Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:27 (GMT +7)
Tuyển dụng thợ lò, cách làm của Than Mông Dương
Thứ 6, 24/11/2023 | 13:39:59 [GMT +7] A A
Những năm gần đây, tình hình tuyển dụng lao động hầm lò ở Công ty CP Than Mông Dương khá thuận lợi. Đặc biệt, từ tháng 8 năm nay, mỏ này đã ngừng tuyển dụng lao động hầm lò theo chỉ tiêu năm 2023, do số lượng tuyển đã vượt kế hoạch. Điều này cho thấy sức hút của mỏ và hiệu quả từ những chính sách chăm lo cho người lao động mà Than Mông Dương triển khai trong thời gian qua.
Từ lâu, những vị lãnh đạo của Công ty CP Than Mông Dương đã trở thành các đối tác quen thuộc với chính quyền huyện Đầm Hà. Họ gặp nhau mỗi tháng một đôi lần để bàn về chuyện phối hợp tuyển dụng lao động địa phương đi làm công nhân ở mỏ Mông Dương. Và hầu như lần nào mỏ cũng "được việc", bởi số lao động phù hợp để tuyển dụng ở địa phương này khá dồi dào. Giới thiệu lao động địa phương đi làm thợ lò, chính quyền địa phương cũng rất yên tâm vì đời sống những gia đình có con em là công nhân mỏ ở đây đều khá lên trông thấy.
"Đến nay, số lao động là người địa phương đi làm thợ lò cho Công ty Than Mông Dương có 142 người. Những gia đình có người làm thợ mỏ đời sống kinh tế đều khá và ổn định. Chúng tôi đang có kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với doanh nghiệp để định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm cho lao động địa phương để đảm bảo an sinh xã hội" - ông Nguyễn Văn Tuy, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đầm Hà, cho biết.
Không riêng Đầm Hà, những huyện miền Đông của Quảng Ninh gồm Bình Liêu, Ba Chẽ, Hải Hà, Tiên Yên đều có phần đông lao động làm công nhân mỏ Mông Dương. Thống kê của Phòng Tổ chức nhân sự công ty cho thấy, tính từ năm 2018 đến nay, khi Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh có chủ trương khuyến khích các mỏ khai thác thị trường lao động trong tỉnh, Than Mông Dương đã tuyển dụng đều đặn hàng nghìn công nhân mỗi năm.
Theo ông Trần Đình Ánh, Phó Trưởng phòng Tổ chức nhân sự Công ty, hầu hết số lượng tuyển dụng năm sau đều cao hơn năm trước từ 5-10%. Đáng chú ý, tỷ lệ công nhân bỏ việc ngày càng giảm. 9 tháng năm 2023, tỷ lệ công nhân chấm dứt hợp đồng lao động giảm 36% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khoảng 5 năm gần đây, chúng tôi luôn đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ sản xuất. Công ty cũng có nhiều kế hoạch đào tạo lại để nâng cao trình độ cho thợ lò, sẵn sàng chuẩn bị lao động công nghệ cho các dự án khai thác xuống sâu bằng cơ giới hóa hiện đại trong giai đoạn tới.
Khi bài toán tuyển dụng lao động hầm lò đã được giải, những người lãnh đạo Than Mông Dương tính ngay đến những chính sách hấp dẫn nhất để giữ chân thợ lò lâu dài. Việc đầu tiên Công ty làm ngay và làm quyết liệt, đó là cải thiện điều kiện đi lại cho thợ lò, nhất là đi lại giữa nơi ở và nơi làm việc.
Gần 10 năm gắn bó với mỏ Mông Dương, ngày ngày, thợ lò Vi Văn Minh, người Đầm Hà đều được xe công ty đưa đi làm và đón về nhà. Đặc biệt, từ đầu tháng 11 năm nay, Công ty Than Mông Dương đã nâng cấp điều kiện đi lại cho công nhân khu vực miền Đông của tỉnh, bằng cách thuê thêm 4 xe giường nằm phục vụ người lao động. "Công việc thợ lò tuy có vất vả, nặng nhọc, nhưng việc đi lại của chúng tôi được Công ty rất quan tâm. Giờ đây mỗi khi tan ca, lên xe là chúng tôi được ngả lưng thoải mái, ngủ một giấc về đến tận nhà. Sức khỏe được đảm bảo nên thu nhập của tôi cũng đều đặn từ 20-22 triệu đồng/tháng. Năm 2021 tôi đã xây được nhà mới khang trang" - thợ lò Vi Văn Minh, Phân xưởng Khai thác 8 chia sẻ.
Cũng chung suy nghĩ với anh Vi Văn Minh, thợ lò Hoàng Đình Dũng, Phân xưởng Đào lò 4 cho biết: Tan ca, ăn cơm xong, lên xe là chúng tôi chỉ muốn ngủ. Xe đưa đón công nhân của Công ty bây giờ rất hiện đại, có ghế ngả ra thành giường nằm thoải mái, ai cũng thích.
Câu chuyện đưa đón công nhân tưởng chừng bình thường này là "bí quyết" để Than Mông Dương giữ chân người lao động trong suốt những năm qua. Tính từ khi bắt đầu tăng cường khai thác thị trường lao động miền Đông tỉnh Quảng Ninh, Than Mông Dương cũng đồng thời đầu tư nâng cao chất lượng đi lại cho thợ lò. Từ những chuyến xe ghế cứng đầu tiên, đến loại có ghế ngả 45 độ, điều hòa mát lạnh, tivi phục vụ công nhân suốt hành trình; đến nay, công ty đã thuê thêm 4 xe giường nằm hai tầng, đầy đủ tiện nghi hiện đại. Tới đây, mỏ dự định sẽ tăng cường thêm các chuyến xe giường nằm phục vụ tuyến miền Đông.
Đồng thời với việc giải quyết tốt nhu cầu đi lại của công nhân mỏ, Than Mông Dương đã nỗ lực cơ giới hóa tối đa các khâu sản xuất than để giảm tải sức lao động thủ công cho thợ lò. Đối với việc xây dựng quy chế, quy định về tiền lương và chế độ chính sách, công ty luôn đảm bảo khuyến khích, tạo động lực tăng năng suất, tăng thu nhập cho người lao động. Từ đầu năm 2023 đến nay, bình quân thu nhập khối thợ lò của Công ty đạt trên 22,7 triệu đồng/người/tháng, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2022.
Nếu so sánh về điều kiện làm việc và tiền lương, Mông Dương không phải mỏ đứng nhất ở vùng Quảng Ninh này. Nhưng nếu so về điều kiện đãi ngộ, đặc biệt là những chế độ chăm lo cho việc đi lại, ăn, ở của công nhân mỏ, Mông Dương đang là một trong những mỏ top đầu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Điều quan trọng với Than Mông Dương là làm thế nào để mãi duy trì sức hút với những người thợ mỏ, để nhịp sản xuất ở đây luôn sôi động, những dòng than luôn tuôn chảy phục vụ nền kinh tế đất nước.
Hoàng Yến
Liên kết website
Ý kiến ()