Tất cả chuyên mục

Đầu năm nay, tác giả thơ Xuân Hương, thành viên CLB Thơ Bạch Đằng Giang, TX Quảng Yên đã trình làng tập thơ “Tuổi hồng” (Nxb. Hội nhà văn, 2017). Đây là tập thơ thứ ba của Xuân Hương.
![]() |
“Tuổi hồng” là tiếng nói tuổi thơ, thứ tiếng nói không bao giờ mất đi kể cả khi con người ta đã lớn, rồi lập gia đình, chuyển đến nơi khác sinh sống, làm ăn. Phải chăng là thế mà mở đầu cho tập “Tuổi hồng” là bài thơ “Lời ru”: “Vi vu cao ngút trời mây/ Lời ru của mẹ như làn gió lay/ Đêm trời từng ánh sao bay/ Mắt con lóng lánh thơ ngây diệu kỳ/ Hàng my con chớp xinh xinh/ Lắng nghe tiếng mẹ à ơi giấc hồng/ Con ngoan con ngủ đi nào/ Bao nhiêu yêu dấu ngọt ngào là con/ Mai sau con đã lớn khôn/ Như mầm lúa mới mẹ ươm tháng ngày/ Con ơi con ngủ cho say/ Lời ru của mẹ à ời bên con”. Đó là sự kết nối thiêng liêng của ấu thơ, của mảnh đất quê hương, mà đại diện không thể nào khác hơn là người mẹ đã tác động lên tác giả như thế nào. Tác giả dù đi đến đâu cũng nhớ cha, hình ảnh người chiến sĩ hải quân một thời binh lửa: “Cha ngoài mặt trận xa xôi/ Làm anh bộ đội bồi hồi nhớ con”. Và đặc biệt hơn là nỗi nhớ về mẹ, với lời ru, dòng sữa mát lành nuôi con khôn lớn lên người.
Hình ảnh người mẹ cũng chính là hình ảnh xuyên suốt tập thơ. Mẹ là nơi “Bắt nguồn” tất cả mọi thứ con có được hôm qua, hôm nay và ngày mai: “Ngọt ngào từ búp măng non/ Mọc trong lòng đất vươn cao thẳng trời/ Cuộc đời của mẹ vuông tròn/ Từ nơi bầu sữa nuôi con nên người”. Hay mẹ chính là “Cội nguồn”, biển rộng lớn đã được ví với lòng mẹ: “Biển khơi rào rạt bao la/ Mà lòng mẹ chở muôn vàn yêu thương”. Và rồi “Bắt đầu ngày mới”, bắt đầu khám phá cuộc sống đầy màu sắc xung quanh cũng vẫn mẹ là người dẫn dắt: “Buổi sáng tinh mơ/ Giọt sương trên cành/ Bầu trời xanh lơ/ Em vào hỏi mẹ/ Mẹ cười khẽ nói/ Yêu quá là yêu/ Con gái biết không/ Bắt đầu ngày mới...” Cũng trong bài thơ, người mở cho con chân trời của tri thức cũng là mẹ: “Theo mẹ đến trường/ Bên đường hoa nở/ Kìa con bướm vàng/ Trong khung trời mới”. Mẹ còn là người phát hiện, hướng dẫn, đồng cảm với con những rung động “Tuổi hồng”: “Mẹ tết đuôi sam cài nơ hồng/ Bàn tay của mẹ tựa hoa sen/ Man mát lòng con cơn gió nhẹ/ Trở đầy năm tháng những ngọt lành”. Mẹ là người giải đáp cho con mọi thắc mắc ngây ngô đầu đời trong “Con muốn hỏi vì sao”: “Con muốn hỏi mẹ ơi/ Sao bầu trời xanh thế/ Lại có áng mây trôi/ Và có mưa có gió...” và câu trả lời đầy dí dỏm của người mẹ: “Ông trời là thượng đế/ Tạo ra muôn cỏ cây/ Tạo ra muôn vạn vật/ Cùng mặt đất sinh sôi/ Loài người ta cùng ở/ Có cửa nhà bờ ao/ Có dòng sông bến chợ/ Có cội nguồn ca dao...” Con không lúc nào phải lo sợ trước bất cứ điều gì vì luôn luôn có mẹ bên cạnh. Mẹ dõi theo con cả trong “Giấc mơ hồng”: “Con hôn lên má mẹ/ Một nụ hồng yêu thương...”. Cho đến khi con thức dậy, mỗi “Ban mai hồng” là mỗi khởi đầu vui: “Buổi sáng em thức dậy/ Ban mai hồng trên tóc/ Mặc áo và đeo giầy/ Hôn mẹ nụ cười yêu”. “Niềm vui của mẹ” từ lúc nào chính là khi thấy con vui cười, rạng rỡ: “Niềm vui của mẹ đặt trong con/ Những phút yêu thương tựa đỉnh non/ Vòm trời che chở đời của mẹ/ Để sinh con ra được vuông tròn”.
Và con cũng “Tự hào” khi có mẹ: “Mẹ tặng con một nụ hôn nồng/ Niềm tự hào mẹ đã thành công/ Bởi con ngọn đuốc trong hy vọng/ Cánh cửa tương lai giấc mơ hồng”. Để rồi dù có chia xa, “Mẹ” vẫn nguyên vẹn tình yêu trong con. Mẹ của hoá thân vào đồng đất, cảnh vật quê hương: “Mẹ mênh mông cánh đồng/ Bắt đầu từ nguồn sữa/ Bắt đầu từ rạng đông/ Bắt đầu gió giao mùa/ Nuôi con thành khôn lớn/ Mang hạt giống quê hương/ Tương lai con sáng ngời/ Một bầu trời mơ ước”. Và cũng chính mẹ là hình ảnh khép lại tập thơ. Mẹ khi này đã thành bà, mẹ truyền tình yêu của mình cho một người mẹ khác là con. Để con lại trở về cánh đồng tươi tốt của mẹ, nơi có “Mầm ươm” mới trong con: “... Vươn sự sống ươm mầm non trẻ/ Đón cuộc đời huyết thống của Cha/ Là mạch nguồn thương yêu của Mẹ”.
Có thể nói tập thơ “Tuổi hồng” là tập thơ về mẹ và đất mẹ, nơi lưu giữ tình yêu, hồn người và thẳm sâu là cội nguồn truyền thống văn hoá Việt từ ngàn xưa đến nay. Với Xuân Hương, chúng ta đón đợi tập thơ tiếp theo của chị để tiếp tục được đồng hành và yêu thương qua từng lời thơ, từng con chữ của người con Bạch Đằng Giang.
Đinh Phương (CTV)
Ý kiến (0)