Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 05:03 (GMT +7)
Tự điều trị viêm tai giữa, biến chứng khó lường
Thứ 3, 13/04/2021 | 08:03:01 [GMT +7] A A
Mặc dù đã có nhiều khuyến cáo về các cách điều trị viêm tai giữa, đặc biệt là ở trẻ em, nhưng nhiều người vẫn mách nhau cách điều trị phản khoa học. Hậu quả là bệnh nặng lên, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng...
Viêm tai giữa là bệnh phổ biến, đặc biệt ở trẻ em dưới 3 tuổi. |
Viêm tai giữa là bệnh phổ biến, đặc biệt là ở trẻ em dưới 3 tuổi, do cơ thể của trẻ có hệ miễn dịch còn chưa hoàn thiện, dễ bị các bệnh nhiễm trùng vùng mũi, họng kèm với cấu trúc của vòi nhĩ (là ống thông nối giữa tai giữa và vòm họng) còn nằm ngang, ngắn hơn so với trẻ lớn hơn và người lớn, do vậy vi trùng dễ xâm nhập ngược dòng mà gây viêm tai giữa.
Viêm tai giữa cấp ở trẻ nhỏ nếu không được điều trị kịp thời có thể gây thủng màng nhĩ, gián đoạn dẫn truyền âm thanh của chuỗi xương con... ảnh hưởng đến sức nghe của trẻ. Trẻ bị nghe kém, nhất là từ khi chưa biết nói, có thể dẫn đến rối loạn ngôn ngữ (chậm nói, nói ngọng, nói không rõ âm, từ...) làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng giao tiếp sau này của trẻ. Nặng hơn nữa là các biến chứng về nội sọ, thần kinh như viêm xương chũm, bệnh lý tiền đình (hoa mắt, chóng mặt, mất thăng bằng), tạo khối máu đông các xoang hang. Một số trẻ có thể bị liệt các dây thần kinh sọ mặt hoặc thậm chí nghiêm trọng đe dọa tính mạng như viêm não, màng não do nhiễm trùng.
Dùng thuốc như thế nào?
Viêm tai giữa làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ, khiến trẻ đau đớn, quấy khóc, khó ngủ hoặc ăn bú kém, rối loạn tiêu hóa... do đó cần điều trị đúng, dứt điểm tránh tái phát. Vệ sinh mũi họng sạch cho trẻ, kết hợp thuốc điều trị:
Thuốc giảm đau: Giúp cải thiện sự khó chịu và đau đớn của trẻ, thường dùng là paracetamol hoặc ibuprofen theo chỉ dẫn của bác sỹ. Lưu ý, tránh dùng aspirin cho trẻ vì sẽ làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Reye, một tình trạng hiếm gây tổn thương cấp tính gan và não có tỷ lệ tử vong cao.
Kháng sinh: Khoảng 2/3 trẻ nhẹ trên 2 tuổi có thể điều trị khỏi không cần kháng sinh mà chỉ cần điều trị giảm đau trong 72 giờ. Kháng sinh được chỉ định dùng khi trẻ nhỏ dưới 6 tháng, bệnh nặng hoặc đã chảy mủ.
Những sai lầm khi điều trị viêm tai giữa
Tâm lý chủ quan: Viêm tai giữa thường là biến chứng khi trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp trên, sau vài ngày mắc bệnh viêm mũi họng, trẻ đột nhiên lại bị sốt, “nặng tai”, quấy khóc hoặc ăn bú kém, một số có thể bị nôn và tiêu chảy... Nhưng nhiều bậc cha mẹ chủ quan không để ý, không đưa trẻ đi tái khám. Đến khi bệnh nặng, tai chảy mủ... mới vội vàng đưa trẻ đến bệnh viện. Nhiều trường hợp đã ở tình trạng nặng có biến chứng, điều trị khó khăn, có trẻ bị ảnh hưởng đến sức nghe sau này...
