Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 19/11/2024 02:26 (GMT +7)
Từ ngọn lửa cách mạng đến tiếng súng kháng chiến
Thứ 7, 19/12/2020 | 07:44:41 [GMT +7] A A
Mùa xuân năm 1941, sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc và dừng chân trên biên giới Cao Bằng. Tháng 5 năm đó, từ Pác Bó - Cao Bằng, Nghị quyết Trung ương lần thứ 8 của Ðảng như ngọn đuốc soi sáng đường cách mạng Việt Nam. Từ Pác Bó nhìn về Hà Nội, theo bản đồ là thẳng hướng Nam. Thường vụ Trung ương Ðảng quyết định xây dựng An toàn khu của Trung ương tại các vùng chung quanh Hà Nội. Bọn tay sai của Nhật - Pháp ngày đêm truy tìm dấu vết cách mạng. Xuân Canh, Ðông Anh bên ngã ba sông Hồng nối dòng sông Ðuống, cửa ngõ phía bắc liền kề nội thành, có bến đò ngang, đò dọc sang nội đô, có bờ bãi sông nước mênh mông bạt ngàn dâu, sậy, có quốc lộ đi qua lên Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng... Do vị trí đặc biệt cho nên nơi đây sớm trở thành địa bàn hoạt động cách mạng nối liền nội thành với An toàn khu và căn cứ Việt Bắc.
Một trong những con thuyền đưa Trung đoàn Thủ đô vượt sông Hồng, phá vây về cứ an toàn vào đêm 17-2-1947. Ảnh tư liệu |
Bến đò Xuân Trạch bên ngã ba sông, cây gạo sừng sững như minh chứng một thời khắc lịch sử. Giữa giông bão của thời cuộc, những người cách mạng đang nhóm lửa. Tháng 6-1941, những thanh niên ưu tú đầu tiên Ðào Huy Vũ, Ðỗ Văn Môn và Trương Hữu Toàn được đồng chí Lê Quang Ðạo (lúc bấy giờ là Bí thư Ban Cán sự tỉnh Bắc Ninh) tuyên truyền, giác ngộ và kết nạp vào tổ chức Ðoàn thanh niên cứu quốc thuộc Mặt trận Việt Minh, Thanh niên cứu quốc sau đó ngày một phát triển. Các đoàn viên trung kiên hăng hái tuyên truyền, vận động quần chúng. Trong đêm tối, người dân lao khổ nơi đây đã được cách mạng giác ngộ. Hai tiếng Việt Minh vọng vang hồn đất nước, chất chứa trong tâm can và hun đúc những làng quê xứ sở. Từ ngã ba sông, những trái tim hướng về mầu cờ đỏ. Từ ngã ba sông, sẽ tung bay rạng rỡ sắc cờ.
Mùa thu năm 1944, qua thời gian được rèn luyện và thử thách, đồng chí Lê Ðình Thiệp đã tổ chức kết nạp Ðỗ Văn Môn và Nguyễn Trung Thành vào Ðảng Cộng sản Ðông Dương. Cũng hôm ấy, chi bộ được thành lập ở Xuân Trạch, gồm ba đảng viên và là một chi bộ đơn tuyến do Ðội công tác An toàn khu của Trung ương tổ chức thành lập, quản lý và lãnh đạo. Ðây là một trong bốn chi bộ đầu tiên ở Ðông Anh. Nhân dân đã có chi bộ Ðảng lãnh đạo. Quê hương như có mạch nước nguồn rì rầm lan chảy qua các đường ngõ xóm thôn, qua các lũy tre, hàng dậu. Ðội Thiếu niên cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc và Hội Nông dân cứu quốc sau đó được thành lập và ngày đêm hăng hái hoạt động. Phong trào và khí thế cách mạng như măng thành tre, như tre thành lũy. Quán cơm Quốc tế - ngã ba Dâu - nơi đón tiếp những cán bộ của Trung ương từ An toàn khu đi Việt Bắc và các nơi khác trong cả nước về An toàn khu...
