Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 27/12/2024 13:54 (GMT +7)
Nghề điều dưỡng
Thứ 2, 24/10/2022 | 10:27:37 [GMT +7] A A
Điều dưỡng viên không chỉ đắc lực hỗ trợ bác sĩ trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, mà còn là cầu nối giữa cơ sở khám chữa bệnh với bệnh nhân. Bên cạnh tình yêu nghề, lương tâm nghề nghiệp, họ còn phải biết nhẫn nại, lắng nghe và thấu hiểu bệnh nhân.
Những hy sinh thầm lặng
Điều dưỡng được ví như “làm dâu trăm họ”. Hằng ngày, hằng giờ họ tiếp xúc, thực hiện y lệnh điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân. 17 năm trong nghề, chị Đặng Thị Lan Anh, Điều dưỡng trưởng, Khoa Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) càng thấm thía tính đặc thù của nghề này. Chị luôn tâm niệm, làm nghề điều dưỡng, ngoài tình yêu nghề, lương tâm nghề nghiệp, còn phải biết nhẫn nại, lắng nghe và thấu hiểu bệnh nhân.
Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đầu năm 2022, chị Lan Anh nhiều tháng liền ở lại bệnh viện cả ngày và đêm. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân Covid-19 đều không có người nhà chăm sóc, nhân viên y tế vừa điều trị vừa chăm sóc ăn uống, vệ sinh cá nhân cho bệnh nhân. Các điều dưỡng viên còn dành thời gian trò chuyện với bệnh nhân nhiều hơn, để họ giảm áp lực về tinh thần và cố gắng phối hợp điều trị. “Chưa bao giờ sự sống và cái chết lại mong manh đến vậy. Chưa bao giờ chúng tôi chứng kiến nhiều bệnh nhân qua đời trong thời gian ngắn như vậy. Chúng tôi còn phải làm nhiệm vụ xử lý thi hài những bệnh nhân Covid-19 cao tuổi có nhiều bệnh lý nền. Đó là những áp lực vô hình đối với điều dưỡng chúng tôi” - Chị Lan Anh chia sẻ.
Khoa Hồi sức tích cực - Thận nhân tạo (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), nơi điều trị cho bệnh nhân nặng, nguy kịch nhất, công việc của các điều dưỡng viên càng thêm vất vả bội phần. Điều trị tại khoa đều là bệnh nhân nặng, như đa chấn thương, sốc đa chấn thương, nhồi máu cơ tim, suy thận giai đoạn cuối..., không có khả năng tự sinh hoạt. Vì vậy, điều dưỡng viên chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân từ điều trị thuốc đến ăn uống, vệ sinh cá nhân.
Điều dưỡng Vũ Văn Thắng, Khoa Hồi sức tích cực - Thận nhân tạo (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), cho hay: Chăm sóc, điều trị bệnh nhân nặng, đòi hỏi điều dưỡng viên phải có sức khỏe tốt mới có thể đảm đương được, bởi tính chất công việc thường xuyên thức khuya, dậy sớm, nặng nhọc. Mỗi ca trực đêm như một cuộc chạy đua với thời gian, bởi các bệnh nhân nặng có thể chuyển biến xấu rất nhanh, nên chỉ cần một chút lơ là, chủ quan sẽ không kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường báo cáo bác sĩ xử lý, ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Khâu chăm sóc bệnh nhân ăn uống, vệ sinh cũng tỉ mỉ, kỹ lưỡng hơn. Nhiều bệnh nhân 80-90kg, phải có 2-3 điều dưỡng viên hỗ trợ bệnh nhân vệ sinh cá nhân, vận động…
Anh Chu Huy Biên (Khoa Hồi sức tích cực) và vợ là chị Nguyễn Thị Quỳnh Mai (Khoa Sơ sinh) cùng là điều dưỡng tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, vì vậy họ luôn thấu hiểu, hỗ trợ nhau trong công việc. Trong suốt thời gian chống dịch Covid-19, anh Biên tích cực xung phong tham gia điều trị cách ly F0 tại khu cách ly tập trung của Bệnh viện, hỗ trợ các đơn vị y tế tại TX Quảng Yên, Bệnh viện số 2. Nhiều khi anh đi tăng cường dài ngày, chị Mai phải bố trí, sắp xếp chăm sóc 2 con, đưa đón con đi học rất vất vả.
