Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:20 (GMT +7)
Tự hào vùng đất yên bình, rộng lớn
Thứ 3, 18/05/2021 | 11:10:01 [GMT +7] A A
Trong những ngày tháng Tư lịch sử này, cùng với niềm vui chung của cả nước chào mừng kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975-2021), mỗi người dân Đất mỏ còn luôn nhớ và khắc ghi một sự kiện có ý nghĩa quan trọng: Ngày Giải phóng Khu mỏ 25/4/1955. Đã 66 năm trôi qua, thế hệ nối tiếp thế hệ, những người con của Vùng mỏ năm xưa đã cần mẫn, sáng tạo bắt tay vào sự nghiệp xây dựng và kiến thiết quê hương, để ngày nay Quảng Ninh trở thành một vùng đất năng động, phát triển với khí thế mới, diện mạo mới...
Tiếp nối truyền thống “Kỷ luật - Đồng tâm”
Cuối thế kỷ XIX, sau khi xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã đánh chiếm khu mỏ Quảng Ninh và thiết lập bộ máy thống trị nơi đây. Hàng vạn thợ mỏ sống trong cảnh nô lệ, lầm than, chịu đựng khổ sai, đói khát, đòn roi. Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra đời giữa những ngày tháng gian nan khổ cực ấy, thắp lên ngọn lửa cách mạng, thắp lên ước mơ đưa Vùng mỏ thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp.
Nhớ lại những ngày đầu tiên tham gia giải phóng khu mỏ, ông Nguyễn Thế Cự (93 tuổi đời, gần 75 năm tuổi Đảng) phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả, chia sẻ: Sau khi khu Hồng Quảng được thành lập đã phát động phong trào đấu tranh chống địch vi phạm Hiệp định Giơnevơ, chuẩn bị tiếp quản Vùng mỏ. Ngày 25/4/1955, tại thị xã Hòn Gai, quân dân Hồng Quảng long trọng tổ chức lễ mít tinh trọng thể mừng giải phóng. Kể từ đó, ngày 25/4 hàng năm được chọn là Ngày Giải phóng khu mỏ, đánh dấu một kỳ tích của cách mạng, của dân tộc. Đồng thời, việc tổ chức lại sản xuất, từng bước xốc lại đội ngũ công nhân nhằm xây dựng một Quảng Ninh vững mạnh, trở thành một trong những đầu tàu kinh tế của đất nước.
Sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Quảng Ninh đã có bước tiến bộ, chuyển biến căn bản, từ một địa phương còn chủ yếu dựa vào trợ cấp của Trung ương vươn lên phát triển khá toàn diện trên tất cả các mặt, tự cân đối và có nhiều đóng góp chung với cả nước.
Nhìn lại hành trình đã đi trong những năm qua thấy rằng, tỉnh Quảng Ninh không chỉ hòa vào nhịp phát triển chung của đất nước, mà hơn 1,2 triệu dân Đất mỏ ngày càng tự hào hơn về sức phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, với nhiều đột phá của vùng đất phên dậu Tổ quốc. Quảng Ninh đã và đang tạo dựng hình ảnh về một tỉnh năng động, sáng tạo, khát khao đổi mới. Khát khao đó được định vị rõ ràng hơn từ việc giải quyết các “nút nghẽn” của tỉnh Quảng Ninh, đó là đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch - dịch vụ cao cấp, hiện đại, đẳng cấp quốc tế; xây dựng môi trường cạnh tranh cấp tỉnh cùng với cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử tạo thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp, cho người dân; đẩy mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao trong quản lý và sản xuất kinh doanh, gắn kết với ứng dụng khoa học công nghệ theo đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương và chỉ đạo của Chính phủ.
Tự hào trước sự đổi thay ngoạn mục trên quê hương Quảng Ninh, ông Trần Ngọc Duy, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố 7, phường Hồng Hải, TP Hạ Long, xúc động: Chứng kiến sự đổi thay ngoạn mục của tỉnh trong cả một quá trình dài, đặc biệt, những năm gần đây tôi thấy Quảng Ninh đã mạnh dạn đột phá vào những lĩnh vực quan trọng nhất tạo tiền đề vững chắc để phát triển lên một bước mới, một tầm vóc mới phù hợp với xu thế phát triển chung của đất nước và toàn cầu. Những giá trị mang tầm quốc gia mà Quảng Ninh đã đi đầu trong cả nước thực hiện thành công chính là sự khẳng định khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà trong việc xây dựng Quảng Ninh thành một tỉnh giàu mạnh, với bản sắc riêng, mang thương hiệu riêng của một vùng đất giàu truyền thống cách mạng...
