Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:51 (GMT +7)
Tư nhân được hành nghề công chứng
Thứ 5, 21/12/2006 | 08:11:03 [GMT +7] A A
Liên tiếp trong 2 ngày 19 và 20-12, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo thông báo 7 luật: Luật Công chứng, Luật Quản lý thuế, Luật Bình đẳng giới, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động, Luật Cư trú (đều có hiệu lực thi hành từ 1-7-2007) và Luật Dạy nghề (có hiệu lực thi hành từ 1-6-2007).
Đặc biệt trong 7 luật trên, là Luật Công chứng có nhiều điểm mới căn bản so với quy định hiện hành. Đó là, cùng với qui định công chứng viên là chức danh tư pháp và người được bổ nhiệm không nhất thiết phải là công chức. Luật Công chứng còn cho phép chuyển đổi các tổ chức công chứng từ chỗ là cơ quan hành chính thành tổ chức dịch vụ công hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính.
Ngoài hình thức phòng công chứng, Luật Công chứng còn cho phép thành lập các văn phòng công chứng do công chứng viên thành lập và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân (đối với văn phòng có một công chứng viên) hoặc theo loại hình công ty hợp danh (đối với văn phòng có từ hai công chứng viên trở lên).
Ai cũng biết, việc công chứng bấy lâu nay chưa đáp ứng được tình hình thực tế. Cách đây dăm năm, nhà văn-nhà báo Tạ Kim Hùng (Hội Văn nghệ tỉnh Quảng Ninh) đã có bài báo “Tôi đi công chứng” trên Báo Tiền phong phê phán những nhiêu khê, bất cập của hoạt động này. Bộ Tư pháp và Báo Tiền phong đã có cuộc trao đổi xung quanh nội dung bài báo này để tìm ra biện pháp tốt để cải thiện hoạt động công chứng. Luật Công chứng là biện pháp toàn diện để giải quyết những bất cập, đáp ứng nhu cầu giao dịch dân sự hiện nay.
Cùng với các văn phòng luật sư tư nhân, việc tư nhân được hành nghề công chứng là bước tiến mới trong tiến trình cải cách tư pháp của nước ta. Đây cũng là bước tiến mới trong việc xã hội hoá những hoạt động mà Nhà nước không nhất thiết phải nắm giữ.
Liên kết website
Ý kiến ()