Tự ý dùng thuốc không đúng: Nhiều bậc cha mẹ ngại đưa con đi khám đã tự ý điều trị không đúng cho trẻ, hậu quả là bệnh càng nặng hơn. Tự dùng ôxy già sai cách nhỏ tai với mục đích rửa sạch mủ nhưng đây là một sai lầm nghiêm trọng. Việc tự vệ sinh bằng các dụng cụ không sạch, thô bạo gây tổn thương ống tai làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm nấm thêm. Nếu nước ôxy già không được làm sạch, đọng lại trong tai gây kích ứng, phù nề thành ống tai, hòm nhĩ (trong trường hợp thủng màng nhĩ) tăng nguy cơ chít hẹp ống tai.
Một số trẻ được cha mẹ tự ý mua kháng sinh uống không đúng lựa chọn ưu tiên hoặc uống với liều quá thấp không đạt hiệu quả điều trị, thay thuốc nhiều lần gây kháng thuốc khó khăn cho điều trị khi đến khám.
Tự ý ngừng thuốc: Với trẻ cần phải điều trị bằng kháng sinh, cần tuân thủ đúng số ngày và liều điều trị, tự ý giảm liều khi trẻ đỡ hơn làm giảm hiệu quả diệt khuẩn. Điều trị chưa đủ ngày, không tái khám, ngưng thuốc, bệnh tái phát sớm, tăng nguy cơ kháng thuốc dẫn đến khó trị.
Thổi thuốc, nhỏ thuốc vào tai: Mặc dù đã có nhiều cảnh báo về việc dùng thuốc tùy tiện, nhất là thổi thuốc vào tai. Nhưng thực tế vẫn còn nhiều bậc cha mẹ khi thấy tai trẻ chảy mủ, đã tự ý nghiền thuốc kháng sinh, đốt sáp ong hay phèn chua... để thổi vào trong tai gây nhiễm trùng ngược vào trong, bệnh nặng thêm. Nên nhớ, màng nhĩ như bức tường thành ngăn cách tai giữa và ống tai ngoài, nếu không thủng sẽ không cho bất kỳ thuốc gì xuyên qua, thổi vào cũng vô ích.
Ngoài ra, thổi vào tai bột không tan trong nước, không hấp thu gây vón cục vì thế sẽ gây bít tắc đường dẫn ra của dịch, khiến dịch đọng lại trong tai giữa hoặc hình thành nút kín ống tai giảm sức nghe của trẻ, ảnh hưởng đến khả năng học nói của trẻ.
Thêm một lưu ý, nếu màng nhĩ nguyên vẹn việc rửa tai bằng nước muối, cồn iod hay bôi thuốc... cũng sẽ không thể tiếp cận đến tai giữa, vừa không có lợi ích vừa tốn công chăm sóc mà dễ làm trẻ sợ hãi khi làm.
Lời khuyên của thầy thuốc
Viêm tai giữa cấp ở trẻ dễ tái lại nhưng cũng có thể phòng ngừa được. Để hạn chế bị bệnh, trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ đặc biệt là Hib và phế cầu, luôn giữ vệ sinh tay sạch cho trẻ, hướng dẫn trẻ không cho tay lên mắt - mũi - miệng, hạn chế tiếp xúc gần với người đang bị bệnh hô hấp... Luôn giữ vệ sinh môi trường của nhà ở, lớp học, tránh ẩm mốc, khói thuốc lá, rửa sạch bề mặt đồ chơi, dụng cụ mà trẻ hay chạm vào bằng xà phòng diệt khuẩn. Nâng cao thể trạng cho trẻ với chế độ ăn đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý. Bên cạnh đó, cần giữ ấm mũi họng cho trẻ trong thời tiết đổi mùa. Làm sạch đường hô hấp trên bằng cách nhỏ dung dịch muối biển hoặc nước muối sinh lý... Khi trẻ có dấu hiệu bệnh, cần khám bác sĩ chuyên khoa để phát hiện và điều trị kịp thời, tránh những tai biến không đáng có.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()