Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:18 (GMT +7)
“Trồng cây gỗ lớn góp phần ổn định sinh kế bền vững cho người dân”
Thứ 2, 14/02/2022 | 11:01:12 [GMT +7] A A
Quảng Ninh là địa phương có diện tích rừng đứng thứ 18/63 tỉnh, thành trong nước. Để đưa ngành lâm nghiệp phát triển bền vững, năm 2022 Quảng Ninh tiếp tục tập trung đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn với các loài cây bản địa có giá trị kinh tế cao. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT, về nội dung này.
- Năm 2022, Quảng Ninh đặt mục tiêu trồng mới ít nhất 2.000ha lim, dổi, lát ở những địa bàn có điều kiện và nâng lên 5.000ha vào năm 2025. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Quảng Ninh đã triển khai như thế nào, thưa ông?
+ Năm 2022, Quảng Ninh tiếp tục phấn đấu giữ vững tỷ lệ che phủ rừng và nâng cao chất lượng rừng, đồng thời đẩy mạnh trồng cây hoàn nguyên, “xanh hóa” các bãi thải mỏ theo đúng chủ trương, định hướng, mục tiêu về quy hoạch, phát triển, trồng rừng cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh.
Từ đầu năm 2022, hưởng ứng Đề án trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm (2021-2025) của Chính phủ, tỉnh đã khuyến khích các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức Tết trồng cây với chỉ tiêu cao hơn 2 lần so với năm 2020. Dịp đầu xuân, toàn tỉnh phấn đấu trồng trên 650.000 cây các loại. Bên cạnh trồng cây tạo cảnh quan tại các đô thị, các địa phương, đơn vị lồng ghép tổ chức kế hoạch trồng cây gỗ lớn, cây bản địa, đảm bảo trong quý I/2022 trồng 1.500ha cây các loại.
Để hoàn thành mục tiêu trồng rừng theo chỉ tiêu kế hoạch đặt ra, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tích cực phối hợp với các địa phương, đơn vị quán triệt, phổ biến sâu rộng Nghị quyết số 19-NQ/TU của BTV Tỉnh ủy "Về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến 2025, tầm nhìn đến 2030", để người dân không còn e ngại trước việc chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn. Từ đó, tạo thành phong trào thi đua trồng cây, gây rừng của mọi cấp, mọi ngành, trong từng khu dân cư với sự tham gia của mọi người dân; tập trung ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu dân cư tập trung, khu văn hóa - lịch sử, kết hợp rừng phòng hộ trong khu canh tác nông nghiệp.... Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất HĐND tỉnh bổ sung, mở rộng phạm vi, đối tượng tham gia vào Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh "V/v quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh" cho phù hợp với thực tiễn để khuyến khích trồng rừng cây bản địa, gỗ lớn và thí điểm mở rộng đối tượng chủ rừng là tổ chức, doanh nghiệp được hỗ trợ cây giống trồng rừng với các loài lim xanh, dổi, lát hoa, thông…
Tỉnh đã có cơ chế, chính sách khuyến khích người dân không trồng cây keo chuyển sang trồng các cây lim, lát, dổi và dưới tán rừng trồng cây dược liệu quý. Từ đây, góp phần giúp người dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu, đảm bảo thu nhập ổn định từ rừng, ổn định sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập, chất lượng mọi mặt cuộc sống, từng bước làm giàu từ rừng, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách chênh lệch vùng miền.
- Từ định hướng trên, Tết trồng cây Xuân Nhâm Dần 2022, Quảng Ninh đã đạt được những kết quả nổi bật gì, thưa ông?
+ Thực hiện chủ trương của tỉnh về Tết trồng cây gắn với trồng rừng gỗ lớn, các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã sôi nổi triển khai kế hoạch trồng cây đầu xuân, đảm bảo mục tiêu đề ra. Bám sát chỉ đạo của tỉnh, 13/13 địa phương và các sở, ban, ngành, đơn vị trong tỉnh đã đăng ký có địa chỉ đến tận lô khoảnh, có danh sách kèm theo, tổng số 828.601 cây với các chủng loại đa dạng và hữu ích cho địa phương; trong đó có 2.700 cây lim, 13.370 cây dổi, 6.650 cây lát. Các đơn vị ngành Than, Tổng Công ty Đông Bắc đang triển khai trồng các cây lim, dổi, lát trên bãi thải mỏ ổn định…
Sở NN&PTNT đã phối hợp với UBND các địa phương Hạ Long, Ba Chẽ, Tiên Yên, Móng Cái trong tổ chức lễ phát động Tết trồng cây cấp tỉnh, đảm bảo tiết kiệm, thiết thực, có hiệu quả, tạo hiệu ứng lan tỏa đến toàn dân về chương trình trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ và trồng 5.000ha cây lim, dổi, lát trên địa bàn tỉnh. Đến ngày 9/2, trong lễ phát động Tết trồng cây, toàn tỉnh trồng được hơn 41ha rừng trồng tập trung và trồng phân tán hơn 10.350 các cây lim, dổi, lát, góp phần hoàn thành thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra theo Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 25/11/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh "Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022".
Tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, đất đai, kế hoạch, chương trình trồng rừng, phát triển rừng, phát triển kinh tế rừng bền vững, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu trồng rừng gỗ lớn theo chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao. Trong đó, công tác trồng rừng đảm bảo tuân thủ quy hoạch định hướng, đúng thời vụ, biện pháp lâm sinh, chất lượng cây giống, phù hợp thổ nhưỡng và quy định về đầu tư trồng rừng, trồng rừng, chăm sóc, quản lý rừng thường xuyên, liên tục đảm bảo thành rừng; tăng cường năng lực, công nghệ sản xuất giống cây lâm nghiệp để tự chủ nguồn giống, cung cấp nguồn giống; coi trọng ứng dụng khoa học công nghệ, tạo đột phá nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường của từng loại rừng, tăng giá trị rừng sản xuất trên đơn vị diện tích; giảm thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; phát triển bền vững du lịch sinh thái, trải nghiệm.
- Xin cảm ơn ông!
Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()