Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 03:55 (GMT +7)
Tự hào lính cứu hỏa
Thứ 2, 23/09/2024 | 12:45:53 [GMT +7] A A
Là lực lượng thường trực, nòng cốt trong công tác chữa cháy và tìm kiếm cứu nạn, trong cơn bão số 3 vừa qua, lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH đã luôn xông pha đến những nơi hiểm nguy nhất để cứu người mắc kẹt trong mọi địa hình. Thiếu tá Nguyễn Trọng Bình, Phó đội trưởng Đội chữa cháy và CNCH trung tâm, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh) là một trong những tấm gương như thế.
15h47’ ngày 9/9/2024, nhận được lệnh đi cứu hộ một vụ sạt lở đất làm sập một gian nhà cấp 4 trên địa bàn phường Hồng Hải (TP Hạ Long), chỉ sau 5 phút, Thiếu tá Nguyễn Trọng Bình và đồng đội đã có mặt tại hiện trường. "Lúc chúng tôi đến, người dân đã sử dụng máy dân dụng đục được 1 lỗ trên tường và nhìn thấy được từ ngực cháu bé trở lên, còn lại toàn thân đều vùi trong đất đá. Lúc này sức khỏe cháu bé đã yếu, mất cảm giác phần chân” - Thiếu tá Nguyễn Trọng Bình nhớ lại.
Không gian chật hẹp, một khối lượng cấu kiện lớn lại đang đè lên thân nạn nhân. Thời điểm ấy, chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến sạt lở liên tiếp, nguy cơ vùi lấp hoàn toàn nạn nhân. Bởi thế, công tác CNCH phải hết sức tỉ mỉ, không nóng vội, không dùng lực quá lớn. Sau cuộc hội ý nhanh của lãnh đạo và chỉ huy cứu hộ, các CBCS đã dùng thiết bị chuyên dụng để kê kích, chèn và bóc dỡ từng lớp cấu kiện, dỡ từng viên gạch một cách nhẹ nhàng.
Trong những khoảnh khắc căng thẳng và đầy thách thức ấy, từng giây trôi qua những người tham gia CNCH không chỉ đối mặt với đất đá vùi lấp, mà còn là áp lực của thời gian và nguy cơ cháu bé có thể không còn cơ hội sống sót. "Trực tiếp cùng đồng đội tổ chức cứu hộ mới có thể cảm nhận rõ những gì đang diễn ra trước mắt. Cuộc hội thoại giữa 2 cha con diễn ra trong hoàn cảnh người cha đang dùng bàn tay trần để cào miết xuống đất, dùng kéo để cắt các mảnh kim loại đang chạm vào con gái mình. Cô bé dũng cảm không khóc mà chỉ thều thào “Bố ơi bố kéo con ra đi”. Người cha mắt đỏ cay nói “Con ơi, bố sẽ cứu con!”. Chứng kiến cảnh tượng ấy, người có tinh thần sắt đá đến mấy cũng chẳng thể cầm được nước mắt. Sau gần 3 tiếng đồng hồ, khi chúng tôi và các lực lượng khác, đặc biệt là các cán bộ thuộc Trung tâm Cấp cứu mỏ Vinacomin tìm thấy nạn nhân, đưa cháu ra khỏi lớp bùn đất, tất cả mọi người đều như vỡ òa trong hạnh phúc. Khi đó tôi nhận ra rằng, dù công việc của mình luôn đối mặt với hiểm nguy, nhưng việc cứu được một mạng người, nhất là một đứa trẻ, đã tiếp thêm động lực cho tôi tiếp tục theo đuổi và cống hiến hết mình với công việc" - Thiếu tá Bình bồi hồi nhớ lại.
