Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 20:50 (GMT +7)
Ứng dụng công nghệ cập nhật từ xa chỉ số sức khỏe bệnh nhân COVID-19
Thứ 4, 01/09/2021 | 15:13:43 [GMT +7] A A
Ngày 31/8, Công ty iParamed cho biết, doanh nghiệp đã phối hợp OUCRU - đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (Anh), nghiên cứu giải pháp công nghệ cao mang tên Tele-ICU Monitoring để ứng dụng trong việc điều trị bệnh nhân COVID-19.
Hiện tại, công nghệ đã triển khai bước đầu tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh - một trong những đơn vị tuyến đầu trong việc điều trị COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh hiện nay.
Cụ thể, Tele-ICU Monitoring là giải pháp sử dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT), cho phép các bác sĩ, nhân viên y tế có thể theo dõi thể trạng người bệnh từ xa với dữ liệu được gửi về từ ứng dụng cài đặt trên tablet (máy tính bảng), kết nối bluetooth với các thiết bị nhỏ gọn gắn trên người bệnh nhân gồm đồng hồ đo mạch và nồng độ oxy trong máu (Checkme O2) cùng miếng dán đo nhịp tim và nhịp thở (Continuous ECG Recorder).
Giải pháp đã được sử dụng để theo dõi chỉ số sinh tồn bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ diễn biến nặng tại Khoa nhiễm E của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh từ ngày 13/8 và nhận được những đánh giá, phản hồi tích cực; qua đó tạo tiền đề để Tele-ICU Monitoring tiếp tục được triển khai thử nghiệm tại Khoa hồi sức tích cực (A-ICU) của Bệnh viện vào ngày 30/8.
Đại diện Công ty iParamed cho biết, dựa trên những phản hồi từ các bác sĩ, điều dưỡng, giải pháp Tele-ICU Monitoring sẽ tiếp tục được điều chỉnh thêm để đáp ứng yêu cầu về quy trình y tế tại Bệnh viện tốt hơn.
Thông qua giải pháp Tele-ICU Monitoring, dữ liệu của bệnh nhân được cập nhật theo thời gian thực (real-time) liên tục 24/24 giờ trên màn hình tại trung tâm theo dõi. Nếu tình trạng của bệnh nhân diễn biến xấu, thông số không nằm trong khoảng an toàn cho phép, tín hiệu báo động sẽ được chuyển đến trung tâm ngay lập tức để các bác sĩ kịp thời can thiệp.
Ngoài ra, bệnh nhân COVID-19 trong thời gian điều trị cũng có thể tự theo dõi sự thay đổi của chỉ số nồng độ oxy trong máu trên màn hình tablet, nắm rõ tình hình sức khỏe của bản thân để điều chỉnh tư thế hay cách sinh hoạt phù hợp như đổi sang nằm nghiêng cho phổi không bị đè, hoặc chia bữa ăn thành nhiều giai đoạn nhỏ để không bị dừng thở bằng bình oxy quá lâu… tránh cho bệnh nhân bị trở nặng và có thể hồi phục nhanh hơn.
Ông Lê Hoàng Nam, Giám đốc điều hành Công ty iParamed, cho biết: Tính linh động của thiết bị và khả năng quản lý từ xa với độ xác thực cao của Tele-ICU Monitoring góp phần tiết kiệm nhân lực trong việc kiểm tra trực tiếp từng giường bệnh, giúp hạn chế mức độ tiếp xúc trực tiếp của nhân viên y tế với người bệnh, nên nguy cơ lây nhiễm cũng giảm. Ngoài ra, các thiết bị giám sát Tele-ICU nhỏ gọn, dễ cài đặt, giúp việc giám sát ICU linh hoạt hơn với chi phí vận hành thấp. So với thiết bị y tế truyền thống, các thiết bị tích hợp giải pháp Tele-ICU Monitoring có tổng chi phí rẻ hơn, bệnh nhân có thể tiết kiệm hơn nếu đã có sẵn điện thoại thông minh nhưng mang lại sự tiện lợi cao cùng với thời gian triển khai nhanh chóng.
Theo ông Lê Hoàng Nam, sau khi được triển khai tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, iParamed cùng với OUCRU mong muốn được triển khai giải pháp này tại các bệnh viện khác đang điều trị COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh cũng như trong cả nước.
Việc ứng dụng trên thực tiễn công nghệ Tele-ICU Monitoring cập nhật từ xa chỉ số sức khỏe bệnh nhân COVID-19 đang chờ sự phản hồi tích cực từ phía Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()