Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 18:07 (GMT +7)
Từng bước trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số
Thứ 3, 05/12/2023 | 06:24:28 [GMT +7] A A
Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 Quảng Ninh thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng của cả nước. Do đó, Quảng Ninh đã và đang tích cực thực hiện các giải pháp chuyển đổi số, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ toàn diện.
Những điểm sáng
Là địa phương thuần nông, khi bắt tay vào thực hiện thí điểm mô hình xã, phường chuyển đổi số, xã Cẩm La (TX Quảng Yên) gặp không ít khó khăn. Song với giải pháp sáng tạo, đến nay Cẩm La đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, từng bước chuyển đổi số toàn diện. Hiện xã Cẩm La đã hoàn thành 11/22 nhiệm vụ chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đây là tiền đề để nhận rộng mô hình trong thị xã và toàn tỉnh, góp phần hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số của Quảng Ninh.
Bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của TX Quảng Yên và nhân dân đóng góp, xã Cẩm La là đơn vị hành chính cấp xã đầu tiên trên địa bàn có 4/4 thôn đều lắp đặt màn hình led tại nhà văn hóa với hệ thống máy tính và đường truyền mạng ổn định. Nhờ đó, đảm bảo công tác tuyên truyền kịp thời, đáp ứng nhu cầu của người dân, nâng cao hiệu quả của nhà văn hóa.
Bà Nguyễn Thị Oanh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Cẩm Lũy (xã Cẩm La, TX Quảng Yên) cho biết: Việc lắp đặt màn hình led đã tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ thôn trong công tác tuyên truyền, người dân kịp thời nắm bắt thông tin, hoạt động của nhà văn hóa hiệu quả. Qua đó, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Cứ mỗi khi có sự kiện quan trọng của tỉnh và thị xã, nhân dân lại tập trung tại nhà văn hóa thôn để lắng nghe, nắm bắt và trao đổi.
Xã Cẩm La cũng đẩy mạnh việc gắn mã QR thanh toán không dùng tiền mặt cho các cửa hàng kinh doanh dịch vụ; 100% trường học trên địa bàn sử dụng ứng dụng thanh toán phí, học phí không dùng tiền mặt; 100% điểm nhà văn hóa thôn, khu phố, chợ, trường học, điểm vui chơi được lắp đặt wifi miễn phí. Đặc biệt, xã Cẩm La đã định vị điểm đến cho 20/58 cơ sở kinh doanh.
Xác định chuyển đổi số phải lấy người dân làm trung tâm, xã đã hướng dẫn khai thác triệt để các phần mềm thuộc hệ thống chính quyền điện tử trong cơ quan nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. 100% lãnh đạo, cán bộ, công chức thực hiện ký số văn bản điện tử và ký số đầy đủ các bước giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% sử dụng biên lai điện tử, thay thế toàn bộ biên lai giấy; 100% cơ quan, đơn vị đã được cấp địa chỉ số thực hiện gắn biển địa chỉ số.
Bên cạnh đó, tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại, xã đã trang bị máy quét, máy tính và bố trí cán bộ hướng dẫn, hỗ trợ người dân số hóa hồ sơ, đồng thời, lắp đặt bảng quét mã QR để tổ chức, công dân thực hiện nộp phí, lệ phí.
Bám sát chỉ đạo của tỉnh và ngành giáo dục, đến nay, Trường THPT Hoàng Quốc Việt (TX Đông Triều) đã đạt chỉ tiêu chuyển đổi số mức độ 3 - mức độ cao nhất trong Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên do Bộ GD&ĐT ban hành.
Với hơn 1.100 học sinh, từ năm học 2023-2024 Trường THPT Hoàng Quốc Việt đã đưa vào sử dụng hệ thống điểm danh bằng thẻ từ, thay vì điểm danh theo hình thức thủ công thông thường. Để thuận tiện cho học sinh điểm danh trước mỗi buổi học, trường đã lắp đặt 6 máy quẹt thẻ tại các địa điểm khác nhau nhằm giảm thiểu ùn tắc. Bằng hệ thống phần mềm, Ban Giám hiệu nhà trường chỉ mất vài phút để vào hệ thống kiểm tra sĩ số, khung giờ của học sinh, giáo viên đến lớp. Trên cơ sở đó, việc duy trì điểm chuyên cần của học sinh cũng được gửi thẳng tới phụ huynh để biết, nắm bắt, quản lý cùng nhà trường.
Đặc biệt, nhà trường đã thực hiện ứng dụng công nghệ để đổi mới kiểm tra, khảo sát, đánh giá học sinh. Theo đó, học sinh sử dụng máy tính hoặc Ipad để làm bài đối với những môn học, hoặc các phần của môn học ra đề theo hình thức trắc nghiệm. Việc chấm điểm được thực hiện ngay sau khi học sinh gửi kết quả làm bài. Bên cạnh đó, nhà trường đã xây dựng kho học liệu số và ngân hàng câu hỏi trực tuyến với hàng nghìn bài giảng, bộ đề, tài liệu thi dùng chung toàn trường. Hiện Trường THPT Hoàng Quốc Việt là trường duy nhất trên địa bàn tỉnh duy trì việc số hóa hình thức kiểm tra, khảo sát, đánh giá học sinh, đảm bảo khách quan, minh bạch, hiệu quả.