Đó là một trong những việc vô cùng ý nghĩa mà Thiếu tá Nguyễn Trọng Bình cùng đồng đội đã làm được trong đợt bão số 3 vừa qua. Là chỉ huy ở một đội chiến đấu, trực tiếp tham gia và tổ chức chữa cháy, CNCH, Thiếu tá Bình đã luôn xác định được tính nguy hiểm, sức tàn phá của cơn bão số 3. Bởi thế, ngay từ trước khi bão đổ bộ, Thiếu tá Bình đã chủ động tham mưu cho các cấp lãnh đạo về công tác chuẩn bị, dự phòng phương án xử lý tình huống xấu có thể xảy ra. Đồng thời, trực tiếp tham gia các tổ công tác để ứng phó sự cố thiên tai, CNCH do đơn vị thành lập. Thiếu tá Bình đã thường xuyên tổ chức kiểm tra toàn bộ trang thiết bị, phân công nhiệm vụ đến từng CBCS để chủ động kịp thời ứng phó sự cố có thể xảy ra khi có lệnh điều động của các cấp; đồng thời, tham gia CNCH 7 sự cố tai nạn, cứu sống và hướng dẫn thoát nạn đến nơi an toàn được 9 người.
"Tôi nhớ lúc đó là 11h20 ngày 7/9, đúng thời điểm bão đổ bộ vào TP Hạ Long, gió giật mạnh, có 2 người dân đi xe máy trên đường Kênh Liêm (phường Cao Thắng) thì bị khung sắt biển quảng cáo rơi đè lên người và phương tiện. Ra ngoài đường lúc đó vô cùng nguy hiểm, bởi sức người đứng trụ không vững trước gió lớn, những mảnh mái tôn lớn liên tục bay từ mái nhà dân xuống đất. Thế nhưng chúng tôi không ai nề hà, mọi người đều sẵn sàng bước xuống khỏi xe chữa cháy. Chúng tôi đã sử dụng thiết bị y tế để sơ cứu ban đầu, sau đó đưa được nạn nhân lên xe cấp cứu, bảo quản phương tiện cho họ an toàn tại trụ sở đơn vị. Và khi nhận được thông tin sức khỏe của họ đã ổn định, đó là niềm an ủi, động viên rất lớn để chúng tôi tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình" - Thiếu tá Bình nói.
Không quản ngại hiểm nguy trong thực hiện nhiệm vụ, tuy nhiên vẫn có những tình huống mà chính những người lính khi tham gia CNCH cũng bất lực. "Đó là khi chúng tôi tìm kiếm thi thể Thiếu tá Trần Quốc Hoàng (cán bộ Trại giam Quảng Ninh, phân hiệu Đồng Vải) bị lũ cuốn trôi trong khi làm nhiệm vụ. Khu vực đó có địa hình phức tạp, nước lũ chảy xiết, không có sóng điện thoại để liên lạc, nhận được tin lúc 3h ngày 8/9, nhưng phải sau 7 giờ tìm kiếm trong phạm vi rất rộng, đến 10h15 chúng tôi mới tìm thấy thi thể đồng đội mình, đau xót vô cùng!".
Những câu chuyện kể trên có lẽ mãi chẳng thể quên được trong cuộc đời binh nghiệp của Thiếu tá Bình và đồng đội. 12 năm kể từ ngày tốt nghiệp Trường Đại học Cảnh sát PCCC, Thiếu tá Nguyễn Trọng Bình đã trải qua nhiều vị trí công tác, trong đó đặc biệt gắn bó với nhiệm vụ trực tiếp chữa cháy và chỉ huy chữa cháy, CNCH cả trên bờ và dưới biển. Biết bao người đã được cứu, biết bao vụ cháy đã dập tắt thành công, đối với Thiếu tá Bình và đồng đội, đó không chỉ là nhiệm vụ, còn là tình người, là lòng trắc ẩn. Mỗi lần xuất xe chữa cháy, CNCH là một câu chuyện, mỗi lần cứu người thành công là một lần tiếp thêm động lực để Thiếu tá Nguyễn Trọng Bình cũng như các CBCS lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tiếp tục vững tin và tiếp bước với nghề mình đã chọn.
Hằng Ngần
Liên kết website
Ý kiến ()