Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 09:19 (GMT +7)
Trọng tài V-League và sức ép khủng khiếp giữa ranh giới 'đúng, sai'
Thứ 7, 06/08/2022 | 15:11:19 [GMT +7] A A
Không phải trường hợp tranh cãi nào về tình huống xử phạt ở V-League cũng đều có lỗi sai của trọng tài, song “các ông vua áo đen” luôn phải hứng chịu nhiều chỉ trích từ dư luận và không được bảo vệ.
V-League 2022 đã trải qua 10 vòng đấu và vẫn liên tục chứng kiến hàng loạt vấn đề liên quan đến công tác trọng tài. Gần nhất, ba trọng tài đạt đẳng cấp FIFA hàng đầu Việt Nam gồm Ngô Duy Lân, Hoàng Ngọc Hà và Nguyễn Mạnh Hải đều gặp phải những rắc rối khác nhau ở giải đấu chuyên nghiệp nhất cả nước.
Trước đó, ngay từ những vòng đầu tiên của V-League 2022, những sai sót của “vua áo đen” đã xuất hiện và gây sự chú ý lớn. Một số trường hợp có thể kể tới như trọng tài bỏ qua lỗi nghiêm trọng, thổi phạt penalty không đúng hay xác định sai tình huống va chạm… Khi đó, chính Trưởng ban trọng tài của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), ông Dương Văn Hiền cũng phải lên tiếng nhận lỗi và mạnh tay điều chỉnh.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào xảy ra tranh cãi trên sân cũng có lỗi thuộc về trọng tài. Ngay cả khi những người “cầm cân, nảy mực” xử lý đúng người, đúng luật thì vẫn phải nhận những chỉ trích từ dư luận, thậm chí cả những hành động phi thể thao.
Cứ sai là do... trọng tài
Ở vòng 10 V-League gần nhất, trọng tài Nguyễn Mạnh Hải đưa ra hai quyết định quan trọng khiến trận cầu tâm điểm Hà Nội FC-Sông Lam Nghệ An thay đổi cục diện và kết quả. Đó là việc trọng tài chính rút thẻ đỏ với tình huống dùng củi trỏ tranh chấp bóng của ngoại binh Olaha, sau đó thổi phạt đền trong pha bóng chạm tay hậu vệ thuộc vòng cấm bên phía đội bóng xứ Nghệ.
Quyết định mạnh tay của trọng tài FIFA Nguyễn Mạnh Hải gặp phải phản ứng quyết liệt từ ban huấn luyện Sông Lam Nghệ An. Sau trận đấu, huấn luyện viên Nguyễn Huy Hoàng khẳng định đội bóng chủ sân Vinh sẽ làm đơn khiếu nại, yêu cầu Ban trọng tài VFF xem xét các tình huống. Trên mạng xã hội, trọng tài Nguyễn Mạnh Hải còn bị “tấn công” bởi rất đông người hâm mộ bóng đá, gồm cả cổ động viên trung lập lẫn Sông Lam Nghệ An.
Điều đáng nói là trọng tài đạt chuẩn FIFA Nguyễn Mạnh Hải không hề mắc lỗi sai và hoàn toàn xử lý đúng mức, có cơ sở trong cả hai tình huống. Điều này được xác nhận bởi Ban trọng tài VFF cũng như những chuyên gia lâu năm.
Trước đó ít lâu, trọng tài FIFA Hoàng Ngọc Hà thậm chí còn gặp cú sốc lớn hơn trên sân Lạch Tray sau khi điều hành trận đấu Hải Phòng tiếp đón Bình Định. Ông Hà bị túm cổ, nhổ nước bọt bởi cổ động viên lạ mặt của đội bóng đất cảng. Dù Hải Phòng thắng trận và giành 3 điểm, song vị trọng tài chính vẫn bị phản ứng, bị tấn công vì những quyết định được cho là mang tới bất lợi cho đội nhà. Trong khi đó, ông Ngô Duy Lân - người mang bằng cấp cao nhất trong giới trọng tài Việt Nam cũng chịu phản ứng, bị toàn bộ cầu thủ Nam Định vây kín và phản ứng ngay trên sân sau một tình huống đưa ra quyết định.
Một lần nữa, cả hai trọng tài FIFA đều xử lý đúng mực và không hề mắc lỗi nghiêm trọng. Thế nhưng, dường như văn hóa phản ứng và xem trọng tài như mọi nguyên nhân của vấn đề đang ăn sâu vào các cầu thủ, ban huấn luyện và câu lạc bộ. Chẳng ít lần, V-League 2022 chứng kiến trường hợp tổ trọng tài cần được đi riêng dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt của cảnh sát sau một trận đấu căng thẳng, thậm chí phải di chuyển ngay trong đêm, rời khỏi địa phương diễn ra trận đấu nhằm tránh xảy ra điều đáng tiếc.
