Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 02:22 (GMT +7)
Từng bước bình ổn thị trường
Thứ 3, 16/08/2022 | 10:15:00 [GMT +7] A A
Sau nhiều lần điều chỉnh, mức giá xăng, dầu hiện nay đã giảm về mức tương đương với thời điểm tháng 10/2021. Tuy nhiên, giá của nhiều mặt hàng, như thịt lợn, cước vận tải hành khách, vận tải hàng hoá, lương thực, thực phẩm vẫn chưa thực sự ổn định, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân...
Theo thông tin từ Sở Công Thương, giá xăng dầu liên tiếp có sự điều chỉnh giảm, tuy nhiên giá thuỷ sản trước thời điểm Rằm tháng 7 khoảng một tuần có xu hướng biến động tăng, giảm. Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu dùng tăng, ảnh hưởng của thời tiết và vào dịp lễ nên hàng hóa giá cả thường tăng nhẹ vào dịp này. Cụ thể, trứng giảm 500 đồng/quả; rau xanh các loại giảm từ 1.000-2.000 đồng/bó; tôm tươi giảm từ 20.000-30.000 đồng/kg tuỳ loại, riêng tôm sú tăng trung bình từ 50.000-70.000 đồng/kg; các loại mực tươi cũng có sự tăng giá từ 30.000-40.000 đồng/kg; thịt gà tăng từ 10.000-20.000 đồng/kg; giá thịt lợn hơi tăng từ 10.000-30.000 đồng/kg tuỳ loại...
Chị Nguyễn Thị Dung, phường Trần Hưng Đạo cho biết: Thời điểm trước Rằm tháng 7, tôi đi chợ thấy các mặt hàng có sự tăng, giảm so với thời gian trước đó. Điển hình như, thời gian trước tôi mua mực tươi chỉ có giá 210.000 đồng/kg, nhưng thời điểm Rằm lại lên giá 250.000 đồng/kg, có loại còn lên mức trên 300.000 đồng. Tuy nhiên, thời điểm sau Rằm tháng 7, tôi thấy nhiều mặt hàng cũng đã hạ giá. Mặc dù chưa thể trở về mức ổn định, nhưng đây cũng là tín hiệu đáng mừng với người tiêu dùng.
Còn theo chủ một cửa hàng kinh doanh ăn uống tại phường Hồng Hải, TP Hạ Long: Cửa hàng đã điều chỉnh tăng giá từ 5.000-15.000 đồng/món. Dù xăng dầu giảm, nhưng giá cả thị trường vẫn chưa thể ổn định, nên cửa hàng chưa thể điều chỉnh giá cả giảm xuống như lúc đầu.
Tới thời điểm hiện tại, giá cả nhiều mặt hàng thực phẩm đã “hạ nhiệt” so với thời điểm trước dịp Rằm tháng 7. Cụ thể, rau củ quả có giá từ 10.000-15.000 đồng/bó tùy loại; thịt bò 250.000-275.000 đồng/kg; gà ta 100.000-110.000 đồng/kg; thịt lợn có giá từ 100.000-150.000 đồng/kg, tùy loại; mực có giá từ 220.000-250.000 đồng/kg, tùy loại; tôm dao động từ 350.000-400.000/kg, tùy loại; cá song 180.000-200.000 đồng/kg...
Cùng với đó, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi... cũng đã có sự điều chỉnh hạ giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm để kích cầu mua bán và tạo điều kiện cho người tiêu dùng. Bà Phạm Lữ, Giám đốc Siêu thị GO! Hạ Long, cho biết: Trước những biến động của thị trường, chúng tôi đã liên tiếp có sự điều chỉnh về giá các loại mặt hàng nhu yếu phẩm: Thịt, cá, trứng, rau củ, hoa quả... Các mặt hàng đều có sự điều chỉnh giá giảm trung bình từ 10-30%, thậm chí có mặt hàng giảm đến 40%.
Trước thực trạng giá cả thị trường chưa thể trở về ổn định như hiện nay, Sở Công Thương đã yêu cầu các hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi... phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp từng bước bình ổn thị trường. Các đơn vị cung ứng chủ lực xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa, chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, giá cả ổn định, không tăng giá bất hợp lý. Cùng với đó, tiếp tục rà soát, hỗ trợ áp dụng chiết khấu ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và các chi phí khác để giảm áp lực tăng giá bán đến tay người tiêu dùng; quan tâm, nghiên cứu và áp dụng các chính sách ưu đãi đối với sản phẩm bình ổn thị trường và các mặt hàng thiết yếu khác. Các doanh nghiệp cung ứng, kinh doanh trên địa bàn tỉnh cũng tiếp tục rà soát, tính toán lại mức giá bán hiện nay để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với mức giảm giá xăng dầu, trên cơ sở đó đề xuất điều chỉnh giá bán hàng bình ổn trong thời gian tới.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()