Tất cả chuyên mục

Xã Bằng Cả, huyện Hoành Bồ hiện có khoảng trên 1.600 nhân khẩu thì có tới 97% là người Dao Thanh Y (số liệu của UBND xã Bằng Cả). Đây là một trong hai nhánh của người Dao gồm Dao Thanh Y và Dao Thanh Phán cùng sinh sống trong đại gia đình các dân tộc ở Quảng Ninh từ lâu đời. Chính việc sống quần tụ tập trung là một trong những yếu tố khách quan thuận lợi để người Dao nơi đây giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống của mình...
![]() |
Nghi lễ cúng cầu xin tổ tiên phù hộ cho một năm mới thóc gạo đầy bồ không thể thiếu trong ngày Hội làng của người Dao Thanh Y xã Bằng Cả. |
Từ bao đời đến nay, người Dao Thanh Y ở Bằng Cả sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, kết hợp với trồng và khai thác rừng. Cũng giống như các dân tộc anh em khác ở Quảng Ninh nói chung, dân tộc Dao nói riêng, người Dao Thanh Y ở Bằng Cả có đời sống văn hoá tinh thần rất phong phú. Bên cạnh các lễ tục giống như lễ hội dân gian như cấp sắc, hội làng, đồng bào Dao ở đây còn có các ngày lễ, tiết chung của dân tộc. Do gắn bó với nông nghiệp lâu đời nên điều không thể thiếu trong tất cả các lễ tiết đó là tục cúng cơm mới tạ ơn trời đất, Bàn Vương (một nhân vật huyền thoại, thuỷ tổ của người Dao).
Tục cúng cơm mới biểu hiện rõ nét nhất ấy là hàng năm, vào tháng 10 âm lịch, khi nhà nhà lúa đã vào bồ, bữa cơm gia đình đã thơm mùi gạo mới, các gia đình người Dao ở Bằng Cả lại tổ chức cúng cơm mới tạ ơn tổ tiên, tạ ơn Bàn Vương đã phù hộ cho một năm mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Để chuẩn bị cho lễ cúng cơm mới, trước tiên các gia đình gặt lấy ít lúa đầu mùa đem về phơi khô, giã thành gạo và nấu cơm. Sau đó xới bát cơm mới và thức ăn chín đưa lên bàn thờ. Chủ nhà đứng nghiêm trước bàn thờ khấn, ôn lại công ơn của tổ tiên và cầu mong tổ tiên tiếp tục phù hộ để một vụ mùa mới mưa thuận gió hoà, gia đình mạnh khoẻ. Cúng xong, khi ăn, chủ gia đình là người ăn trước, ăn mỗi món một miếng rồi vợ con mới bắt đầu ăn. Cuối bữa cơm, mỗi người sẽ cố ý để thừa một ít cơm và vài miếng rau. Ngày hôm ấy gia đình sẽ không được rửa bát, ngụ ý sau này cơm gạo sẽ thừa thãi. Ngày cúng cơm mới, theo tập tục người ngoài hay kể cả họ hàng thân thích cũng không được vào nhà.
Đồng chí Lý Văn Ba, Phó Chủ tịch UBND xã Bằng Cả cho biết, ngày nay, tục cúng cơm mới vẫn được các gia đình người Dao Thanh Y ở Bằng Cả duy trì. Tuy nhiên, các thủ tục đã được giản lược đi (ví như chủ nhà là người ăn trước). Ngày cúng cơm mới, các gia đình con cháu thường tập trung về nhà cha mẹ, quây quần làm cơm mới cúng tạ ơn tổ tiên.
Ngoài dịp tháng 10, vào ngày Hội làng diễn ra vào mùng 1-2 âm lịch hàng năm, nghi lễ cúng cơm mới cũng đã được tái hiện và là một phần trong các lễ cúng của ông trưởng tộc. Trên mâm cỗ cúng Bàn Vương, tổ tiên ở góc nhà, bên cạnh gà, bánh, thịt lợn, rượu bâu... không thể thiếu một bó lúa vàng. Lễ cầu đầu tiên của ông trưởng tộc sẽ là cầu trời, thổ công, thành hoàng làng phù hộ cho dân bản năm mới mưa thuận gió hoà, nhà nhà mạnh khoẻ, làm ăn phát đạt, mùa màng tốt tươi. Sau phần lễ của ông trưởng tộc là đến phần cúng của các thầy mo. Giữa gian nhà, mọi người xếp hàng đi thành vòng tròn. Giữa vòng tròn đặt một rá lúa và một rá gạo. Thầy mo sẽ khấn cầu xin Bàn Vương, tổ tiên phù hộ cho một năm mùa màng bội thu, thóc gạo đầy nhà. Những người đi sau sẽ xướng theo.
Ngày nay, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, đồng bào Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả ngày càng ý thức về vai trò, ý nghĩa của bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của ông cha mình, trong đó có tục cúng cơm mới - một nét đẹp văn hoá mang tính giáo dục cao.
Trần Minh
Ý kiến ()