Tất cả chuyên mục

Sau hơn 2 năm chuyển đổi từ mô hình trồng keo sang trồng thâm canh bạch đàn cao sản công nghệ mô (gọi tắt là bạch đàn U7), đến nay giống bạch đàn U7 đang thích nghi nhanh, phát triển tốt và hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
![]() |
Mô hình trồng rừng thâm canh giống bạch đàn U7 tại tiểu khu 308, xã Quảng Thành (huyện Hải Hà) hiện sinh trưởng và phát triển tốt. |
Dự án trồng rừng thâm canh giống bạch đàn cao sản công nghệ mô U7 nằm trong vùng quy hoạch Dự án đầu tư trồng rừng nguyên liệu và phát triển kinh tế lâm nông nghiệp bền vững tại xã Quảng Thành (huyện Hải Hà) được UBND tỉnh phê duyệt tháng 3-2006 với diện tích 474,74ha. Thực hiện dự án, giai đoạn đầu, Ðoàn khảo sát thiết kế lâm nghiệp tỉnh chủ yếu tập trung trồng, khai thác cây keo, tuy nhiên, hiệu quả kinh tế không cao. Nguyên nhân do khu vực sản xuất xấu, cây keo sinh trưởng và phát triển chậm. Mặt khác, với đặc tính thân xốp, mềm, tán lá rộng, nên cây keo rất dễ đổ, gẫy mỗi khi có gió, bão ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Nhằm khắc phục hạn chế này, từ đầu năm 2015, đơn vị bắt đầu chuyển đổi từ trồng keo sang trồng thâm canh bạch đàn U7. Ðến nay, đơn vị đã chuyển đổi trồng mới được hơn 220ha. Dự kiến từ nay đến năm 2022, sẽ trồng mới 376,25ha (tính cả diện tích thu hoạch trồng gối vụ) rừng bạch đàn U7 thay thế cho cây keo. Tổng vốn đầu tư thực hiện Dự án trồng rừng thâm canh giống bạch đàn cao sản công nghệ mô U7 hơn 29 tỷ đồng.
Dẫn chúng tôi thăm đồi bạch đàn xanh tốt gần 2 năm tuổi, ông Lê Văn Trăng, Trưởng Ðoàn khảo sát thiết kế lâm nghiệp tỉnh, cho biết: Giống bạch đàn U7 được nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô. Ðây là giống mới, có ưu thế trội và ưu thế lai rõ rệt. Tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ thành rừng, hiệu suất bột giấy, độ bền cơ học và độ trắng của giấy sản xuất từ gỗ bạch đàn cao sản vượt trội hơn những cây trong quần thể chọn lọc và cây bố mẹ lai. Ưu đặc điểm bạch đàn U7 có khả năng chịu hạn, nhu cầu về chất dinh dưỡng khoáng không cao, có thể trồng trên các lập địa xấu, vùng đất đồi núi trọc. Sinh trưởng tốt trên đất sâu ẩm, tầng đất dày như các loại bãi bồi, đất dốc tụ chân đồi... Ðến nay, mô hình cho kết quả khả quan, cây bạch đàn hiện đang sinh trưởng, phát triển tốt.
Tiến hành chăm sóc sau khi trồng được 3 tháng, phát chăm sóc 1 lần mọi dây leo cây bụi xâm lấn, dãy cỏ xới đất vun vào gốc đường kính từ 80-100cm và tiến hành trồng dặm những cây bị chết. Những năm tiếp theo tiếp tục chăm sóc và phát cỏ cho cây phát triển.
Giống cây bạch đàn U7 cho thu hoạch trong thời gian 5-6 năm. Sản lượng gỗ dự kiến khi khai thác là 150m3/ha, giá bán bình quân 1 triệu đồng/m3 gỗ cây đứng. Trừ chi phí sản xuất, lợi nhuận đạt 70-80 triệu đồng/ha (cao gấp 5-7 lần so với trồng cây keo). Những kết quả bước đầu từ mô hình trồng rừng thâm canh giống bạch đàn U7 tại xã Quảng Thành là cơ sở để nhân rộng trên quy mô lớn, phát triển dự án những năm tiếp theo; đồng thời giải quyết việc làm thường xuyên cho 15-20 lao động địa phương với mức thu nhập khoảng 40 triệu đồng/người/năm.
PHƯƠNG PHÁP TRỒNG BẠCH ĐÀN U7 - Trước khi trồng, phần đất được cày xới tơi xốp bằng máy xúc nhằm phá vỡ kết cấu đất, thúc đẩy quá trình hình thành đất (khoáng và các chất vi lượng) nhanh và tốt hơn; giúp rễ bạch đàn ăn sâu vào đất, hạn chế cỏ thực bìa chen lấn. - Hố trồng được đào sâu từ 70-90cm. - Thời vụ trồng từ tháng 3-6. - Phương pháp trồng bằng cây con có bầu, tuổi cây trên 3 tháng. Cây giống đảm bảo sinh trưởng tốt, thân thẳng, cân đối, không sâu bệnh. - Cự ly trồng hàng cách hàng 2,5m, cự ly cây cách cây 2m, bón lót bằng phân NPK rắc trộn đều xuống 1/3 đáy hố với khối lượng 200g rồi lấp đất tiếp, lấp hố bằng đất mặt và đất màu lấp trước khi trồng 15 - 20 ngày, chọn ngày râm mát để trồng. - Mật độ trồng từ 1.800- 2.200 cây/ha |
Phạm Tăng
Ý kiến ()