Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 17/11/2024 12:16 (GMT +7)
Tùng Lâm và hành trình tìm kiếm “hồn Việt”…
Thứ 6, 04/02/2022 | 16:18:17 [GMT +7] A A
Du khách về Yên Tử những năm gần đây khá ấn tượng với Trung tâm Văn hoá Trúc Lâm dưới chân núi, bởi không gian khoáng đạt và những thiết kế độc đáo, ẩn sâu trong đó là ý nghĩa văn hoá gắn với di sản đặc biệt này. Để có cái nhìn sâu hơn về quá trình sáng tạo ra công trình, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng ông Bùi Đình Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, chủ đầu tư và vận hành quần thể này từ năm 2018.
- Các doanh nghiệp vốn hiếm khi chọn xây dựng các công trình văn hoá, vì sao Tùng Lâm lại chọn hướng đi này ở nơi đất Phật Yên Tử, thưa ông?
+ Khi ấy có nhiều ý tưởng lắm. Có cả những ý tưởng xây thêm chùa ở đây, nhưng chúng tôi không chọn cách làm đó. Trải nghiệm tâm linh ở đây đã gắn liền với hệ thống chùa, tháp vốn thuộc hàng “Danh lam cổ tự” của Yên Tử, đã rất đủ cho một trục tâm linh ở vùng lõi di tích rồi. “Mảnh ghép” còn thiếu, chúng tôi nghĩ, chính là một không gian văn hoá ở vùng đệm dưới chân núi Yên Tử.
Bao nhiêu năm nay, ngoài những người hiểu biết và có chính tín, vẫn không ít người quen đi chùa Yên Tử theo nếp cũ, chỉ chú trọng làm lễ, cúng bái cầu xin, rồi quay về ngay. Nhiều người còn chưa hiểu hết các giá trị cốt lõi sâu xa của di sản Yên Tử. Vì vậy, chúng tôi muốn làm một nhịp cầu kết nối thông qua một không gian văn hoá với các hoạt động thực hành, trải nghiệm, tu học… giúp người ta tiếp cận từng bước và hiểu hơn về đạo của người xưa, từ đó hiểu đúng hơn gốc rễ việc tu là ở tâm mình, sửa đổi tâm mình theo lời dạy của tiền nhân. Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm ra đời từ nhận thức đó.
- Có ý kiến đánh giá là quần thể Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm mang “hồn Việt - nét Trần và tinh thần thiền Trúc Lâm”. Vì sao Tùng Lâm lại hướng đến và hiện thực hoá những điều có vẻ như xa lạ với kinh doanh này?
+ Tùng Lâm gắn bó với Yên Tử 20 năm nay là một nhân duyên lớn. Lâu nay, chúng tôi luôn muốn tái hiện hồn văn hoá Việt tại đây, khát vọng ấy giống như ngọn đuốc cứ lớn dần lên. Nhưng “hồn Việt” là gì, phải thể hiện như thế nào? Khi bạn đến những không gian “khủng” hoặc kiến trúc ngoại lai, sẽ thấy ấn tượng rất khác, bạn dễ có cảm giác xa lạ, nhỏ bé, thậm chí không còn là mình vì cảnh nuốt mất người. Văn hóa Việt không phải thế, mà đề cao sự khiêm nhường, thân thiện, gần gũi. Với các công trình của Trung tâm Văn hoá Trúc Lâm tại Yên Tử, chúng tôi rất xúc động khi nhiều người đến và bày tỏ cảm xúc là thấy lạ nhưng lại quen, có cái gì gần gũi, thuộc về mình, từ trong ký ức, trong tiềm thức.
Có được cảm xúc đó của khách là quý lắm, bởi hành trình đi tìm “hồn Việt” trong thiết kế của Tùng Lâm đầy gian nan, kéo dài hơn 10 năm trời. Trên hành trình đó, chúng tôi đã làm việc với khoảng 15 kiến trúc sư của ta và cả nước ngoài. Trong đó có rất nhiều kiến trúc sư nổi tiếng mà công trình của họ trải khắp thế giới, như Paul Andreu, Jean François Milou (Pháp), Tadao Ando (Nhật Bản), Colin. K.Okashimo (Singapore)… Mỗi người một phong cách kiến trúc khác nhau, họ thực sự rất tài năng. Tùng Lâm đã ký kết tới 9 hợp đồng nhưng đành bỏ giữa chừng và chấp nhận mất tiền, vì chúng tôi vẫn chưa tìm được điều mình cần.
Chúng tôi cứ đi tìm mãi như thế, rồi tôi nghe đến kiến trúc sư Bill Bensley người Mỹ. Nhìn hình ảnh các kiến trúc của ông ấy, tôi nhận ra ông ấy đã tái hiện được cái hồn văn hoá của mỗi đất nước qua các công trình, mà tôi thì đang đi tìm một kiểu kiến trúc thể hiện được “hồn Việt”. Tôi chợt nhận ra “mảnh ghép” cuối cùng đã tìm kiếm lâu nay.
