Tất cả chuyên mục

Chúng tôi đến Phân hiệu Hoành Bồ của Trường Cao đẳng nghề Mỏ Hồng Cẩm (CĐNMHC). Bạn đồng nghiệp đi cùng bảo: “Nếu không báo trước, tưởng mình đi nhầm”...
Tăng cường cơ sở vật chất
![]() |
Hướng dẫn học sinh vận hành máy khấu than Combai trong lò chợ cơ giới ở Phân hiệu Hoành Bồ. |
Thú vị nhất với chúng tôi là khu hầm lò cho HS các khoa khai thác hầm lò thực hành. Nhiều mỏ than, hằng năm còn cử công nhân của mình về đây để đào tạo, nâng cao tay nghề, hay chuẩn bị áp dụng công nghệ khai thác mới.Trong suốt những đường hầm đào sâu vào núi, nhà trường bố trí khung cảnh, độ dốc, ánh sáng, máy móc, thiết bị chẳng khác nào hệ thống lò chợ được cơ giới hoá. Có một lớp đang thực tập bài chống giữ giá thuỷ lực di động. Một lớp học về vận hành máy khấu combai. Thầy Nguyễn Hoài Bắc, Phó Khoa Hầm lò cho biết, nơi đây đủ chỗ cho 500 HS thực hành một lúc. Thầy Bắc vốn là sinh viên Trường Đại học Mỏ Địa chất, đã từng chui lò ở Công ty Than Hạ Long 5 năm, là một trong 6 giáo viên của Phân hiệu vừa đi tu nghiệp ở Nhật Bản về. Sau khi đi Nhật Bản về, cũng giống như nhiều đồng nghiệp của Trường, thứ thầy mang về nước nhiều nhất là tài liệu về các chương trình khai thác than do Nhật Bản cung cấp. Những tài liệu này được Phân hiệu dùng máy chiếu để cho học sinh học tập. ở khu thực hành, ngoài sân tập cho học viên lái xe được đầu tư hơn 1 tỷ đồng, những xưởng thực hành của các khoa cơ điện, cơ khí cũng được trang bị nhiều máy móc thực tập hiện đại, theo hướng “đón đầu” công nghệ. Hiện Phân hiệu Hoành Bồ và Phân hiệu Cẩm Phả của Trường đều được trang bị hàng chục máy các loại như máy tiện CNC, rô bốt hàn, máy khấu combai, máy bào, máy xúc, máy gạt… Riêng ô tô để dạy học lái xe, Trường có hơn 100 đầu xe vừa mua mới. Mỗi năm, số tiền đầu tư mua trang thiết bị cho học sinh thực hành của Trường là hơn 30 tỷ đồng.
Chỉ tính 4 năm lại đây, Trường đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng cho các Phân hiệu Cẩm Phả và Hoành Bồ để xây dựng gần như mới giảng đường, ký túc xá, nhà ăn, nhà thể chất, đặc biệt chú trọng các xưởng thực hành,với hệ thống máy móc, thiết bị mới, hiện đại, phù hợp nhu cầu của xã hội và của ngành Than. Nhờ tăng doanh thu từ các hoạt động, tiết kiệm chi, nên hằng năm Trường dành ra được gần 30 tỷ đồng để đầu tư, không phụ thuộc ngân sách nhà nước. Nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh, bộ, ngành khi thăm cơ ngơi của Trường đều khẳng định, đây chính là mô hình hiện thực của việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm, xã hội hoá các hoạt động giáo dục.
Không ngừng đổi mới phương thức đào tạo
Từ năm 2004 đến nay, mỗi năm nhà trường tuyển sinh, đào tạo, bồi dưỡng hơn 1 vạn HS học nghề các hệ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Trường còn liên kết với hơn 20 học viện, trường đại học trong nước mở các lớp đại học, sau đại học cho 1 vạn cán bộ, công chức, nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đây là con số tuyển sinh thuộc diện đứng đầu trong các trường nghề trên toàn quốc. Đón trước nhu cầu về nguồn nhân lực, nhất là công nhân kỹ thuật cao, từ hai năm nay việc tuyển sinh các nhóm ngành nghề, với những tiêu chí cụ thể đã được hơn 30 khoa của Trường trực tiếp tới các xã của các tỉnh phía Bắc thông báo. Bởi vậy, bên cạnh có đủ số lượng cung cấp công nhân cho ngành Than theo hợp đồng đã ký, thì chất lượng học sinh đầu vào cũng được đảm bảo. Các đơn vị của Trường còn chủ động liên hệ với các đơn vị ngành Than, nhất là chú ý nắm bắt nhu cầu tuyển công nhân, thiết bị làm việc của các mỏ để có kế hoạch đào tạo phù hợp. Sau 4 năm thực hiện cơ chế quản lý mới, tuyển sinh, đào tạo theo nhu cầu xã hội, cơ ngơi của Trường không chỉ có 2 cơ sở đào tạo Hoành Bồ và Cẩm Phả là được xây dựng mới, mà còn thành lập thêm Phân hiệu đào tạo nghề rộng 5 ha ở Tiên Yên (dành riêng cho con em đồng bào dân tộc khu vực miền Đông của tỉnh). Hiện Trường đang xúc tiến xây dựng cơ sở đào tạo nghề ở Khu kinh tế Chu Lai (Đà Nẵng) và phân hiệu ở khu vực Tây Nguyên.
Trường còn thành lập Trung tâm Kiểm định chất lượng, để thẩm tra chất lượng đào tạo và theo dõi số học sinh ra trường, trong đó có bộ phận chuyên kiểm định chất lượng đào tạo và liên hệ xin việc làm cho học sinh học nghề. Bởi vậy, riêng với khối nghề, số xinđược việc làm hằng năm đạt trên 90%. Nắm bắt nhu cầu ngành nghề của tỉnh, bên cạnh đào tạo nghề cho ngành Than, mấy năm gần đây Trường đã kết hợp với Học viện Cảnh sát, Học viện Chính trị - hành chính quốc gia, các Trường ĐH Mỏ Địa chất, Kinh tế quốc dân, Bách khoa... mở nhiều ngành nghề, đào tạo bậc đại học, sau đại học, ngoại ngữ, nấu ăn, vệ sĩ, lái xe... Trường cũng kết hợp với tỉnh để mở những lớp bồi dưỡng kiến thức cho nông dân về cách trồng rừng, nuôi cá, tôm, trâu, bò... ở các huyện dân tộc, miền núi...
Dự án xây dựng Trường Đại học Hạ Long trên cơ sở nâng cấp Trường CĐNMHC Tại xã Đại Yên, TP Hạ Long, với 40 ha mặt bằng đang chuẩn bị đổ đất xây dựng. Phương án cổ phần hoá nhà trường đã được chuẩn bị, có thể xong các bước thẩm định trong tháng 10 này. Đây được xem là những bước tiến dài để đón đầu yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh khu vực duyên hải Bắc Bộ, Đông Bắc, Trung Bộ và Tây Nguyên. Đây cũng là mơ ước của nhiều lớp cán bộ, giáo viên nhà trường. Bác Đào Xuân Mộc, nguyên Hiệu trưởng của Trường đã về hưu tự hào: “Lớn mạnh cả về chất và lượng như thế này mới là phù hợp với xu thế, tình hình của đất nước, là biến mong muốn có tay nghề và công việc ổn định của hàng vạn gia đình có con em đang học tập ở đây thành hiện thực”. |
Ý kiến ()