Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 23:48 (GMT +7)
Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh
Thứ 2, 28/11/2022 | 01:06:03 [GMT +7] A A
Kiên trì mục tiêu coi khoa học và công nghệ (KHCN) là động lực, “kim chỉ nam” cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội, Quảng Ninh đang có những giải pháp phù hợp phát huy lợi thế, điều kiện của địa phương để tận dụng thời cơ cách mạng công nghiệp 4.0 trong phát triển bền vững.
Sau gần 10 năm hình thành và phát triển, đến nay Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) của Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỉnh hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP với 565 sản phẩm, trong đó có 193 sản phẩm hạng 3 sao, 68 sản phẩm hạng 4 sao, 3 sản phẩm hạng 5 sao cấp tỉnh và 3 sản phẩm hạng 5 sao cấp quốc gia. Nhiều sản phẩm OCOP chủ lực trên địa bàn tỉnh được ứng dụng KHCN vào các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói và tiêu thụ. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã, giúp nâng tầm giá trị trên thị trường và quan trọng nhất là chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Điển hình trong thành công nhờ ứng dụng KHCN có thể kể đến các sản phẩm OCOP của Công ty TNHH Nuôi trồng sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc (TP Cẩm Phả). Từ năm 2020, từ sự quan tâm hỗ trợ của Sở KH&CN và sự chủ động đầu tư lớn với tổng vốn hàng chục tỷ đồng, đơn vị đã cải tạo, xây mới hệ thống nhà máy chuẩn GMP, phòng R&D, phòng Lab - kiểm nghiệm, nhà sấy quy mô lớn… nhằm đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về sản xuất. Đến nay, các sản phẩm tiêu biểu của công ty như: Trà giảo cổ lam, trà bổ gan, trà giải độc gan, trà diệp hạ châu, viên tiểu đường, viên chè vằng... trở thành sản phẩm OCOP tiêu biểu được xếp hạng 4 sao của tỉnh, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng và mẫu mã.
Để đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào các khâu sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP, tỉnh đã và đang có nhiều giải pháp nhằm khuyến khích doanh nghiệp, HTX, người dân, nhất là thông qua những cơ chế, chính sách hỗ trợ về xây dựng thương hiệu; xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; kết nối người dân, nhà quản lý, nhà khoa học; hỗ trợ vốn vay xây dựng nhà xưởng, đầu tư công nghệ... Theo thống kê, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có khoảng 10 đề án hỗ trợ trang bị thiết bị, dây chuyền hiện đại hóa sản xuất cho các sản phẩm OCOP. Tiêu biểu, hỗ trợ máy sấy nông sản trị giá 190 triệu đồng cho HTX Phát triển xanh (Ba Chẽ), máy ép dầu thực vật trị giá 100 triệu đồng cho hộ Hoàng Văn Quý (TP Cẩm Phả); hiện đại hóa máy móc sản xuất đá, nước lọc ở Cô Tô, Đầm Hà, Ba Chẽ... Từ năm 2021 đến nay, đã có thêm 3 đề án với nguồn hỗ trợ trên 2,6 tỷ đồng hỗ trợ hiện đại hóa sản xuất, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, các sản phẩm OCOP: Trang bị hệ thống trao đổi nhiệt và xúc, rửa, chiết rót tự động cho sản phẩm sữa Đông Triều và nước khoáng Công đoàn Quang Hanh; hệ thống rửa hàu tự động nâng sản lượng cho sản phẩm ruốc hàu Vân Đồn.
Tỉnh tiếp tục phê duyệt đề án đầu tư hiện đại hóa lĩnh vực sản xuất thực phẩm trị giá 1,2 tỷ đồng hỗ trợ trang bị máy móc, công nghệ cho sản xuất thực phẩm chức năng, dược liệu Công ty TNHH Nuôi trồng sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc (TP Cẩm Phả), HTX Nông - lâm - ngư nghiệp Thái An (TP Móng Cái)...
Không chỉ trong chương trình OCOP, việc ứng dụng KHCN vào các khâu của hoạt động sản xuất kinh doanh cũng được đẩy mạnh trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Điển hình trong lĩnh vực công nghiệp có thể kể đến Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh với công nghệ lò than phun tiên tiến và thiết bị giám sát thông số nồng độ khí O2, CO2, CO, NOx, SOx, bụi của khí thải… tự động, giúp hạn chế tối đa tác động xấu tới môi trường. Công ty CP Thanh Tuyền Group sử dụng xỉ đáy và tro bay nhà máy nhiệt điện sản xuất được gạch không nung. Mới đây nhất, ngày 23/11, công trình “Nghiên cứu công nghệ nghiền khô siêu mịn, nâng cao mức độ tự động hóa và hiệu quả sử dụng nhiệt trong sản xuất ngói cao cấp” của Anh hùng Lao động Nguyễn Quang Mâu và 10 cộng sự của Tổ hợp Công ty CP Gốm Đất Việt đã vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh - Giải cao quý nhất về KHCN đợt 6 năm 2022… Cùng với đó, các đơn vị ngành Than đã và đang từng bước làm chủ nhiều công nghệ mới, tiên tiến như vì chống thủy lực, giàn mềm, tời cáp treo chở người, máng cao, tàu điện, khởi động từ, biến áp phòng nổ… Nhờ đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, khai thác than và đảm bảo an toàn lao động, bảo vệ môi trường.
Trong đời sống xã hội, các hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều công nghệ mới, hiện đại trên nền tảng thiết bị di động như mobile banking, thanh toán trực tuyến… đóng góp tích cực vào tiến trình chuyển đổi số. Nhiều khách sạn, công ty du lịch, lữ hành đã ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào hoạt động kinh doanh như mua bán tour, đặt phòng trực tuyến, vận hành các phần mềm để quản trị văn phòng, tài chính… Hệ thống các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã và đang tập trung nhiều phương tiện, thiết bị hiện đại, công nghệ AI vào khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân…
Để hiện thực hóa mục tiêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh khoá XV nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó, KHCN tiếp tục giữ vai trò chủ chốt, hiện tỉnh tập trung vào các đột phá để tăng cường hơn nữa vai trò của KHCN và đổi mới sáng tạo, đó là xây dựng cơ chế; tạo sự đột phá về hạ tầng công nghệ và phát triển nguồn nhân lực KHCN. Từ đó áp dụng, chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương theo hướng hiệu quả, bền vững.
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()