Ðã bấy mươi năm rồi nhưng cảnh tượng và không khí cách mạng trong cuộc mít-tinh với khoảng 500 người tại Bãi Dành do An toàn khu chủ trương và trực tiếp tổ chức vẫn in trong tâm trí bao người... Quần chúng cách mạng từ các xã Võng La, Hải Bối, Vĩnh Ngọc, Mai Lâm, Ðông Hội, Cổ Loa và Xuân Canh (địa điểm mít-tinh) hội tụ về đây dưới cờ đỏ sao vàng tung bay trong ánh sáng của hai ngọn đuốc lớn. Người nào cũng mang theo giáo mác, gươm, đinh ba, gậy gộc, có người mang cả vồ, cả cuốc và đòn gánh, đòn càn... Với giọng nói tha thiết của anh Lê Ðình Thiệp: "Hỡi đồng bào yêu nước...", mọi người lắng nghe và xúc động biết bao. Ðang mít-tinh, trời bỗng đổ mưa như trút nước, sấm chớp lan tỏa cả một vùng, hàng trăm con người vai kề vai thành từng khối, từng xã. Dưới ánh sáng nghị quyết lãnh đạo của chi bộ và sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ðội Công tác đặc biệt, những cuộc hội họp tiếp tục được thực hiện để tuyên truyền đường lối của Ðảng, tập duyệt đấu tranh cho quần chúng tiến kịp tình thế cách mạng. Tăng cường rải truyền đơn; treo cờ, dán áp-phích; trấn áp bọn cường hào có hành vi cản trở cách mạng; vận động nhân dân chống thu thuế và hăng hái mua tín phiếu của Mặt trận Việt Minh, Xây dựng các đội tự vệ, huấn luyện quân sự và tìm kiếm vũ khí, trang bị, sẵn sàng bước vào cuộc chiến tranh. Phong trào như sóng cuộn réo. Ngày mai nước sẽ phá bờ.
*
Trời đất nội đô - súng đã nổ. Cờ đỏ sao vàng tung bay, ngày nhân dân Ðông Anh bước vào cuộc chiến đấu tiêu diệt giặc Nhật, đấu tranh giành chính quyền đã đến. Sáng sớm hôm ấy, người người lớp lớp hò reo. Những bài ca cách mạng hùng tráng, những tiếng hô khẩu hiệu tranh đấu như thét như gào, những nhịp điệu đồng thanh của lời thề cảm tử. Nào súng đại liên, nào súng trường đủ loại. Súng ngắn của những người chỉ huy, đạn đã lên nòng. Người người tay nắm gươm, nắm đao, đinh ba, mã tấu, gậy gộc. Quần chúng cách mạng Xuân Canh cùng lực lượng các xã trong vùng hướng về ngã Ba Ðê và cùng xuất phát từ cây gạo Ba Ðê lịch sử (nơi chứng kiến nhiều cuộc gặp gỡ làm việc bí mật của các đồng chí Trường-Chinh, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Lương Bằng...) để tiến về huyện lỵ tiêu diệt trại lính Nhật. Quần chúng thét vang khẩu hiệu đấu tranh. Súng nổ rung đất trời phố huyện. Khẩu đại liên của tự vệ Xuân Canh phát huy hỏa lực, áp đảo sự kháng cự của địch, cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân ta, động viên khí thế đấu tranh của quần chúng. Ðỗ Văn Môn, đội trưởng tự vệ Xuân Canh dẫn đầu một mũi chiến đấu xông vào trại giặc, dũng mãnh và vô cùng quả cảm... Lực lượng vũ trang và quần chúng cách mạng từ nhiều hướng đã hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ và tiếp ứng cho nhau kịp thời... Cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời phố huyện. Nhân dân tiến vào huyện lỵ mít-tinh mừng chiến thắng, thành lập chính quyền cách mạng lâm thời và làm lễ truy điệu hai chiến sĩ tự vệ đã hy sinh anh dũng.
Tôi nhẹ nhàng đi bên các hàng mộ chí của Nghĩa trang liệt sĩ xã Xuân Canh. Hương cỏ, hương đồng thơm thảo. Các anh mang cờ Tổ quốc đã trao để cắm đúng nơi mà mình cần đến. Những người con trung hiếu đã đi từ máu đến hoa và yên nghỉ trong lòng đất mẹ. Những hàng mộ chí các liệt sĩ trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã nói lên những cuộc chiến đấu của các lực lượng vũ trang và nhân dân nơi đây bền gan và quyết liệt đến nhường nào! Trước ngày Toàn quốc kháng chiến, cờ đỏ sao vàng đã tung bay, độc lập hòa bình như một luồng sinh khí mới rạng rỡ trên khuôn mặt muôn người. Nhưng tiếng súng kháng chiến của đồng bào Nam Bộ đã nổ. Lớp lớp những người con quê hương lại hối hả lên đường nhập vào đội ngũ tốc hành nam tiến. Tình thế cách mạng cấp bách. Cuộc kháng chiến toàn quốc đã cận kề. Thôn xóm, làng xã ngày đêm sôi động với biết bao công việc chuẩn bị cho chiến tranh vệ quốc. Dựng xây làng xã chiến đấu. Thôn xóm thành lũy ngang dọc đường hào. Những khối đá to, những ụ đất lớn được dựng lên thành chướng ngại vật trên tuyến đê sông Ðuống, Sông Hồng. Phá đường quốc lộ, dỡ bỏ bớt đình chùa - một lòng một dạ tiêu thổ kháng chiến...
