Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 01:16 (GMT +7)
Ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng thủy sản
Thứ 2, 10/06/2024 | 06:29:48 [GMT +7] A A
Nuôi trồng thủy sản (NTTS) thường đối mặt với nhiều rủi ro, nhất là sự thay đổi bất thường về nhiệt độ nước, dưỡng khí oxy trong nước, độ mặn của nước... Do đó, việc phát triển và ứng dụng công nghệ số giúp người nuôi trồng giảm bớt rủi ro, nâng cao hiệu quả trong đầu tư.
Theo kết quả rà soát của Sở NN&PTNT, quá trình đô thị hóa nhanh, các địa phương phát triển mạnh dịch vụ, công nghiệp, điều đó cũng ảnh hưởng đến ngành Thủy sản... Ông Ngô Tất Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Trong bối cảnh không gian sản xuất phải chia sẻ do quá trình đô thị hóa cũng như phát triển công nghiệp, dịch vụ..., việc tổ chức lại để sản xuất một cách hợp lý đòi hỏi cần ứng dụng mạnh khoa học công nghệ. Tuy nhiên, do nguồn lực đầu tư lớn nên bước đầu các HTX, trang trại nuôi lớn có thể liên kết với các doanh nghiệp lớn về NTTS trong cả nước. Hiện nay, Công ty CP Tập đoàn STP Group đầu tư toàn bộ hạ tầng cơ sở vật chất bằng vật liệu công nghệ HDPE an toàn cho môi trường và hệ sinh thái nuôi biển. Sau đó liên kết với các hợp tác xã NTTS của huyện Vân Đồn để vừa lan tỏa mô hình nuôi xen canh, phát triển rong sụn và tạo sinh kế cho bà con tại chính vùng đó đã mang lại hiệu quả rất khả quan.
Triển khai mô hình, Công ty CP Tập đoàn STP Group đã ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại nhất hiện nay trong NTTS như: Thiết kế lồng nuôi phù hợp cho ngoài khơi có thể chịu được bão gió cấp 12, trên đó định vị được tọa độ, trong những trường hợp đặc biệt vẫn tìm được sản lượng, data trên biển bằng mã QR code và iCheck trên lồng. Trong các lồng nuôi được tích hợp công nghệ đánh chìm lồng, cho ăn tự động… Người dân có thể để lồng ở đó nhưng hoàn toàn tự động nuôi cá chứ không phải ra bờ hay ra ngoài khơi để chăm sóc.
Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc STP Group, cho biết: Mô hình được triển khai với mục đích hướng tới sự bền vững hơn, bảo vệ được các vật nuôi trên biển, nâng cao giá trị sản phẩm hướng tới xuất khẩu. Thông qua mô hình giúp người dân NTTS trên địa bàn huyện Vân Đồn tiếp thu, làm chủ và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trong chuỗi sản xuất NTTS.
Thời gian gần đây, công nghệ NTTS trên địa bàn tỉnh từng bước được cải tiến, ứng dụng và ngày càng hoàn thiện. Hiện nay nhiều tiến bộ, công nghệ đã được nghiên cứu áp dụng, như: Công nghệ nuôi siêu thâm canh mật độ cao, công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính; quy trình nuôi tôm thâm canh tuần hoàn 2, 3 giai đoạn ít thay nước; quy trình nuôi tôm dựa trên công nghệ copefloc, biofloc; nuôi tôm sạch 5C. Trong nuôi biển, việc ứng dụng các mô hình nuôi biển tập trung theo hướng công nghiệp, hiện đại, ứng dụng vật liệu thân thiện môi trường như mô hình lồng tròn của Na Uy; các mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương theo công nghệ của Nhật Bản, Úc cho năng suất và chất lượng cao. Điển hình như ở phường Trưng Vương (TP Uông Bí), hộ kinh doanh anh Lê Đức Mạnh đang đẩy mạnh triển khai dự án nuôi tôm công nghệ cao quy mô lớn. Đây là dự án có mức đầu từ lớn trên 100 tỷ đồng, được kỳ vọng là mô hình nuôi tôm ao lớn cho sản lượng, giá trị cao khi công nghệ nuôi của dự án có hàm lượng KHCN lớn, là công nghệ nuôi ao lót bạt linh động và nuôi theo 3 giai đoạn. Đến thời điểm này, dự án đã đạt 80% khối lượng xây lắp, có thể thả nuôi những ao tôm đầu tiên vào tháng 12 năm nay, thả nuôi toàn phần vào năm 2025.
Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong hoạt động NTTS góp phần giảm sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, nâng cao hiệu quả sử dụng nước, thức ăn, giảm tác động tiêu cực tới môi trường. Trong tháng 4/2024, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước đã cấp phép NTTS cho 6 HTX, doanh nghiệp, đây đều là những đơn vị có công nghệ hiện đại, tiên tiến.
Mặc dù việc chuyển đổi số trong NTTS bước đầu đã có chuyển động, tuy nhiên thống kê của Sở NN&PTNT cho thấy, sản xuất nông hộ vẫn là chủ đạo trong NTTS khi có tới 11.077/11.228 cơ sở NTTS là cá nhân. Phần lớn trong số đó là những hộ nuôi quy mô nhỏ lẻ, chưa có điều kiện tiếp cận với các công nghệ mới. Do đó, thời gian tới ngành Thủy sản cần nghiên cứu, phát triển công nghệ nuôi tiên tiến, tiết kiệm nước và thức ăn, giảm sử dụng kháng sinh cho các hộ nuôi. Đồng thời tăng cường chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất và thúc đẩy tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế, liên kết trong chuyển giao công nghệ. Đặc biệt, các địa phương, trong quy hoạch, phát triển NTTS cần có những cơ chế, chính sách để khuyến khích, thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp, HTX có tiềm lực kinh tế và công nghệ đầu tư vào lĩnh vực sản xuất giống, nuôi biển quy mô lớn, công nghệ cao.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()