Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 18:45 (GMT +7)
Tươi đẹp vùng biên viễn Bình Liêu
Thứ 2, 13/11/2023 | 07:55:23 [GMT +7] A A
Bình Liêu là huyện miền núi, dân tộc, biên giới, có trên 94% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trước đây thuộc một trong những huyện nghèo nhất tỉnh bởi địa hình chia cắt, hạ tầng giao thông yếu kém, trình độ dân trí thấp, số hộ nghèo, hộ cận nghèo cao... Những năm qua được sự quan tâm của tỉnh, huyện tập trung huy động mọi nguồn lực, đổi mới, sáng tạo, triển khai có hiệu quả các giải pháp phù hợp. Nhờ đó hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện, văn hóa, văn nghệ giàu bản sắc dân tộc, đời sống của người dân được nâng lên.
Thôn nghèo thành điểm du lịch hấp dẫn
Thôn Nà Ếch (xã Húc Động) đang vào vụ gặt. Hôm chúng tôi đến, ruộng của hộ chị Sần Thị Cam đến lượt gặt đổi công. Nà Ếch năm nay được mùa lúa. Dưới những động tác gặt hái nhanh gọn, những bông lúa chín trĩu hạt trên ruộng nhà chị Cam được thu gọn lại, bó thành bó, chất thành đống… Tiếng nói cười của các chị em thợ gặt Nà Ếch rộn ràng một góc chân núi.
Đi cùng tôi xuống Nà Ếch, anh Trần Quốc Khánh, cán bộ Văn phòng UBND huyện, từng có thời gian dài làm thầy giáo “cắm bản”, cho biết: "10 năm trước, thôn chưa có nhà ngói đỏ, chưa có ti vi màu. Một số hộ ven suối sử dụng thủy điện nhỏ để chiếu sáng. Người già, trẻ con phần lớn không đọc thông, viết thạo; việc huy động trẻ đến lớp đúng độ tuổi rất khó khăn…".
Nà Ếch hiện có diện mạo đổi thay hoàn toàn. Thôn là trung tâm nghề truyền thống sản xuất miến dong của huyện với 4 HTX quy mô lớn và nhiều xưởng sản xuất nhỏ. Thôn có nhiều nhà ngói đỏ, nhà mái Thái, nhà cao tầng; có hộ mua được xe ô tô… Người dân Nà Ếch giờ đây luôn tự tin, sáng tạo, chăm chút cho những chân ruộng lúa, ngô, dong riềng, những rừng quế, hồi, thông nhựa…, là nguồn thu nhập đáng kể của gia đình.
Nhờ những thôn “hạt nhân” như Nà Ếch, xã Húc Động lần lượt thoát xã nghèo 135, đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao; thu nhập của người dân xã hiện là 66 triệu đồng/người/năm. Húc Động còn là nơi khởi nguồn bóng đá nữ dân tộc Sán Chỉ, nổi tiếng của huyện. Những cô gái Sán Chỉ váy đen, áo xanh thoăn thoắt cấy hái trên đồng ruộng, trở thành cầu thủ mạnh mẽ, khéo léo trên sân cỏ, cuốn hút người xem.
Húc Động hiện có 3 đội bóng đá nữ chia theo lứa tuổi. Đây là lực lượng thường trực tham dự các giải giao hữu, thi đấu bóng đá với các thôn, xã trên địa bàn huyện, các huyện lân cận; thi đấu biểu diễn với các đơn vị du lịch khi có nhu cầu, trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo của xã, góp phần phát triển chiến lược du lịch cộng đồng của xã, gắn văn hoá bản địa với cảnh quan thiên nhiên núi rừng, khe thác kỳ thú.
Thôn Khe O (xã Lục Hồn) từng là trọng điểm ô nhiễm môi trường nông thôn. Chưa đến 40 nóc nhà, nhưng lúc cao điểm Khe O có đến 120 con trâu, bò, chuồng trại để sát nhà ở. Người dân có thói quen phơi phân gia súc, sân nhà làm nơi chứa chất thải, khiến không gian toàn thôn ngập tràn ruồi muỗi và mùi hôi hám.