Xuân Canh, một trong những pháo đài cửa ngõ Thủ đô, ngay những giờ phút đầu tiên toàn quốc kháng chiến đã nã đạn pháo vào Tổng hành dinh giặc Pháp. Pháo lớn lặng lẽ vượt sông về đứng chân bên chùa Vân Hoạch để gầm vang nhả đạn xuống đầu thù. Thanh niên địa phương hăng hái ghi tên vào trung đội pháo binh chiến đấu. Nhiều người đã được tuyển chọn. Ðại đội tự vệ lên phương án tác chiến và thực hành nhiệm vụ bảo vệ pháo đài từ xa với ba hướng tạo thế chân kiềng. Pháo đài Xuân Canh - những trận chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt. Pháo ta gầm vàng trút đạn. Máy bay, tàu chiến và bộ binh giặc Pháp tìm mọi cách giội bom bắn phá, tập kích để tiêu diệt pháo đài. Bộ đội pháo binh kiên cường, quả cảm. Lực lượng tự vệ gan dạ, anh hùng. Pháo đài vẫn trụ vững và hiên ngang chiến đấu. Với 60 ngày đêm đạn lửa khốc liệt, giành giật từng đường phố, mái nhà, quân và dân Thủ đô đã tiêu diệt, vây hãm kìm chân địch, tạo điều kiện cho cả nước chuyển vào kháng chiến.
Ðêm 17-2-1947, Ðoàn Vệ quốc quân một lần ra đi..., Trung đoàn Thủ đô bí mật phá vây vượt sông Hồng về cứ. Giặc Pháp tăng quân lùng sục, chăng dây thép gai, tàu chiến ngày đêm tuần tiễu, nhưng các chiến sĩ sông Hồng đã thuộc đường nhớ bến như lòng bàn tay, vì họ được sinh ra, uống nước và lớn lên bên bến sông Hồng, bên dòng sông Ðuống. Ðêm, ngã ba sông thầm lặng mà sục sôi kháng chiến, lực lượng vũ trang Ðông Anh cùng nhân dân Tàm Xá và Xuân Canh, người người, thuyền thuyền đưa đón bộ đội vượt sông...
*
Tôi viết lại dòng thơ của anh Ðào Huy Vũ (sau này là Thiếu tướng Tư lệnh Binh chủng Thiết giáp) để góp phần hoài niệm những năm tháng cực kỳ cam go và vô cùng anh dũng của các lực lượng vũ trang và nhân dân nơi đây trong những năm kháng chiến trường kỳ. Trên trang giấy sổ tay rất nhỏ là những dòng chữ có nét mực đã mờ theo năm tháng: Làng chúng ta tan hoang/ Lũy tre cằn xơ xác/ Tro xóm nền nhà/ Cỏ hoang lối lạc/ Ẩn sau tiếng chuông chùa ngân vang/ Ẩn sau lũy tre làng/ Người dân quân du kích/ Súng trong tay chờ địch.
Tiếng súng Toàn quốc kháng chiến và những năm tháng chiến tranh nơi đây đã trôi xa vào miền ký ức của bao người. Lâu lắm rồi, bãi bờ ven đê đã liền thớ đất. Cây gạo Ba Ðê, quán cơm Quốc tế, bến đò Xuân Trạch, pháo đài Xuân Canh và bờ bãi nơi Trung đoàn Thủ đô vượt sông Hồng cập bến đã trở thành biểu tượng truyền thống cách mạng mang ý nghĩa sâu sắc đối với quê hương đất nước. Ðảng tiền phong nhóm lửa, đến cách mang thành công, đến kháng chiến trường kỳ, lực lượng vũ trang và nhân dân nơi đây đã vượt qua bao chông gai, hy sinh, thử thách, bắc những nhịp cầu chiến thắng bằng cả máu và nước mắt bao người để tới ngày Bộ đội Cụ Hồ về tiếp quản Thủ đô...
Theo nhandan.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()