Tất cả chuyên mục

Với cây bút trên tay, “dân” quay bút có thể chế ra được 500 chiêu quay khác nhau...
Nhóm của Châu là một nhóm nhỏ trong cộng đồng quay bút Việt (VnPSB - Viet Nam Pen Spinning Boar). Vào cuối tuần, các thành viên tập kỹ năng và trao đổi bút cho nhau. Trần Châu là người chuyên “giao dịch” bút cho các bạn mới vào nhóm. Mỗi lần Châu đi tập lại mang theo một giỏ bút, với những kiểu bút độc đáo. Những cây bút dùng để quay có giá từ 7 - 15 USD. Phần lớn là bút được đặt mua từ nước ngoài. Châu cho biết, bút dùng biểu diễn phải tốt. Tức là rơi không bể, dài, cân hai đầu. Thường thì không có cây bút nào mới mua về hai đầu bút cân nhau cả. Châu phải chế lại cho trọng lượng hai đầu bằng nhau.
Trong các nhóm cao thủ quay bút Việt Nam như: Trần Duy (sinh viên trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM), TTT_spiner, TKD (Hà Nội)..., Trần Châu không phải tay vừa. Anh chàng đang tham dự cuộc thi quay bút thế giới qua mạng (thi bằng cách gửi clip tham gia). Điều này, các tay bút xoàng không đủ tự tin nghĩ tới. Châu có tuyệt chiêu quay bút cùng lúc hai tay với những chi tiết phức tạp. Và dù quay với chiêu thức gì đi nữa, anh chàng cũng chú trọng sự mượt mà và tốc độ trong từng chuyển động. Châu cho biết: “Những tay quay bút ở Hàn Quốc thích các chiêu phức tạp. Còn các tay quay bút Việt thích đơn giản nhưng nhanh, mượt”.
![]() |
Trần Châu quay hai tay hai bút cùng lúc |
Không như nhiều trào lưu trò chơi mới của giới trẻ Việt, việc phân bổ của các nhóm quay bút trong cộng đồng VnPSB không chỉ mạnh ở TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng mà còn kéo xuống các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Châu nói: “Trào lưu quay bút của giới trẻ các tỉnh Long An, Vĩnh Long... không thua kém, thậm chí còn mạnh hơn các tỉnh khác trong nước về số lượng và trình độ”. Tuy nhiên, dù ở nơi đâu, trào lưu quay bút cũng không được đón nhận. Vì quay bút thường gắn với trường học. Nó đi vào trong những tiết học như là một thói quen xấu. Ý thức được điều đó, các thành viên quay bút đề ra phương châm không quay bút trong giờ học. Chỉ quay bút cuối tuần để hướng thú chơi giải trí này đến một không gian hợp lý, không ảnh hưởng đến việc học. Như thế, các bạn tạo được sân chơi thể hiện mình lành mạnh mà không sa vào những trò độc hại. Kỳ Khoa (thành viên nhóm quay bút TP.HCM) tâm sự: “Có người lớn hỏi mình, trò này thì có ích gì? Mình không biết trả lời sao cả. Tuy nhiên chỉ biết rằng, mình rất mê.
Từ khi học nó, đôi tay mình trở nên khéo léo hơn. Và bạn thấy rồi đấy, nó lành mạnh và đạt được sự thỏa thích của mình. Vậy thôi!”. Châu, Khoa cũng như các bạn trong diễn đàn quay bút Việt đều đang ý thức thể hiện quay bút là một nghệ thuật. Nó đi cùng chứ không phải là khắc tinh của văn minh học đường.
Ý kiến ()