Từ những nỗ lực rất lớn của huyện, Khe O đã có “chung cư” cho trâu bò, là những dãy chuồng được xây dựng tập trung, cách xa khu dân cư. Chất thải chăn nuôi được bà con thu dọn về cánh đồng, sử dụng chế phẩm để hoai ủ, phục vụ cấy trồng. Đồng ruộng Khe O tươi tốt; hệ thống ruộng bậc thang người dân chỉ sử dụng để trồng lúa. Mùa lúa chín, Khe O đẹp như bức tranh. Đây là lý do mà gần đây huyện Bình Liêu chọn Khe O là một điểm đến trong khuôn khổ Lễ hội mùa vàng. Từ một "điểm nóng" về ô nhiễm môi trường nông thôn, Khe O nay trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách.
Lớp người trẻ Khe O đã bước đầu nắm bắt sự chuyển mình của địa phương để tạo cho mình cơ hội phát triển kinh tế. Trưởng thôn Khe O Choỏng Quay Sinh giờ là cộng tác viên du lịch của huyện. Anh thường xuyên hỗ trợ các đoàn khách đến thôn tìm hiểu văn hoá bản địa. Thời điểm chúng tôi đến Khe O, anh vừa hỗ trợ đôi vợ chồng trẻ người Hạ Long cắm trại trải nghiệm nghỉ đêm giữa những chân ruộng lúa vàng của thôn. Theo anh Choỏng Quay Sinh, dù là chỉ mới bắt đầu, song công việc cộng tác viên du lịch mang lại niềm vui, sự tự hào về Khe O, về quê hương Bình Liêu trong anh…
Đặt trong cơ hội phát triển mới
Cùng với Nà Ếch, Khe O, những thôn, bản một thời gắn với cái nghèo khó, cái lạc hậu của huyện, giờ đều thay đổi diện mạo. Quá trình 12 năm xây dựng NTM đã tạo ra những nguồn lực mới để huyện phát triển.
Huyện xây dựng, quản lý quy hoạch chung xây dựng NTM ở 100% các xã, thị trấn. Trên 431km đường giao thông được xây mới hoặc nâng cấp, trong đó có 102km đường huyện, còn lại là đường trục xã, thôn, ngõ xóm, đường nội đồng. Các tuyến đường được đầu tư đồng bộ, nền đường rộng, được cứng hóa, nhựa hóa, bê tông hóa.
Toàn huyện có 163 công trình thủy lợi đều được đầu tư xây kiên cố, góp phần phục vụ sản xuất nông nghiệp, cấp nước sạch và cắt lũ vào mùa mưa. Năm 2022 huyện tưới, tiêu chủ động 3.327ha, bằng 94,5% tổng diện tích canh tác. Điện lưới quốc gia đã về với 100% hộ gia đình. Trung tâm các xã, đường trục thôn, xóm đều có hệ thống điện chiếu sáng.
Đến hết năm 2022 huyện có 22/22 trường học đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1, 2; 6/6 xã có hội trường đa năng và sân thể thao, có các điểm, khu vực vui chơi giải trí và thể thao; 86/86 thôn, bản có nhà văn hóa. 3 chợ xã Húc Động, Hoành Mô, Đồng Văn đáp ứng tiêu chí về mặt bằng, diện tích, kết cấu và kỹ thuật công trình… phục vụ tốt nhu cầu mua bán của người dân. Huyện có 8 điểm giao dịch, 1 điểm bưu cục, 7 điểm phục vụ bưu chính; các xã đều có dịch vụ viễn thông, internet, trạm phát sóng, đài truyền thanh, hệ thống loa đến các thôn, bản ngày ngày chuyển tải thông tin đến người dân.
Giai đoạn trước năm 2020, huyện đã thực hiện hỗ trợ xây, sửa chữa nhà ở cho 403 hộ thuộc đối tượng người có công, tổng kinh phí 15 tỷ đồng. Anh ơi, anh sửa cụm câu này hộ em nhé. Từ năm 2022 đến nay, từ nhiều nguồn vốn, 665 hộ nghèo được hỗ trợ cải thiện nhà ở, tổng kinh phí 22,7 tỷ đồng. Trong đó riêng trong năm 2023, 19/19 nhà dột nát cuối cùng tính đến thời điểm này cũng đã được hỗ trợ xây, sửa bằng nguồn kinh phí thuộc chương trình xoá nhà tạm. Hiện nay huyện không còn nhà ở tạm, dột nát.
