Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 04/01/2025 06:16 (GMT +7)
Tuyển sinh đại học năm 2023: Lưu ý với xét tuyển bằng học bạ
Thứ 6, 10/03/2023 | 14:01:22 [GMT +7] A A
Hệ thống học bạ điện tử hiện chưa được cập nhật đồng bộ trên toàn quốc, có trường đã áp dụng nhưng có trường chưa được triển khai. Đến nay nhiều trường vẫn yêu cầu thí sinh sử dụng học bạ giấy để tuyển sinh nhằm tránh sai sót.
Lo học bạ điện tử lệch với học bạ giấy
Thời điểm này, nhiều trường đại học, cao đẳng đã thông báo chỉ tiêu và phương án tuyển sinh của trường năm 2023. Trong đó, đối với phương án xét tuyển bằng kết quả học tập THPT (xét tuyển học bạ), nhiều trường yêu cầu thí sinh phải nộp bản photo học bạ THPT công chứng trong hồ sơ xét tuyển.
Đơn cử, trong thông báo của Trường ĐH Nông lâm TPHCM, nhà trường dự kiến dành khoảng 30 - 40% tổng chỉ tiêu xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc THPT. Hồ sơ xét tuyển bao gồm: Đơn đề nghị xét tuyển (theo mẫu của trường); bản sao học bạ THPT (từ học kỳ 1 lớp 10 đến học kỳ 1 lớp 12 đối với thí sinh tốt nghiệp năm 2023, hoặc từ học kỳ 1 lớp 10 đến học kỳ 2 lớp 12 đối với thí sinh tốt nghiệp năm 2022 trở về trước khi đăng ký xét tuyển vào các phân hiệu); bản sao giấy khai sinh; bản sao căn cước công dân/mã định danh; bản sao các giấy tờ chứng nhận ưu tiên.
Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã kết thúc tuyển sinh trình độ ĐH đợt 1 năm 2023 theo 2 phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực do trường tổ chức và xét tuyển thẳng theo đề án của trường. Trong đó, hồ sơ cần nộp có yêu cầu phải scan hoặc chụp ảnh và tải lên hệ thống học bạ THPT lớp 10, 11, và học kỳ 1 lớp 12. Đối với các thí sinh tốt nghiệp trước năm 2023, thí sinh cần nộp thêm bản sao phiếu báo điểm thi đại học (ĐH) vào năm tốt nghiệp THPT và bản sao bằng tốt nghiệp THPT.
Tương tự, nhiều trường ĐH khác cũng thông báo nhận hồ sơ xét tuyển ĐH hệ chính quy năm 2023 bằng học bạ THPT, như Trường ĐH Điện lực, Trường ĐH Kinh tế kỹ thuật - Công nghiệp, Trường ĐH Phenikaa…
Lý giải điều này, các trường đều cho rằng học bạ điện tử vẫn chưa triển khai đến tất cả các trường THPT, nên bên cạnh một số trường đã thực hiện vẫn còn những trường chưa có học bạ điện tử. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi thí sinh và thuận lợi cho công tác xét tuyển, các trường vẫn thu bản sao công chứng học bạ, để tránh về sau thí sinh phải làm đơn phúc tra, phúc khảo vì điểm trên học bạ điện tử và học bạ giấy bị vênh nhau.
Cần sớm đồng bộ học bạ điện tử
Mặc dù hiện nay việc triển khai học bạ điện tử đã được ngành giáo dục khuyến khích thực hiện song chưa phải tất cả các địa phương, nhà trường đều áp dụng. Thậm chí, một số trường cho biết vẫn đang thực hiện sổ điểm điện tử theo hệ thống chung của ngành và duy trì học bạ giấy. Cô giáo Trần Thu Hiền – giáo viên một trường ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, trường cô đã áp dụng học bạ điện tử từ nhiều năm nay. Giáo viên có thể vào điểm ở bất cứ đâu, thông qua máy tính, điện thoại. Quá trình nhập điểm có công đoạn hậu kiểm kỹ lưỡng để tránh sai sót.
Theo TS Quách Tuấn Ngọc - nguyên Cục trưởng Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), việc triển khai học bạ, sổ điểm điện tử đang diễn ra chủ yếu trên quy mô trường hoặc địa phương. Cần thiết để tạo ra một hệ thống trên cả nước, nhưng để vận hành nhịp nhàng một hệ thống với khối lượng dữ liệu lớn cần nhiều năm hoàn thiện.
Để triển khai học bạ điện tử triệt để, giảm bớt các thủ tục hành chính cho giáo viên, đẩy mạnh số hóa trong ngành Giáo dục, các địa phương và nhà trường mong muốn Bộ GDĐT đồng bộ hóa dữ liệu, khắc phục các bất cập về công nghệ để tiến tới ban hành hướng dẫn về quy trình, cách thức quản lý sổ điểm, học bạ điện tử, nhằm tạo thuận tiện cho học sinh, tối giản các thủ tục hành chính. Khi có một hệ thống chung cả nước, các hướng dẫn sẽ thống nhất, tạo sự yên tâm cho địa phương khi sử dụng.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, Cục Công nghệ thông tin và Vụ Giáo dục ĐH đang phối hợp hoàn thiện hệ thống công nghệ, cơ sở dữ liệu. Bộ GDĐT đã hoàn thành, nghiệm thu cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục ĐH và sẽ từng bước kết nối, tích hợp với các cơ sở dữ liệu, nhiệm vụ khác. Để đảm bảo nhất quán, chính xác, ông Sơn yêu cầu các sở GDĐT chỉ đạo hoàn thiện cơ sở dữ liệu cho học sinh, nhất là học sinh lớp 12.
Theo daidoanket.vn
Liên kết website
Ý kiến ()