Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 12:04 (GMT +7)
Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành GD&ĐT
Thứ 4, 17/05/2023 | 06:40:53 [GMT +7] A A
Nắm bắt xu thế đổi mới của nền giáo dục trong thời đại 4.0, ngành Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Quảng Ninh đã và đang có nhiều nỗ lực trong việc triển khai ứng dụng CNTT, chuyển đổi số công tác quản lý, dạy và học.
Quảng Ninh hiện có 645 cơ sở giáo dục với trên 350.000 học sinh, gần 22.000 cán bộ, giáo viên. Đến nay, ngành GD&ĐT tỉnh đã trang bị hơn 1.400 phòng học thông minh tại 89 trường học. Từ các lớp học thông minh này, những môn học khó như Toán, Vật lý, Hóa học hay khó nhớ mốc sự kiện như Lịch sử đã trở nên dễ hiểu, khi có sự kết hợp giữa bài giảng của giáo viên và phần minh họa từ các thiết bị thông minh. Nhờ đó, những số liệu, mốc thời gian, nhân vật trở nên sống động, hấp dẫn hơn.
Trong công tác quản lý, ngành GD&ĐT Quảng Ninh đã có sự chuyển mình từ rất sớm với việc ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả làm việc. Từ năm 2009, phần mềm quản lý văn bản trực tuyến trong ngành đã được áp dụng từ Sở GD&ĐT đến các phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục. Qua đó, giúp số hóa và xử lý 100% văn bản đi, đến trong ngành. 100% cán bộ, chuyên viên, nhân viên trong ngành có tài khoản, có chữ ký số để truy cập và xử lý công việc.
Sở GD&ĐT đã hoàn thiện liên thông văn bản điện tử qua trục liên thông văn bản quốc gia với Bộ GD&ĐT, các cơ quan Trung ương. Liên thông văn bản điện tử đến 13/13 phòng GD&ĐT các địa phương và toàn bộ các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Hiện 13/13 phòng GD&ĐT, 89 trường học, cơ sở giáo dục các cấp được trang bị hệ thống hội nghị truyền hình công nghệ video conference.
Trong suốt thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp vừa qua, ngành GD&ĐT Quảng Ninh vẫn đảm bảo các cuộc họp, hội nghị, tập huấn quan trọng theo hình thức trực tuyến, đảm bảo tất cả các nội dung công việc cần triển khai trong ngành không bị gián đoạn, chậm trễ.
Trong tiến trình chuyển đổi số, ngành GD&ĐT Quảng Ninh tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hàng ngày đối với mỗi nhà giáo, mỗi người học. Theo đó, ngành đã xây dựng chương trình đào tạo về chuyển đổi số để giáo viên và học sinh có các kỹ năng số. Trong năm 2022, Sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn hướng dẫn khai thác kho video bài giảng, kho học liệu số của Bộ GD&ĐT, của tỉnh. Theo đó, Sở đã chỉ đạo tổ chức xây dựng kho video bài giảng từ lớp 1 đến lớp 12 với 4.887 bài. Đồng thời tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên THPT hoàn thành chương trình bồi dưỡng ứng dụng CNTT trong dạy học, quản lý; tập huấn giáo viên THCS, THPT về năng lực xây dựng bài giảng ứng dụng CNTT và tổ chức dạy học trực tuyến; tập huấn sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến K12 Online cho 89 trường được trang bị phòng học thông minh, phòng học ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến...
Từ năm học 2021-2022, 100% các cơ sở giáo dục đã thực hiện tuyển sinh trực tuyến lớp 10 THPT. Theo đó, học sinh, cha mẹ học sinh trực tiếp cập nhật thông tin, nhu cầu, nguyện vọng tuyển sinh vào lớp 10 trên nền tảng phần mềm tuyển sinh online của Sở GD&ĐT.
Đến nay, 100% thông tin của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên, trẻ em của các cơ sở giáo dục được quản lý trên hệ thống quản lý trường học trực tuyến; thực hiện có hiệu quả sổ điểm điện tử, học bạ điện tử trên hệ thống phần mềm SMAS. Thực hiện chuyển đổi số, Sở GD&ĐT còn triển khai tới các cơ sở giáo dục thanh toán không dùng tiền mặt. Đến hết năm 2022 có 88,5% số cơ sở giáo dục thanh toán học phí không dùng tiền mặt, vượt 38,5% so với chỉ tiêu đề ra.
Năm 2023, Sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số. Theo đó mục tiêu hướng tới là 100% các trường học trên địa bàn tỉnh (từ cấp học phổ thông đến đại học, cơ sở đào tạo nghề) có nội dung chuyển đổi số được lồng ghép, tích hợp trong chương trình giảng dạy; 100% cơ sở giáo dục phổ thông, thường xuyên sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến, trực tiếp; 100% cơ sở giáo dục sử dụng phần mềm Quản lý trường học, thực hiện kết nối liên thông, đồng bộ với cơ sở dữ liệu ngành; 100% các cơ sở giáo dục ở khu vực đồng bằng chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt... Qua đó, góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, hình thành nền tảng số cho xã hội học tập.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()