Trung tâm dữ liệu của Viettel tại Hoà Lạc, Thạch Thất nằm trong khu đất 9,1 ha, tổng diện tích sàn 21 nghìn mét vuông với tám tầng, được khai trương sáng 10/4.
Với 30 MW, đây là trung tâm dữ liệu có công suất điện lớn nhất hiện nay tại Việt Nam, cao hơn trung tâm của một số đơn vị khác, vốn có công suất 6-12 MW. Theo đại diện Viettel IDC, trong bối cảnh ứng dụng AI phát triển và có mức tiêu thụ năng lượng vượt trội ứng dụng truyền thống, công suất điện và khả năng làm mát là chỉ số mà các trung tâm dữ liệu hướng tới, thay vì số lượng tủ rack.
Để vào trung tâm dữ liệu cần trải qua năm lớp bảo vệ vật lý, gồm hàng rào bao quanh bên ngoài, cửa tòa nhà được cảnh vệ gác 24/7, hệ thống kiểm soát người ra vào, hệ thống cửa từng phòng máy. Khu thuê riêng cũng có hệ thống kiểm soát theo tiêu chuẩn. Trước mỗi khu vực đều có camera giám sát với dữ liệu lưu 90 ngày.
Một góc trong phòng hạ thế tại trung tâm dữ liệu. Để đáp ứng tiêu chuẩn TIA 942-B Rated 3 trong cả thiết kế và xây dựng, cùng độ sẵn sàng về điện 99,99%, trung tâm dữ liệu này sử dụng hai nguồn điện, trạm biến áp, hệ thống dây dẫn, tủ điện phân phối độc lập. Ngoài ra, hệ thống dự phòng bằng ắc-quy và UPS có khả năng duy trì hoạt động hơn 10 phút ngay cả khi không có nguồn điện lưới.
Từ tầng 3 đến tầng 7 là nơi đặt phòng máy, quy mô đạt khoảng 500 rack mỗi tầng. Các rack có thể được cung cấp với mức công suất khác nhau, từ 3 đến 50 kW tùy thuộc nhu cầu của đối tác sử dụng.
Một trong số các máy phát điện dự phòng, đặt bên trong tầng 1 tòa nhà, với khả năng cung cấp điện cho cả trung tâm trong trường hợp các nguồn điện còn lại gặp sự cố.
Viettel cho biết họ có 14 trung tâm dữ liệu tại ba miền, với tổng diện tích sàn trên 81.000 m2, công suất điện hơn 86 MW. Tuy nhiên, đây vẫn là mức nhỏ so với trung tâm dữ liệu lớn trên thế giới, vốn ở mức 100-200 MW.
Ngoài nguồn điện, hệ thống làm mát cũng yêu cầu khả năng sẵn sàng 99,99%, theo Viettel. DC mới sử dụng dàn lạnh, kết hợp các chiller ly tâm đệm từ được đặt ở tầng trên cùng.
Giải pháp giải nhiệt này được đánh giá mang lại hiệu suất cao hơn giải nhiệt gió truyền thống, đồng thời tiết kiệm năng lượng. Công ty cho biết chỉ số hiệu quả sử dụng năng lượng PUE của trung tâm dưới 1,5, đủ điều kiện nhận tín dụng xanh của HSBC.
Hệ thống dẫn nhiệt và tháp làm mát đặt trên sân thượng của tòa nhà.
Toàn bộ vận hành của trung tâm dữ liệu được đặt trong điều hành NOC, hoạt động 24/7. Để đạt chuẩn trung tâm dữ liệu xanh, đại diện DC cho biết phải tối ưu hóa đến từng người vận hành, nhằm giảm nhu cầu sử dụng nước hoặc khả năng tạo ra khí thải. Việc này yêu cầu kỹ sư vận hành cần có trình độ để có thể xử lý nhiều việc một cách chuyên sâu.
Việt Nam hiện có 28 trung tâm dữ liệu với bảy nhà cung cấp chính. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, tốc độ tăng trưởng hàng năm về thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam trên 15%, là một trong 10 thị trường DC mới nổi trên thế giới. Tuy nhiên, quy mô hiện tại vẫn nhỏ hơn các nước lân cận như Singapore, Indonesia, Thái Lan.
Mô phỏng thành phần chính của trung tâm dữ liệu Viettel Hoà Lạc, với các khu vực như nguồn cấp điện, hệ thống làm mát, tủ rack với giải pháp làm mát bên trong.
Các đường màu xanh đỏ tại một số tủ rack thể hiện đường dẫn nhiệt đặc biệt dành riêng cho rack mật độ cao với khả năng làm mát 20-40 kW mỗi rack. Đây cũng là một trong số ít data center (DC) tại Việt Nam hỗ trợ rack mật độ cao, đáp ứng nhu cầu cho ứng dụng AI.
Ý kiến ()