Tất cả chuyên mục

Nằm bên dòng sông Ka Long trong xanh, Trường THPT Trần Phú (Móng Cái) mang đặc trưng ngôi trường vùng biên giới. Giữa những chuyển động hối hả của vùng đất sôi động này, thầy trò nhà trường từ giai đoạn còn khó khăn, “đồng cam cộng khổ” đến nay đã tạo dựng một cơ sở khang trang, sạch đẹp, đội ngũ giáo viên yêu trò, bám trường, bám lớp và lớp lớp học sinh say sưa với việc học hành để ngày càng có những thành tích nổi bật, trở thành điểm sáng trong hệ thống các trường THPT trong toàn ngành của Quảng Ninh. Những thành tích ấy làm lớp lớp thầy trò nơi đây thêm tự hào về truyền thống 55 năm qua của nhà trường...
![]() |
Bác Hồ về thăm Trường phổ thông cấp II-III Trần Phú (nay là Trường THPT Trần Phú) ngày 19-2-1960. Ảnh: Tư Liệu |
Một thời gian khó
Lớp lớp thầy, trò của những ngày đầu tiên gắn bó với Trần Phú - ngôi trường vùng biên viễn này nay hồi tưởng lại đều thấy như một giấc mơ dài. Trong ký ức họ, ngôi trường nhỏ bé ngày ấy tuy nằm ở vùng đất khá yên tĩnh, cư dân thuần phác nhưng việc dạy và học chất chồng những khó khăn, gian khổ. Vất vả cũng đúng thôi bởi dù là cơ sở duy nhất đào tạo học sinh cấp II, III của thị xã khi ấy nhưng trường chỉ có 2 phòng học với 15 bộ bàn ghế, 1 đến 2 lớp học với khoảng 50 học sinh và 4 giáo viên. Nhận thức của người dân về việc học nơi đây cũng còn nhiều hạn chế. Tuy vậy, ở vùng biên giới này, thầy trò cũng không được “an cư” mà “lạc nghiệp” ngay. Thời kỳ chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ và khi vùng biên ải có biến động, trường phải di chuyển nhiều nơi, nhà trường phải vừa lo cơ sở vật chất trường, lớp vừa phải lo tổ chức ăn, ở nội trú cho học sinh các xã vùng cao, hải đảo. Rồi khi mở cửa biên giới đầu những năm 90, làn gió thương mại hoá lan mạnh mẽ cả vào giáo viện, học sinh khiến trường học cũng một phen lao đao... Chỉ từ năm 1996 khi thầy trò chính thức “định cư” tại vị trí cũ hiện nay, trường đã dần được xây dựng để phát triển ngày càng khang trang hơn, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên.
![]() |
Học sinh tặng hoa chúc mừng các thầy, cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Ảnh: Phan Hằng |
Dù khó khăn, có nhiều biến động là vậy nhưng mỗi thời kỳ, thầy trò nhà trường vẫn tự rèn luyện, vượt khó vươn lên. Các khoá học sinh theo từng năm lại tăng dần về số lượng, đến nay đã có trên 12.000 học sinh nơi đây tốt nghiệp, toả đi các nơi học tập, làm việc. Các thế hệ học sinh ngày đó không chỉ học còn tham gia lao động sản xuất, trồng đay, làm chăn bông, sợi, làm xà phòng, đúc lưỡi cày v.v.., từng được Bác Hồ khen ngợi khi về thăm trường năm 1960. Những năm 70-80, học sinh nơi đây lại vừa học tập vừa tích cực trồng trọt, từ trồng khoai tây, trồng ớt xuất khẩu đến trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc… góp phần phát triển KT-XH địa phương. Lớp học trò thời ấy nay hầu hết đã trưởng thành, góp mặt ở nhiều lĩnh vực, nhiều người giữ những cương vị quan trọng không chỉ tại địa phương mà còn vươn xa ở tỉnh và trung ương. Hơn 300 thầy cô giáo đã từng công tác tại trường suốt chặng đường dài ấy nay cũng toả đi nhiều nơi, có nhiều đóng góp vào sự nghiệp trồng người và phát triển trên nhiều lĩnh vực khác.
Bước chuyển mình toàn diện
Nối tiếp truyền thống tự rèn luyện, vượt khó đi lên, thầy trò nơi đây đã viết tiếp những trang mới với nhiều dấu son đánh dấu sự chuyển mình toàn diện của THPT Trần Phú hôm nay. Quãng 10 năm trở lại đây chính là thời điểm khẳng định sự vượt trội ấy.
Theo thống kê, những năm gần đây, trường có đủ số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên, đạt chuẩn đào tạo và có 10% trình độ thạc sĩ. Hàng năm, trường có 10% giáo viên giỏi cấp tỉnh, 65% giáo viên giỏi cấp cơ sở. Còn từ năm 2005 đến nay, Trần Phú thường xuyên có 28-32 lớp với 1.300-1.400 học sinh, đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc trên địa bàn. Chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn ngày càng nâng cao, đặc biệt từ năm 2006 trở lại đây đã có sự đi lên vượt bậc. Học sinh xếp loại giỏi toàn diện từ 3,1% nâng lên 11%; số giải học sinh giỏi cấp tỉnh tăng từ 30 đến 80 giải; số giải học sinh giỏi quốc gia từ 2008 đến nay liên tục đạt từ 2-3 giải về toán, tiếng Trung và giải toán trên máy tính cầm tay. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp lớp 12 đạt từ 99,5 đến 100%; tỷ lệ học sinh vào đại học, cao đẳng từ 20% nâng lên 55% (có lớp đạt 80%), nhiều học sinh có điểm thi cao từ 23-25 điểm thuộc các trường đại học lớn trong nước, có em được tỉnh cử tuyển đi du học Trung Quốc.
Cùng với đó, mục tiêu giáo dục toàn diện luôn được coi trọng. Nhà trường đã tổ chức tốt các hoạt động giáo dục như: Pháp luật, ngoại khoá, hướng nghiệp, nghề phổ thông, giáo dục địa phương, truyền thống, môi trường, dân số, giáo dục kỹ năng sống, phòng chống tệ nạn xã hội và chấp hành ATGT v.v.. Đặc biệt, nhà trường tích cực tổ chức các hoạt động về thể dục thể thao, văn nghệ; thi viết, vẽ, tìm hiểu, thi học sinh thanh lịch và tham gia giao lưu hữu nghị học sinh Việt - Trung, hát đối trên sông… Nhiều học sinh của trường đã đoạt giải cao tại Hội khoẻ Phù Đổng cấp tỉnh và thành phố.
Hơn nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành cũng là từng ấy năm thầy trò nhà trường đoàn kết vượt qua khó khăn, phấn đấu để đạt chuẩn Quốc gia (2007) và giữ vững danh hiệu trường chuẩn, trường đạt Tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Với kết quả này, THPT Trần Phú đã thực sự trở thành điểm sáng, trường chất lượng cao trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo ở vùng biên cương Đông Bắc của Tổ quốc.
Ngọc Mai
BẢNG VÀNG THÀNH TÍCH - Liên tục 6 năm học (từ năm học 2005-2006 đến 2010-2011) là trường tiên tiến xuất sắc, tập thể lao động xuất sắc của tỉnh; được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh. |
Ý kiến ()