Từ những công trình hạ tầng được đầu tư mới, nâng cấp, Bình Liêu hình thành vùng sản xuất tập trung, phát triển mô hình sản xuất có liên kết, như: 345ha cây dong riềng, trên 7.000ha cây hồi, trên 400ha cây sở, trên 12.000ha cây thông... Các mô hình liên kết thu mua củ dong, chế biến mật ong, phát triển sản phẩm OCOP… đã thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, nâng cao thu nhập cho nông dân. Bình Liêu hiện có 27 sản phẩm OCOP, trong đó sản phẩm miến dong đạt 4 sao; trên 30 hộ thực hiện dự án chăn nuôi tập trung quy mô lớn; khoảng 18ha NTTS, sản lượng gần 100 tấn/năm. Khoảng 10 năm gần đây, các hộ trồng mới được trên 4.000ha rừng, riêng năm 2022 trồng được 750ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 67,4%.
Năm 2022 giá trị sản xuất của huyện đạt 448 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 80 triệu USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 401 tỷ đồng; doanh thu vận tải và bốc xếp, lưu thông hàng hóa đạt 239 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 1.097 tỷ đồng.
Huyện xác định du lịch là ngành có thế mạnh phát triển, nên đã có những quyết sách riêng cho lĩnh vực này. Huyện hình thành 3 tuyến, 7 điểm du lịch hấp dẫn. Giai đoạn 2015-2020, Bình Liêu đón 363.000 lượt du khách, trong đó 25% khách lưu trú, tổng doanh thu trên 99 tỷ đồng; năm 2022 đón 100.000 lượt du khách, trong đó 40% khách lưu trú, tổng doanh thu 53 tỷ đồng. Hình ảnh mảnh đất, con người Bình Liêu đã được quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước.
Sản xuất phát triển, thu nhập người dân huyện hiện đạt 62,9 triệu đồng/người/năm. Đến hết năm 2022 huyện còn 11 hộ nghèo (0,14%), 82 hộ cận nghèo (1,05%); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 82,3%, người dân tham gia BHYT đạt 97%, có sổ khám chữa bệnh điện tử đạt 80,17%.
Nhận thức và hành động về bảo vệ môi trường của người dân được nâng lên, sôi nổi tham gia phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, “5 không 3 sạch”, tích cực phân loại rác từ nguồn, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh… Người dân sử dụng nước sạch, trong đó trên 50% hộ sử dụng nước sạch từ 27 công trình cấp nước tập trung; diện tích đất cây xanh vùng nông thôn là 87.504m2, bình quân 3,5m2/người; 90% hộ dân có nhà tiêu, nhà tắm đảm bảo 3 sạch…
Trên cơ sở những kết quả đang có, huyện tiếp tục thi đua phát triển kinh tế, làm giàu, đẹp vùng quê nông thôn; lấy sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, thân thiện với môi trường làm nền tảng, gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ nông thôn, phù hợp với quá trình đô thị hóa. Đây là tiền đề để Bình Liêu được đặt trong cơ hội phát triển mới, hướng tới trở thành địa phương phát triển KT-XH gắn với đảm bảo vững chắc QP-AN ở mức cao hơn, khai thác hiệu quả KKT Cửa khẩu biên mậu Hoành Mô - Động Trung là trung tâm du lịch trải nghiệm văn hoá đặc sắc.
Việt Hoa
- Bình Liêu: Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc
- MTTQ huyện Bình Liêu: Tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội
- Sức mạnh từ tổ tự quản đường biên, cột mốc biên giới ở Bình Liêu
- Bình Liêu: Nâng cao các tiêu chí nông thôn mới
- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh dự sinh hoạt chi bộ thôn Bản Chuồng, xã Lục Hồn (huyện Bình Liêu)
- Bình Liêu: Tập trung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục
- Tuyên truyền giáo dục về an toàn giao thông cho học sinh Trường THPT Bình Liêu
Liên kết website
Ý kiến ()