Khi ông ấy trình bày các bản vẽ ý tưởng thiết kế của mình, chúng tôi nhìn đâu cũng thấy phảng phất hình ảnh tháp Tổ từ bức tường dày, cửa vòm đến mái ngói mũi sen có độ võng thời gian. Những đường nét đơn giản, mộc mạc lại rất khoẻ khoắn. Bill Bensley đã chớp được cái hồn của văn hóa dân tộc nơi đây đưa vào thiết kế của mình, bởi tháp Huệ Quang là công trình nguyên gốc duy nhất còn lại từ thế kỷ XIII trên núi Yên Tử. Và ông ấy lấy những đường nét đặc trưng từ bức tường bao quanh tháp để tái hiện lên một tổ hợp công trình chứ đâu có xa lạ gì.
Song ông ấy là người Mỹ, không dễ để ông ấy tiếp cận và nắm được các yếu tố văn hóa truyền thống và Phật giáo ở nước ta. Tùng Lâm đã bổ sung cho ông ấy những khuyết thiếu đó, đồng sáng tạo với Bill Bensley và đội của ông. Không gian tổng thể, vị trí các công trình hiện giờ đã có nhiều điều chỉnh, rất khác so với phương án ban đầu - khi ông ấy sắp xếp các công trình theo kiểu resort với sự ưu tiên các yếu tố cảnh quan tự nhiên. Chúng tôi giúp ông ấy cân bằng lại các yếu tố, sắp xếp lại theo văn hoá Việt và yêu cầu của một điểm đến như Yên Tử.
Ban đầu, Bill Bensley chỉ định lựa chọn vật liệu có sẵn trên thị trường, song ông đặc biệt hài lòng với hầu hết vật liệu chúng tôi nghiên cứu và đặt làm riêng từ các làng nghề thủ công của Việt Nam. Chúng tôi cũng tham gia cùng Bill Bensley vào quy hoạch, sắp xếp để đảm bảo yếu tố vận hành cho phù hợp và hài hòa với các dòng khách khác nhau từ khách hành hương đến khách nghỉ lại làng Nương và Legacy Yên Tử.
Kiến trúc nơi đây đã hàm chứa giá trị văn hoá Việt rồi. Bạn để ý sẽ thấy, tổng thể khá hoành tráng, nhưng được phân nhỏ ra, khi nhìn từ trên cao sẽ thấy các lớp mái xếp chồng lên nhau và khi bạn đến mỗi một không gian thì cảm thấy vừa phải, nó không nuốt mình. Ngoài ra yêu cầu còn là thể hiện được tinh thần Thiền của người Việt - sự đơn giản, mộc mạc, mạnh mẽ, gần gũi và hoà hợp với thiên nhiên. Điều này chúng tôi tự học hỏi, tìm hiểu mà ngộ ra, và phần nhiều là nhờ sự chỉ giáo từ các vị cao tăng. Cứ như thế “hồn Việt” và “tinh thần thiền Trúc Lâm” qua “nét Trần” cứ ngấm dần vào các công trình. Để truyền tải dụng ý này, các giải pháp kiến trúc được áp dụng rất tốt.
- Các loại hình du lịch văn hoá vốn sinh lợi chậm nhưng xem ra chiến lược đầu tư tại Yên Tử của doanh nghiệp rất dài hơi?
+ Làm văn hóa là một sự nghiệp dài lâu. Quần thể Trung tâm Văn hoá Trúc Lâm hiện vẫn đang được tiếp tục hoàn thiện, còn những công trình, sản phẩm chưa thật ưng ý, vẫn cần sáng tạo thêm nữa. Kỳ vọng với Yên Tử của Tùng Lâm còn nhiều lắm…
Hai năm nay ngành du lịch, dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng cũng phải thấy rằng, Yên Tử vẫn đang trụ vững, mỗi khi bớt dịch là lại có khách, du khách chọn ở 2-3 ngày, cảm xúc rất tuyệt vời. Tùng Lâm với các công trình, sản phẩm phục vụ du khách hàm chứa các giá trị văn hoá, đã lan toả được, đem lại những điều tốt đẹp trong cảm xúc của mỗi con người khi tới Yên Tử. Nhiều doanh nhân, du khách đã đi khắp nơi trên thế giới rồi mà đến đây vẫn rất cảm xúc, đi về họ lại quay trở lại, rồi đưa thêm bạn bè, hội nhóm mới hoặc gia đình, cơ quan… Vậy nên, chúng tôi có niềm tin rằng con đường, hướng đi mà Tùng Lâm đã chọn là đúng đắn, là có giá trị lâu dài.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Ngọc Mai (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()