Việc Zenly ngừng hoạt động là do sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh của Snap, công ty sở hữu app này. Trong văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) đầu tháng 9, Snap cho biết sẽ bắt đầu kế hoạch tái cấu trúc và sa thải khoảng 20% trong số hơn 6.400 nhân viên toàn thời gian. Các dự án bị ảnh hưởng nhiều nhất là Zenly, AR Spectacles, Pixy, Voisey.
Trả lời trang Setn của Đài Loan, một đại diện của Zenly cho biết nguy cơ đóng cửa là có thật. "Tuy nhiên, chúng tôi chưa sẵn sàng để nói lời tạm biệt", người này nói, ám chỉ việc vẫn chưa có thời hạn ngừng chính thức.
Việc Zenly sắp ngừng hoạt động gây nhiều ý kiến trái chiều tại Việt Nam, đặc biệt với nhiều người dùng trẻ.
Hà Vi, một người dùng tại Hà Nội, đánh giá việc này có thể giúp cô tránh được nhiều phiền phức. "Tôi không hiểu sao mọi người thích chia sẻ vị trí của nhau như vậy. Bạn bè tôi dùng ứng dụng khá nhiều và thường xuyên đề nghị tôi tham gia cùng. Ứng dụng ngừng hoạt động sẽ là một lý do chính đáng để từ chối", Vi nói.
Nghĩa Hồ, đang du học tại Nhật Bản, cho biết ứng dụng khá phổ biến tại nơi anh sống. Tuy nhiên bản thân anh ít sử dụng, mà chỉ cài vì yêu cầu của bạn gái ở Việt Nam. "Ứng dụng yêu cầu khá nhiều quyền truy cập thông tin cá nhân như danh bạ, vị trí và GPS phải luôn bật. Cảm giác lúc nào cũng bị theo dõi, chưa kể việc gây tốn pin điện thoại", anh nói.
Trong khi đó, không ít người thấy tiếc vì đã gắn bó với ứng dụng trong thời gian dài. "Tôi không sử dụng để theo dõi bạn bè, mà chủ yếu là để lưu lại những địa điểm từng đến trong ba năm qua. Nếu ứng dụng ngừng hoạt động, cần có cách giúp người dùng lưu lại các thông tin này", người dùng Kim Bảo cho biết.
Mai Ngọc (Đà Nẵng) nói cô và nhóm bạn đã có thời gian dài sử dụng Zenly. Ứng dụng giúp nhóm biết vị trí của mọi người mỗi khi cần gặp nhau, và có lần từng giúp họ tìm ra vị trí của một người bạn gặp sự cố trên đường. "Nếu không có Zenly, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm một giải pháp thay thế", Ngọc nói.
Theo những người gắn bó với Zenly lâu năm, điểm hấp dẫn của ứng dụng là được phát triển như một mạng xã hội với giao diện đẹp mắt, thay vì chỉ là công cụ theo dõi. "Thay vì phải hỏi mọi người về nhà chưa, tôi chỉ cần mở ứng dụng xem trạng thái của họ", Ngọc giải thích.
Tuy nhiên, việc ứng dụng yêu cầu nhiều quyền truy cập trên điện thoại như vị trí, danh bạ, bộ nhớ, micro, camera cũng đặt ra nhiều nguy cơ. Dựa trên dữ liệu này, nhà quảng cáo có thể hiển thị nội dung nhắm mục tiêu đến người dùng. Ngoài ra, không ít người thừa nhận đã lén cài Zenly lên ứng dụng của người thân để làm công cụ theo dõi.
Sau khi xuất hiện thông tin Zenly có thể ngừng hoạt động, nhiều người dùng tại Việt Nam tìm đến các giải pháp thay thế. Trên các hội nhóm sử dụng iPhone, một số người chỉ nhau cách sử dụng trực tiếp công cụ Find My trên máy và bật chế độ Chia sẻ vị trí. Trên kho ứng dụng, một số phần mềm như iSharing, Life360 được tải nhiều, trong đó iSharing hiện nằm trong top 20 ứng dụng mạng xã hội được tải về nhiều nhất Việt Nam.
Hiện Snap chưa đưa ra thông báo nào về thời gian đóng cửa Zenly. Ứng dụng ban đầu được phát triển bởi một công ty tại Pháp, trước khi được Snapchat mua lại năm 2017. Theo TechCrunch, xét về mặt người dùng, đây là một ứng dụng tương đối thành công với lượng người dùng tăng trưởng liên tục, đặc biệt tại châu Á và châu Âu. Báo cáo của Data.ai cho thấy ứng dụng nhận về 160 triệu lượt tải và số người dùng thường xuyên đạt 35 triệu hồi đầu năm. Việc ngừng phát triển thay vì bán lại, theo TechCrunch, có thể vì Snap không muốn app này rơi vào tay đối thủ. Trong văn bản gửi lên SEC, công ty của tỷ phú Evan Spiegel cho biết sẽ "ngừng phát triển ứng dụng độc lập này để tập trung vào Snap Map".
Ý kiến ()