Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 21/12/2024 21:53 (GMT +7)
Tuyển dụng thợ lò: Cách làm của Than Mông Dương
Thứ 6, 20/12/2024 | 15:21:37 [GMT +7] A A
Nếu so sánh về điều kiện làm việc và bình quân tiền lương, Than Mông Dương không phải mỏ đứng thứ nhất ở vùng Quảng Ninh này. Nhưng nếu so về điều kiện đãi ngộ, đặc biệt là những chế độ chăm lo cho việc đi lại, ăn, ở của công nhân mỏ, Mông Dương đang là một trong những mỏ top đầu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Đây cũng là một trong những lý do giúp một mỏ nằm ở điểm cuối của dải than vùng Cẩm Phả luôn đảm bảo nguồn nhân lực hầm lò phục vụ sản xuất.
Anh Vi Văn Minh, quê ở huyện Đầm Hà, làm thợ cơ điện lò ở Công ty CP Than Mông Dương đã hơn 10 năm nay. Là thợ cơ điện lò, tuy không trực tiếp khai thác ra những tấn than, nhưng công việc của Minh góp phần quan trọng để đảm bảo sản xuất thông suốt, an toàn cho cả phân xưởng Khai thác 8. Minh cũng là một trong những thợ lò đạt ngày công cao nhất, nhì phân xưởng.
Hơn 10 năm gắn bó với mỏ, anh Minh hiểu rằng, nghề này vốn chỉ nhờ chăm chỉ, người lao động đã có thể thu nhập cao và ổn định. Tuy không làm ở vị trí thợ khai thác, nhưng thu nhập của Vi Văn Minh cũng từ 18-20 triệu đồng/tháng. "Đã từng cuốc đất, trồng rau, làm thuê làm mướn kiếm sống qua ngày, tôi rất hiểu, ở thôn Tân Mai quê tôi, chẳng nghề lao động chân tay nào cho thu nhập cao đến thế" - thợ lò Vi Văn Minh chia sẻ.
Câu chuyện đổi đời của thợ lò Vi Văn Minh quê Đầm Hà cũng là hướng đi đúng mà thợ lò Trần Văn Dũng quê Bình Liêu lựa chọn từ nhiều năm trước.
Dũng sinh năm 1996, quê ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, làm thợ lò của Công ty CP Than Mông Dương từ năm 2018. Chỉ sau 4 năm đi làm thợ lò, với mức thu nhập bình quân hơn 20 triệu đồng/tháng, Dũng đã có thể xây được nhà mới cho bố mẹ và vợ con, thay thế nhà đất cũ nát trước đó. Câu chuyện anh Dũng đi làm thợ lò và trở nên khấm khá, ở khu Co Nhan, thị trấn Bình Liêu này ai cũng biết và mừng cho anh.
Từ năm 2018 đến nay, Công ty CP Than Mông Dương - Vinacomin đã tập trung khai thác thị trường lao động ở khu vực miền Đông của tỉnh Quảng Ninh, chủ yếu ở các huyện như Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm Hà. Đây là những khu vực dồi dào nguồn lao động trẻ, có thể lực tốt và có nhu cầu việc làm ổn định. Đặc biệt, điều kiện đi lại giữa các mỏ với nơi cư trú của lao động những địa bàn này thuận tiện hơn so với lao động ngoại tỉnh. Như vậy, thay vì tốn nhiều công sức, tiền của để đi tuyển dụng lao động các tỉnh Tây Bắc như trước kia, thì nay, khai thác thị trường lao động trong tỉnh là một hướng đi mới, một cách làm hiệu quả với doanh nghiệp này.
Sau một thời gian học nghề và sát hạch kỹ năng nghề thực tế, những thanh niên này trở thành thợ lò của Than Mông Dương. Môi trường làm việc có tính tập thể, kỹ thuật công nghệ cao đã giúp họ nhanh chóng xây dựng được ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp. Nhiều thợ lò nhờ chăm chỉ học hỏi đã nhanh chóng lành nghề, trở thành nhân tố quan trọng trong dây chuyền sản xuất của đơn vị.
Thu hút được nhưng phải giữ chân được thợ lò, đó là chủ trương của TKV và Than Mông Dương. Để giữ chân lao động, Than Mông Dương đã tập trung cải thiện điều kiện làm việc, điều kiện đi lại và đáp ứng các phúc lợi ở mức cao cho thợ lò. Riêng việc đi lại, Than Mông Dương đặc biệt đáp ứng nhu cầu được về nhà sau mỗi ca sản xuất của lao động vùng miền Đông. Đây là câu chuyện quyết định đến hiệu quả tuyển dụng và giữ chân người lao động của Mông Dương. Công ty đã bố trí các tuyến xe đưa đón công nhân hàng ngày từ nơi ở đến nơi làm việc.
Ông Nguyễn Tiến Quang, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Than Mông Dương cho biết: Các xe ô tô phục vụ đi lại của công nhân khu vực miền Đông tỉnh đều là xe giường nằm, chất lượng cao, có đủ tiện nghi như nước uống, ghế ngả 180 độ, điều hòa. Đây là đãi ngộ riêng của Công ty nhằm thu hút và giữ chân lao động vùng này.
Đồng thời với việc giải quyết tốt nhu cầu đi lại của công nhân mỏ, Than Mông Dương đã nỗ lực cơ giới hóa tối đa các khâu sản xuất than để giảm tải sức lao động thủ công cho thợ lò. Đối với việc xây dựng quy chế, quy định về tiền lương và chế độ chính sách, công ty luôn đảm bảo khuyến khích được người lao động, tạo động lực tăng năng suất, tăng thu nhập cho người lao động. Tiêu biểu đơn vị đã áp dụng trả lương theo vị trí việc làm, sản phẩm làm ra gắn với ngày công, năng suất lao động, hiệu quả công việc, không hạn chế mức tiền lương tối đa. Các chế độ thưởng, khuyến khích tiền lương đều gắn với ngày công lao động, năng suất lao động, không thưởng tràn lan, cào bằng, bình quân nhằm minh bạch các khoản và tạo không khí thi đua phấn đấu ở từng vị trí làm việc.
Với cách làm này, trong 5 năm qua, Than Mông Dương đã tuyển dụng đều đặn hàng nghìn công nhân mỗi năm. Hầu hết số lượng tuyển dụng năm sau đều cao hơn năm trước từ 5-10%. Đáng chú ý, tỷ lệ công nhân bỏ việc ngày càng giảm.
Hoàng Yến
Liên kết website
Ý kiến ()