Chị Mai tâm sự: “Có những lúc con ốm, không thể chăm, mà công việc thì không nghỉ được. May mắn luôn được gia đình ủng hộ và đồng nghiệp giúp đỡ, tiếp thêm động lực để chúng tôi có thể cố gắng mỗi ngày, để con tôi luôn tự hào có bố mẹ là điều dưỡng viên”.
Với mỗi điều dưỡng viên, niềm vui cũng như động lực lớn nhất trong nghề đó là nụ cười của mỗi người bệnh khi xuất viện. Thế nên bất cứ lúc nào, không kể ngày hay đêm, khi nhận được yêu cầu cấp cứu, điều trị người bệnh thì dù đang ở đâu, các điều dưỡng viên cũng nhanh chóng có mặt trong thời gian sớm nhất. Những bữa cơm dang dở, những giấc ngủ không trọn vẹn, những khoảng thời gian ngắn ngủi bên gia đình đều phải tạm gác lại, để ưu tiên công việc cứu người là trên hết.
Đào tạo điều dưỡng gắn với nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh
Nghị quyết số 20-NQ/TW (ngày 25/10/2017) Hội nghị Trung ương 6 khóa XII "Về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới" đề cập nhiều nội dung, trong đó hoạt động của điều dưỡng y tế là một trong những nội dung được ngành Y tế đặc biệt tập trung quan tâm, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe người bệnh. Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh đặt chỉ tiêu 25 điều dưỡng/vạn dân. Đây là những định hướng rất quan trọng để ngành Y tế Quảng Ninh bồi dưỡng, kiện toàn đội ngũ điều dưỡng viên cả về số lượng và chất lượng.
Ngành Y tế tỉnh hiện có gần 4.000 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên (chiếm 42% cán bộ, nhân viên toàn ngành). Thạc sĩ Phạm Thị Hoa, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế), Chủ tịch Hội Điều dưỡng Quảng Ninh, cho biết: Nếu bác sĩ là người chữa bệnh thì điều dưỡng là người chăm sóc người bệnh. Đặc biệt là trong đại dịch Covid-19 đã giúp chúng ta nhìn nhận sâu sắc hơn về sự đóng góp của các điều dưỡng, hộ sinh với vai trò là những chiến sĩ tuyến đầu. Họ đã vượt lên những nguy cơ của dịch bệnh, dấn thân vào nơi nguy hiểm, phối hợp với các thầy thuốc sàng lọc, theo dõi, chăm sóc và là chỗ dựa về tinh thần cho bệnh nhân Covid-19. Vì vậy, điều dưỡng, hộ sinh ngoài trình độ, cần thiết phải có tâm, có trách nhiệm và lòng yêu nghề rất cao.
Trước đây, điều dưỡng viên được gọi là y tá, chỉ học cao nhất đến trình độ trung cấp, thực hiện y lệnh của thầy thuốc (chức năng phụ thuộc). Nhưng ngày nay, để chăm sóc tốt người bệnh, điều dưỡng viên cần phải thực hiện đủ 3 chức năng là chủ động, phối hợp và phụ thuộc. Do đó, điều dưỡng viên phải chuẩn hóa trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên. Ngành Y tỉnh hiện có trên 20% điều dưỡng viên tốt nghiệp đại học chuyên ngành điều dưỡng và hoàn thành chương trình sau đại học.
Đào tạo nghề điều dưỡng y tế được tỉnh chú trọng với việc quan tâm phát triển Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh. Đặc biệt thông qua Dự án đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở (GSD) của Ngân hàng Thế giới (WB), Trường được đầu tư gần 20 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị đào tạo sinh viên điều dưỡng. Đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường tích cực tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng; hiện gần 100% giảng viên điều dưỡng có trình độ thạc sĩ.
Sinh viên điều dưỡng Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh từ cuối năm thứ nhất đi thực tập tại các bệnh viện. Thạc sĩ Phạm Thị Hoài Thương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh, cho biết: Năm học vừa qua, nhà trường có hơn 200 sinh viên ngành điều dưỡng tốt nghiệp. Trong đó có trên 90% sinh viên được nhận vào làm việc tại các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài tỉnh.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()