Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 03/11/2024 04:21 (GMT +7)
Ứng dụng KHCN trong công tác bảo vệ môi trường
Thứ 2, 20/02/2023 | 16:10:21 [GMT +7] A A
Phát triển bền vững và bảo vệ môi trường là mục tiêu lâu dài, nhiệm vụ chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và Quảng Ninh nói riêng. Xác định được mục tiêu đó, thời gian qua, Quảng Ninh đã luôn quan tâm, tập trung triển khai các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào lĩnh vực môi trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp và bền vững.
Nội dung quan trọng nhất đã và đang được tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường thời gian qua là việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào các ngành, lĩnh vực trọng điểm để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế song hành, hài hòa với bảo vệ môi trường tự nhiên.
Điển hình như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) hằng năm đều dành nguồn lực thỏa đáng chi cho công tác bảo vệ môi trường. Từ nguồn kinh phí này, nhiều dự án, công trình môi trường được đầu tư đưa vào hoạt động phục vụ hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất của TKV. Tính riêng năm 2022, TKV bố trí hơn 260 tỷ đồng đầu tư hơn 50 công trình có ứng dụng KHCN nhằm bảo vệ môi trường, như: Lắp đặt hệ thống cung cấp nước, các máy phun sương dập bụi cao áp cố định và di động; hệ thống lọc bụi đầu băng; đầu tư mới, nâng cấp các trạm xử lý nước thải mỏ bằng công nghệ hợp khối và tấm lắng nghiêng; hệ thống quan trắc không khí và nước thải tự động… Nhờ chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, TKV đã từng bước khắc phục ô nhiễm môi trường do quá trình khai thác trước đây để lại và xử lý, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường mới phát sinh; chất lượng môi trường, cảnh quan các khu vực có hoạt động sản xuất của Tập đoàn và các khu vực dân cư, đô thị lân cận đã được cải thiện. Từ đó từng bước hoàn thành mục tiêu "đưa công viên vào trong mỏ, nhà máy" và triển khai thực hiện tiêu chí môi trường sáng - xanh - sạch.
Trong 5 năm trở lại đây, tỉnh cũng đã và đang tích cực chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao; tập trung nghiên cứu công nghệ tiên tiến nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường... Với định hướng đó, hiện các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều hết sức chú trọng đến việc đảm bảo an toàn cho môi trường trong quá trình hoạt động. Đến nay, đã có 7 KCN gồm: Hải Yên (Móng Cái), Texhong (Hải Hà), Cái Lân, Việt Hưng (Hạ Long), Đông Mai, Sông Khoai, Nam và Bắc Tiền Phong (Quảng Yên) hoàn thành xây dựng hệ thống quan trắc nước thải tự động và trạm xử lý nước thải tập trung. Các trạm đều đảm bảo hoạt động ổn định, hiệu quả, liên tục. Đồng thời, dữ liệu từ các trạm được truyền trực tuyến về Sở TN&MT quản lý, theo dõi, giám sát theo đúng quy định tại Nghị định số 40/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ. Các chỉ số nước thải tại các KCN khi xả thải ra môi trường đều đảm bảo theo quy định. Trước những nguy cơ tiềm ẩn về vấn đề ô nhiễm môi trường, định kỳ hàng năm, chủ đầu tư hạ tầng KCN, các dự án thứ cấp cùng các đơn vị liên quan đều chủ động xây dựng phương án phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường KCN; tổ chức diễn tập, vận hành và củng cố, bổ sung lực lượng, đáp ứng đầy đủ các điều kiện cần thiết để đảm bảo an toàn môi trường.
Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo vệ môi trường còn thể hiện rõ ở việc ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong xử lý chất thải y tế, rác thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi trong các khu dân cư và sản xuất nông nghiệp. Đến nay, cơ bản các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng rộng rãi công nghệ vi sinh, công nghệ màng lọc AAO để xử lý nước thải y tế; sử dụng hệ thống công nghệ vi sóng tích hợp nghiền cắt trong cùng khoang để xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm thành chất thải thông thường, không còn mầm bệnh lây nhiễm... Trong lĩnh vực nông nghiệp, các địa phương trong tỉnh hiện cũng đều sử dụng rộng rãi chế phẩm sinh học vào xử lý chất thải gia súc, gia cầm và rơm, rạ thành phân hữu cơ; sử dụng men vi sinh trong chăn nuôi; sử dụng chế phẩm sinh học trong quản lý ao đầm nuôi tôm công nghiệp; xây dựng hầm biogas... Qua đó, vừa góp phần giải quyết vấn đề năng lượng vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng dân cư và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Cùng với việc ứng dụng KHCN để bảo vệ môi trường trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm, tỉnh cũng hết sức tập trung vào việc đầu tư và đảm bảo hoạt động ổn định, hiệu quả của hệ thống quan trắc môi trường tự động. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 161 trạm quan trắc môi trường tự động giám sát thời gian thực hiện, trong đó có 1 trạm quan trắc môi trường không khí quốc gia đặt tại phường Hồng Hà (TP Hạ Long). Dữ liệu về các thông số không khí, nước mặt, nước biển, khí thải, nước thải… được quan trắc tự động liên tục và truyền về trung tâm giám sát theo thời gian thực cho phép cơ quan quản lý nhà nước đánh giá được mức độ ô nhiễm môi trường tại các khu vực đặt trạm quan trắc, giúp kiểm soát tốt các nguồn phát thải. Từ đó, kịp thời đưa ra các biện pháp xử lý, ngăn chặn hoạt động phát thải vượt giới hạn cho phép theo quy chuẩn Việt Nam ra môi trường…
Với nhiều giải pháp quyết liệt, được triển khai đồng bộ và nghiêm túc, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo vệ môi trường tự nhiên của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả khả quan, giúp tỉnh từng bước hiện thực hóa mục tiêu “lấy phát triển văn hóa, xây dựng văn minh sinh thái, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường làm trọng điểm” trong giai đoạn 2020-2025.
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()