Cùng với đó, nhà trường cũng tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm số hóa công tác giảng dạy, nâng chất lượng giờ học, tạo hứng thú cho học sinh như: Dạy học trực tuyến kết hợp với trực tiếp trên nền tảng Microsoft - Teams, khai thác hiệu quả hệ thống phòng học thông minh…
Học sinh Đỗ Ngân Hà (lớp 12C8, Trường THPT Hoàng Quốc Việt) chia sẻ: Chúng em cảm thấy vô cùng may mắn khi được học tập trong một môi trường năng động, sáng tạo và áp dụng chuyển đổi số mạnh mẽ tại Trường THPT Hoàng Quốc Việt. Việc các thầy cô lồng ghép kênh hình, kênh tiếng, ứng dụng các phần mềm dạy học, chuyển tải bài học dưới dạng trò chơi, giúp tiết học trở nên vui vẻ, nhẹ nhàng và hiệu quả hơn rất nhiều. Công nghệ cũng giúp cho việc thi cử đảm bảo sự công bằng, minh bạch hơn.
Chuyển đổi số toàn diện
Trong tiến trình chuyển đổi số toàn diện, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là hệ thống dữ liệu quan trọng nhất. Do đó, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về phát triển cơ sở dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Trong đó, các địa phương và tổ công nghệ số cộng đồng đã tăng cường rà soát nhân khẩu, hộ khẩu theo phương thức "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" để thu thập thông tin nhằm làm sạch dữ liệu dân cư; xây dựng điểm tuyên truyền tại nhà văn hoá các thôn, bản, khu phố để hướng dẫn người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử và đăng ký hồ sơ dịch vụ công trực tuyến.
Cùng với đó, ngành y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế trong toàn tỉnh bổ sung thiết bị để sử dụng thay thế CCCD có gắn chip điện tử thay cho thẻ BHYT giấy. Đến nay, 225/225 cơ sở khám chữa bệnh BHYT có bệnh nhân đến khám, chữa bệnh bằng CCCD thay cho thẻ BHYT giấy.
BIDV Quảng Ninh là ngân hàng tiên phong trên địa bàn tỉnh chấp nhận sử dụng CCCD gắn chip điện tử để rút tiền mà không cần tới thẻ ngân hàng, hay dùng mã QR trên điện thoại di động để thực hiện giao dịch chuyển tiền, nộp tiền, rút tiền tại máy ATM đa năng.
Cụ thể, khi khách hàng quét thẻ CCCD gắn chip điện tử tại ATM, hệ thống ngay lập tức kiểm tra và đối chiếu thông tin trên CCCD, đảm bảo thông tin chính xác và tiếp tục xác thực thông tin chính chủ thông qua đối chiếu dữ liệu sinh trắc học của khách hàng bằng vân tay. Công nghệ xác thực khách hàng thông qua dữ liệu sinh trắc học kết nối trực tiếp với dữ liệu công dân quốc gia giúp việc sử dụng CCCD có gắn chip của khách hàng giảm thiểu mọi nguy cơ giả mạo thẻ, đảm bảo an toàn tối đa trong giao dịch tài chính, thời gian xác thực thông tin nhanh chóng.
Bằng các giải pháp đồng bộ, dữ liệu dân cư trên địa bàn tỉnh hiện không chỉ được duy trì trạng thái đúng - đủ - sạch - sống, mà còn mang lại nhiều tiện ích cho người dân, thay đổi thói quen của mỗi người, thúc đẩy xây dựng xã hội số.
Chị Hoàng Thị Yến (thôn Nam Hả Trong, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ) cho biết: Được cán bộ hướng dẫn, tôi đã cài đặt định danh điện tử. Tôi thấy sử dụng tài khoản định danh điện tử rất tiện lợi, hiệu quả, nhanh chóng. Bởi nếu quên giấy tờ, tôi chỉ cần mở tài khoản để kiểm tra các thông tin. Đặc biệt, khi khám chữa bệnh, tôi có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử thay cho CCCD gắn chip và thẻ BHYT.
Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cùng các sở, ban, ngành đã tăng cường thực hiện chuyển đổi số. Đến nay, toàn bộ quy trình giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện theo quy trình "5 bước tại chỗ" và "5 bước trên môi trường điện tử" thông qua hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với quy trình đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ thời gian giải quyết. Nhờ đó, tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt 99,7%.
Bên cạnh đó, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình với việc thiết lập, niêm yết, công khai trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; trên 77% hồ sơ được thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến; 100% phí, lệ phí được thanh toán không dùng tiền mặt.
Song song với đó, từ tỉnh đến cấp huyện và xã đều đã bố trí bộ phận hỗ trợ công dân hoàn thiện điều kiện để thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình như đăng ký sim chính chủ, đăng ký tài khoản dịch vụ công quốc gia, tài khoản thanh toán trực tuyến. Đồng thời, bố trí cán hộ hướng dẫn, số hóa hồ sơ đầu vào, giám sát việc tuân thủ thời gian quy định, công khai đường dây nóng hỗ trợ... Nhờ đó, tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc toàn trình ở cả 3 cấp đạt trên 82%, cao gấp 1,5 lần trung bình toàn quốc, trong đó, cấp xã đạt 75%, cấp huyện đạt 80%, cấp tỉnh đạt 85%, qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, thu hút nguồn lực đầu tư, từng bước trở thành mô hình mẫu cấp tỉnh về chuyển đổi số.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()