Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 02:10 (GMT +7)
Tỷ giá dịu đi, thêm dư địa mở rộng chính sách tiền tệ
Thứ 4, 20/12/2023 | 16:18:43 [GMT +7] A A
USD liên tục hạ nhiệt trên thị trường quốc tế sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu có thể đảo chiều lãi suất năm 2024. Tỷ giá trong nước cũng giảm nhiệt, tạo điều kiện cho việc tiếp tục mở rộng chính sách tiền tệ để hỗ trợ thị trường.
USD về đáy 5 tháng, áp lực tỷ giá giảm mạnh
Cuối tuần qua, Chỉ số USD Index giảm về quanh mức 102 điểm - mức thấp nhất trong vòng 5 tháng qua, sau khi Fed thống nhất giữ nguyên lãi suất và dự kiến về ít nhất 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024. Thị trường kỳ vọng, Fed sẽ hạ lãi suất từ tháng 3/2024. Giới phân tích cũng kỳ vọng, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ giảm lãi suất từ năm tới.
Cùng chiều với diễn biến USD thế giới, tỷ giá trong nước cũng hạ nhiệt mạnh. Trong phiên đóng cửa tuần qua, tỷ giá trung tâm được điều chỉnh giảm 63 đồng so với phiên trước. Giá USD bán ra tại Vietcombank được niêm yết ở mức 24.390 VND/USD, tăng 3% so với đầu năm.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, nhiều khả năng, Fed đã chấm dứt lộ trình tăng lãi suất, đồng nghĩa với việc USD không tăng giá nữa và thực tế, đồng bạc xanh đang giảm giá. TS. Lực đánh giá, tỷ giá năm sau chỉ tăng 1,5 - 2,5% (tỷ giá năm 2023 tăng khoảng 3%).
Không chỉ sức ép bên ngoài giảm, tỷ giá trong nước còn được hỗ trợ bởi áp lực lạm phát thấp, nguồn cung ngoại tệ dồi dào. Cán cân thương mại hàng hóa 11 tháng ước tính xuất siêu 25,8 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10,3 tỷ USD); vốn FDI giải ngân tháng 11/2023 đạt 2,25 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2022; kiều hối dự kiến tiếp tục tăng. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam năm 2023 được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo đạt khoảng 100 tỷ USD, tương đương 17-18 tuần nhập khẩu (mức an toàn là trên 12 tuần nhập khẩu).
Theo dự báo của các chuyên gia phân tích Ngân hàng UOB, tỷ giá VND/USD quý I/2024 là 24.000 VND/USD, quý II/2024 là 23.800 VND/USD, quý III/2024 là 23.800 VND/USD và quý IV/2024 là 23.500VND/USD. Nếu kịch bản này diễn ra, tỷ giá năm 2024 không những không tăng, mà còn giảm so với năm nay.
Mặc dù cao điểm cầu ngoại tệ cuối năm đang diễn ra, song TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định, tỷ giá sẽ không có bất ngờ nào trong vài tuần còn lại của năm 2023 nhờ cung ngoại tệ dồi dào.
Theo các chuyên gia, ẩn số lớn nhất của tỷ giá năm tới là Fed có thể trì hoãn quá trình giảm lãi suất, rủi ro chiến sự leo thang ở một số khu vực, đặc biệt là cuộc chiến ở Trung Đông. Vì vậy, mặc dù tỷ giá dự đoán dễ thở hơn trong năm sau, song các chuyên gia vẫn khuyến nghị doanh nghiệp nhập khẩu nên sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá.
Tạo đà cho chính sách tiền tệ mở rộng
Theo TS. Cấn Văn Lực, tính đến hết tháng 11/2023, tỷ giá liên ngân hàng tăng 2,66% so với đầu năm, tỷ giá trung tâm tăng 1,18% so với đầu năm. Riêng trong tháng 11, tỷ giá trung tâm và tỷ giá liên ngân hàng giảm đáng kể do Fed dừng tăng lãi suất khiến tâm lý đầu cơ USD giảm; nguồn cung ngoại tệ trong nước dồi dào.
Do áp lực tỷ giá năm 2024 không quá lớn, các chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ có cơ hội để gia tăng thêm quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia, đồng thời thuận lợi hơn trong điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng.
Tỷ giá hạ nhiệt có thể khiến lãi suất đồng Việt Nam giảm tiếp, song quyết định của NHNN sẽ phải căn cứ vào quyết định của Fed. Hiện tại, Fed không tăng tiếp lãi suất, song cũng chưa hạ lãi suất. Trong khi đó, với nền kinh tế trong nước, lãi suất hạ tuy là yếu tố hỗ trợ tích cực, song không còn là yếu tố chính yếu đối với quyết định vay vốn của doanh nghiệp. Lãi suất có giảm nữa cũng không giải quyết được gốc rễ các khó khăn mà doanh nghiệp đang đối mặt, như yếu tố đầu ra, thị trường, đơn hàng. doanh nghiệp khó khăn không phải do lãi suất, mà chủ yếu do đầu ra vẫn chưa được khơi thông vì tổng cầu của kinh tế thế giới vẫn yếu. |
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành (Trường Chính sách công và Quản lý) cho rằng, năm 2024, tỷ giá sẽ tăng thấp hơn năm nay. “Nếu như USD vẫn tiếp tục giữ ở mức lãi suất cao, nhưng không lên giá, thì sẽ không tác động nhiều đến chính sách tiền tệ của Việt Nam. Từ đó, NHNN có dư địa để tiếp tục mở rộng chính sách tiền tệ”, ông Thành nhận định.
Tất nhiên, rủi ro với nền kinh tế năm 2024 vẫn còn nhiều, bao gồm các rủi ro từ bên ngoài (chiến sự ở một số nơi, lạm phát vẫn còn cao, các nền kinh tế lớn phục hồi chậm, nỗi lo an ninh năng lượng…); hoạt động xuất khẩu tiếp tục giảm; doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; tín dụng phục hồi chậm. Ngoài ra, áp lực lạm phát năm 2024 khả năng cao hơn năm nay do hiệu ứng khuếch đại đà tăng giá của các mặt hàng do Nhà nước quản lý và giá hàng hóa thế giới còn ở mức cao.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng, lạm phát năm 2024 chỉ khoảng 3,5-4%, không đủ lực để chính sách tiền tệ đổi chiều.
Riêng về tỷ giá, chuyên gia kinh tế Châu Đình Linh cho rằng, trong tình hình kinh tế có tính chu kỳ, cung - cầu ngoại tệ cũng diễn biến theo tính chu kỳ đó. Trong nước, cầu ngoại tệ dồi dào. Ở bình diện quốc tế, chính sách tiền tệ của Mỹ cho thấy, Fed có thể chưa hạ lãi suất, nhưng cũng sẽ không tăng lãi suất thêm nữa, nên sẽ không gây áp lực làm dịch chuyển dòng vốn từ nước nước ngoài vào Mỹ. Điều này ảnh hưởng tích cực tới các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Mặc dù chính sách tiền tệ năm 2024 dự báo tiếp tục nới lỏng, song theo các chuyên gia, NHNN sẽ rất thận trọng trong việc hạ thêm lãi suất điều hành. Mặt bằng lãi suất huy động đang ở mức thấp kỷ lục, nên lãi suất giảm thêm có thể khiến dòng vốn huy động chảy sang các kênh đầu tư khác. Hơn nữa, tín dụng tăng chậm hiện nay có nguyên nhân chính không phải do lãi suất, mà chủ yếu do sức cầu của nền kinh tế yếu.
Theo Báo Đầu tư
Liên kết website
Ý kiến ()