Tại lễ công bố quyền tác giả "Phần mềm tự xác thực giấy tờ" tại Trường Cao đẳng Huế ngày 19/12, Hiệu trưởng Hoàng Bảo Hùng cho biết nhu cầu sử dụng phiên bản số của giấy tờ, như văn bằng là nhu cầu lớn khi sinh viên tốt nghiệp và đi làm. Tuy nhiên, trường từng gặp khó khăn khi chọn hướng triển khai. "Chúng tôi trăn trở làm văn bằng số bằng cách nào. Đó là file điện tử được ký số, hay một bản sao của giấy tờ được định danh số trên không gian mạng", ông Hùng nói.
Sau sự gợi mở từ chuyên gia cùng nhiều tháng phối hợp làm việc, trường chọn phương án hai. Các văn bằng được cấp sẽ đính kèm một chip NFC/RFID phục vụ xác thực.
Theo đó, khi dùng thiết bị có tính năng quét NFC như smartphone, một bản sao của giấy tờ sẽ được hiển thị trên điện thoại kèm chứng nhận từ đơn vị phát hành. Để xác minh tính thật giả, người sử dụng có thể dùng app chuyên dụng Nomion và ứng dụng sẽ hiển thị giấy tờ đó có phải "bản gốc đã được xác thực" hay chưa.
Theo ông Huy Nguyễn, nhà đồng sáng lập Phygital Labs, đơn vị chuyên thực hiện định danh số bằng chip NFC, giải pháp này giúp truy xuất thông tin giấy tờ và xác minh tính thật giả. Nhờ đó, cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, người lao động có thể tra cứu và xác thực văn bằng, chứng chỉ với điện thoại thông minh hay máy tính có kết nối Internet.
"Trước đây khi kiểm tra một văn bằng, có thể phải gửi về trường nhờ xác minh. Tuy nhiên, giải pháp mới cho phép thực hiện chỉ qua smartphone từ bất cứ đâu", ông Huy nói.
Dẫn thống kê ngành chống hàng giả toàn cầu với nhu cầu tem NFC/RFID tăng 25%, đại diện Phygital Labs cho biết đây cũng là xu hướng chung trên thế giới, được nhiều thương hiệu hàng xa xỉ sử dụng nhằm giúp người dùng tránh mua phải hàng giả.
Ngoài tính tiện lợi, ông Huy cho biết chip NFC là loại dán hoặc gắn bên trong phôi giấy tờ, được mã hóa, đồng thời có tính năng chống giả mạo. Khi bị tác động vật lý, như ai đó cố tình bóc ra, chip sẽ bị vô hiệu hóa. Thông tin cũng được đưa lên blockchain để đảm bảo minh bạch, truy xuất thông tin dễ dàng và an toàn.
Trước đó, đơn vị này cũng kết hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế ứng dụng giải pháp xác thực lên đồ lưu niệm. Từ đó, trung tâm có thể đưa vật phẩm lên môi trường số, đảm bảo bản quyền, đồng thời mở ra tiềm năng phát triển trên môi trường số mà không ảnh hưởng đến vật thể thực tế.
Ý kiến ()