Trưởng Ban trọng tài VFF, ông Dương Văn Hiền cho biết áp lực đè nặng lên các trọng tài điều hành V-League, Hạng Nhất Quốc gia luôn rất lớn. Mỗi vòng đấu, việc phân công trọng tài bắt chính ở từng trận đấu cũng là việc làm đòi hỏi sự tính toán kỹ lưỡng và không được phép chủ quan. Tại V-League 2022, các trận đấu tâm điểm của mỗi vòng đấu được điều hành bởi những trọng tài có đẳng cấp và kinh nghiệm vững vàng nhất.
Năm 2022, bóng đá Việt Nam còn chứng kiến tình huống cầu thủ đấm trọng tài ở trận đấu quan trọng thuộc giải Hạng Nhì Quốc gia, quyết định tấm vé thăng hạng giữa Bình Thuận và Vĩnh Phúc.
“Nói đi cũng phải nói lại, có nhiều trường hợp trọng tài xử lý sai, gây hậu quả. Trong nhiều trường hợp tranh cãi, đa số trọng tài có sai hoặc xử lý chưa đúng. Nhưng cũng có nhiều tình huống trọng tài quyết định đúng đắn. Không phải lúc nào cầu thủ, ban huấn luyện cũng có thể tùy ý phản ứng với trọng tài. Chúng tôi cần được bảo vệ và tôn trọng đúng mực,” một trọng tài giấu tên chia sẻ với phóng viên Báo điện tử VietnamPlus.
Trọng tài cần được bảo vệ và hỗ trợ hơn nữa
Trên thế giới, các trường hợp trọng tài thiếu sót, mắc lỗi không hiếm. Nhưng ở những giải đấu chuyên nghiệp nhất, “ông vua áo đen” luôn được tôn trọng và thậm chí có cái uy nhất định của người “cầm chịch” cuộc đấu. Và đó cũng chính là một trong những điều còn thiếu của giải đấu hàng đầu Việt Nam.
“Để khắc phục những vấn đề còn tồn tại và gây dựng lại hình ảnh của trọng tài V-League cần nhiều thời gian. Song, có những điều cần sớm được thực hiện để cải thiện từ chuyên môn cho tới việc trọng tài được bảo vệ trước các sức ép,” một chuyên gia bóng đá đưa ra quan điểm.
Và một trong những giải pháp được tính toán đầu tiên ở thời điểm hiện tại đó chính là sự xuất hiện của công nghệ VAR trong việc điều hành trận đấu. Có sự hỗ trợ từ công nghệ hiện đại, các trọng tài có thể xử lý chính xác hơn và có bằng chứng cho quyết định của bản thân, qua đó giúp trận đấu diễn ra suôn sẻ.
Chuyên gia trọng tài lâu năm Đoàn Phú Tấn chia sẻ: “Nếu có sự xuất hiện của VAR, một trọng tài với trình độ và tâm lý ở mức trung bình cũng có thể điều khiển trận đấu có mức khó, bởi được hỗ trợ bởi công nghệ. Nếu có đưa ra quyết định sai, họ có thể xem lại hình ảnh, xác định chính xác và sửa lỗi.”
Đồng tình với quan điểm trên, Trưởng Ban trọng tài VFF, ông Dương Văn Hiền cho hay: “Ở giải đấu đỉnh cao như Vòng loại thứ ba World Cup 2022, trọng tài đạt trình độ cao của thế giới cũng nhận định sai và phải nhờ VAR vào cuộc. Để hạn chế sai sót và thêm công bằng cho cả trọng tài và trận đấu, chúng ta cần có phương thức chứng minh kết quả. Và công nghệ VAR là một trong số đó.”
Ở V-League, công nghệ VAR nhiều lần được Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) tính đến nhưng rồi đều không thể triển khai bởi gặp phải rào cản về vấn đề kinh phí. Chính vì thế, họp tổng kết rút kinh nghiệm sau mỗi vòng đấu, xem lại băng hình pha bóng để trau dồi chuyên môn vẫn là cách truyền thống được Ban trọng tài VFF áp dụng.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng các trọng tài cần nhận được sự bảo vệ hơn nữa trên sân cỏ, tránh những sự cố bị đe dọa cả về tinh thần và tính mạng của những cổ động viên hay cầu thủ quá khích...
Rõ ràng, trọng tài V-League bấy lâu nay vẫn luôn ở giữa ranh giới của đúng và sai. Các trường hợp xử lý đúng không nhận được sự ủng hộ và đồng ý tuyệt đối từ các đội bóng, trong khi những pha mắc lỗi trở thành “con sâu làm rầu nồi canh” khiến hình ảnh “vua áo đen” một ngày đi xuống.
V-League 2022 còn tới 15 vòng đấu và không ai dám đảm bảo rằng những trường hợp tranh cãi về trọng tài sẽ không còn xảy ra trên sân cỏ cả nước./.
Theo Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()