Đưa Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ, bền vững
Có thể thấy, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo nhất quán nhưng vẫn năng động, nhanh nhạy và kịp thời của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, khát vọng đó đã và đang dần biến thành hiện thực. Điều này được thể hiện rõ nét ở việc Quảng Ninh đã mạnh dạn tìm tòi, thực hiện những giải pháp sáng tạo, đột phá để tiến hành đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cải cách tiền lương, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, suy thoái... Trong đó, đã có nhiều biện pháp triển khai sáng tạo, đi trước những chỉ đạo của Trung ương, là cơ sở thực tiễn để Trung ương nhận thức rõ hơn trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, bước tiến bộ quan trọng của công tác xây dựng Đảng là cội nguồn dẫn dắt kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định, với tốc độ tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 2016 - 2020 đạt 10,7%/năm, cơ bản đạt chỉ tiêu đề ra, cao hơn so với bình quân chung cả nước; thu nội địa luôn trong nhóm tỉnh, thành phố có số thu cao nhất cả nước; cơ cấu chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh, phúc lợi, tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản thiên nhiên thế giới.
Trong thực hiện chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, Quảng Ninh là một trong 5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước; làm tiền đề căn bản và động lực quan trọng để trở thành tỉnh công nghiệp, dịch vụ phát triển hiện đại trong tầm nhìn năm 2030. Quảng Ninh cũng luôn kiên trì, chủ động và sáng tạo thực hiện ba đột phá chiến lược, có trọng tâm, trọng điểm; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Trong công tác cải cách hành chính, Quảng Ninh cũng ghi dấu ấn đậm nét với tinh thần "dám nhìn thẳng sự thật", quyết tâm cải cách hành chính (CCHC) toàn diện, với nhiều mô hình tiên phong, đột phá, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu phát triển KT-XH bền vững. Nhờ đó đã đem đến cho Quảng Ninh nhiều trái ngọt. Tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng xác lập, khẳng định vị thế trong xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, minh bạch, hiện đại, đem lại niềm tin, sự hài lòng cho doanh nghiệp, người dân.
Những chuyển động của Quảng Ninh trong nhiều năm qua về công tác CCHC đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng GRDP luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước. Năm 2020, mặc dù tác động trong bối cảnh dịch bệnh nhưng tỉnh vẫn hoàn thành những mục tiêu đề ra, trong đó nổi bật là tăng trưởng kinh tế vẫn đạt 2 con số, thuộc các địa phương có mức tăng trưởng cao trong cả nước. Những kết quả này chính là thông điệp của Quảng Ninh trong việc thực hiện "nhiệm vụ kép": Vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là điểm đến an toàn, hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Trong mỗi bước đi, Quảng Ninh luôn quan tâm, chú trọng phát triển nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; gắn các mục tiêu phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội. Tỉnh là một trong những địa phương đi đầu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” phát triển không ngừng, được Chính phủ chỉ đạo nhân rộng trong cả nước. Thu nhập bình quân đầu người đến hết năm 2020 đạt hơn 6.700 USD, gấp hơn hai lần mức bình quân chung cả nước.
Đặc biệt, ở lĩnh vực văn hoá - xã hội, với quan điểm xây dựng con người Quảng Ninh văn minh, thân thiện, qua mỗi kỳ Đại hội (từ Đại hội VIII đến nay), những giá trị văn hoá tinh thần của giai cấp công nhân Vùng mỏ, các giá trị lịch sử của vùng đất được ví như hình ảnh đất nước Việt Nam thu nhỏ, đã từng bước được bồi đắp, nâng tầm trong nền hội tụ và giao thoa của vùng Văn minh sông Hồng.
Quảng Ninh, mảnh đất địa đầu biên cương của Tổ quốc, nơi được tạo hóa ban tặng cho vùng đất đẹp, giàu, đang được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh nỗ lực làm thức dậy những tiềm năng phong phú, bằng việc gắn với những chương trình hành động cụ thể, thiết thực nhất làm thăng hoa, lan tỏa đến khắp mọi miền trong nước và quốc tế, mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()