửa hang có bến thuyền. Không có đường bộ sang, du khách về đây phải đi bằng đường thủy. Sáu mươi năm qua, sau vài lần san lấp, bến thuyền xưa giờ thành mặt sân, vườn. Cảnh vật đổi thay nhưng vẫn còn đây huyền thoại về một chàng trai khôi ngô tuấn tú có tên Phạm Chấu quên mình cứu dân thoát khỏi nạn hạn hán thiên tai, hiện thân là Bát Hải Đại Vương thờ ở hang này. Vẫn còn đây tương truyền vào mùa xuân Mậu Tý (1288), trước khi mở chiến dịch Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo đã bí mật xuôi thuyền về thắp hương khấn thần linh ngự núi này mong được các chư thần phù trợ. Khi hắt bát rượu vừa cúng xong lên vách đá trong hang, vết rượu ngả thành màu đỏ như son nên hang được gọi là Hang Son từ đó. Vẫn còn đây ba chữ “Bão Phúc Nham” (hang núi cao đầy phúc) do vua Trần Hiến Tông ngự soạn, khắc vào vách đá phía trên cửa vòm hang vào năm 1329. Và vẫn còn đây hai ngách hang bí ẩn ở “hậu cung” Hang Son: Ngách đi xuống dẫn vào “địa ngục”; ngách đi lên đưa tới “thiên đường”.
Tôi say ngắm dòng sông đã đưa tôi trở lại thiên đường - một thiên đường có thực chốn trần gian ở chính nơi có những con sông ngừng chảy, một thiên đường mà mấy mươi năm trước đã có bao người dân mơ ước - mơ về một vùng quê thanh tịnh, đẹp giàu.
Sáu mươi năm qua, chính bàn tay khối óc con người nơi đây đã trực tiếp tạo nên thiên đường ấy. Cho dù cuộc sống hiện thời có thể vẫn còn chưa như ý, song tương lai không xa, cùng với các đô thị, vùng quê, bản làng khác trong tỉnh, nơi có những con sông ngừng chảy chắc sẽ vươn tới những tầm cao mới với bao khát vọng xây dựng tỉnh Quảng Ninh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh và hiện đại.
Ký của Trần Trương
Liên kết website
Ý kiến ()