Tất cả chuyên mục

Xây dựng văn hóa - con người Quảng Ninh là một chủ trương lớn, được tỉnh Quảng Ninh quan tâm đẩy mạnh thực hiện trong nhiều năm qua, và thể hiện rõ nét qua Bộ Quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vừa được UBND tỉnh ban hành và chính thức có hiệu lực từ tháng 4/2020.
Bộ Quy tắc gồm 4 chương, 41 điều với 3 nhóm, gồm: Quy tắc ứng xử trong gia đình - dòng họ - nơi cư trú, Quy tắc ứng xử nơi công cộng và Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Trong đó, với quy tắc ứng xử nơi công cộng được chia thành nhiều phần nhất, với những quy định áp dụng cho từng địa điểm cụ thể và hành vi riêng biệt. Việc triển khai những quy tắc ứng xử này đã thật sự cải thiện văn hóa ứng xử của người dân ở nơi công cộng, từng bước tạo thành đặc trưng văn hóa mới của người Quảng Ninh.
Lời nói chẳng mất tiền mua
Nói đến văn hóa ứng xử nơi công cộng tức là nói đến những giá trị, chuẩn mực đạo đức được áp dụng tại những nơi công cộng, được hình thành trong quá trình tương tác giữa các cá nhân, giữa cá nhân với cộng đồng thông qua hành vi giao tiếp hướng tới những mục đích tốt đẹp. Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, đây đó, ngay tại những địa điểm công cộng, không ít cá nhân đã có những hành vi ứng xử thiếu văn hóa, có những lời nói, hành động bất nhã. Tình trạng này xuất hiện ở nhiều lứa tuổi thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau gây nhiều bức xúc, nghi ngại trong xã hội.
![]() |
Nhà ga, bến tàu là những nơi đông người, rất cần mỗi người có ý thức, trách nhiệm chung như giữ gìn trật tự, nhường chỗ cho người già, trẻ nhỏ... Trong ảnh: Du khách ở Nhà ga cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu. |
Cứ vào mỗi dịp lễ, Tết, tại những địa điểm tổ chức bắn pháo hoa, biểu diễn nghệ thuật phục vụ người dân như: Quảng trường, công viên, vườn hoa, thường ngổn ngang rác thải. Khu vực Quảng trường 30/10 tại thành phố Hạ Long là một thí dụ điển hình. Sau mỗi sự kiện tổ chức tại đây, không những rác thải bủa vây, mà nhiều khu vực trồng cỏ cũng bị dẫm nát khiến các cơ quan chức năng rất vất vả trong việc dọn dẹp, khắc phục hậu quả. Ngay ở những danh thắng, kỳ quan nổi tiếng của Quảng Ninh như Vịnh Hạ Long hay Khu di tích và danh thắng Yên Tử, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những hành vi chưa đẹp: khách du lịch, người dân diện trang phục không phù hợp chốn tôn nghiêm; viết vẽ bậy lên các di tích; hút thuốc, xả rác, gây ồn ở nhà ga, bến tàu, bến xe, vỉa hè… Tình trạng chen chúc, xô đẩy của người dân và hành khách khiến cho không gian công cộng ở nhiều điểm du lịch trên địa bàn tỉnh trở nên nhộn nhạo. Trên các trục đường giao thông lớn của tỉnh, vẫn còn có những trường hợp vì vội, vì mục đích cá nhân mà sẵn sàng liều mình, bất chấp luật pháp để đua chen, sẵn sàng đáp trả bằng những lời nói thô tục, những hành động đáng lên án…
Sự việc gần đây nhất xảy ra tại thành phố Hạ Long, câu chuyện về người bán rau với những hành động và lời lẽ chưa đẹp cùng cách hành xử còn nhiều thiếu sót của cả chị bán rau và một vị lãnh đạo UBND phường Bãi Cháy đã càng khiến chúng ta suy nghĩ về câu chuyện ứng xử nơi công cộng cũng như ý thức của người dân trong việc tôn trọng chủ trương, chính sách pháp luật.
Thực trạng này có thể không phổ biến song lại đặt ra câu hỏi: Văn hóa ứng xử của người Quảng Ninh ngày nay ra sao? Truyền thống thanh lịch “nói lời hay, cử chỉ đẹp” của người dân vùng than phải chăng đã mai một? Có lẽ không phải, bởi đời sống luôn có mặt sáng và tối. Khi những hành động đẹp không được tôn vinh, lan tỏa thì những thói xấu, những lề lối phong kiến, cổ hủ dường như lại có “đất” để lên ngôi. Những năm qua, cùng với phong trào phạm vi toàn quốc “Toàn dân đoàn kết xây dựng dời sống văn hóa”, tỉnh Quảng Ninh cũng triển khai những chương trình, phong trào riêng nhằm nâng cao nhận thức – hành vi và xây dựng những quy ước văn hóa mang những đặc trưng riêng của người dân Vùng mỏ. Trải qua nhiều biến động lịch sử, thay đổi địa giới, thay đổi thành phần dân cư, những nề nếp văn hóa cũ dần mai một và được thay thế bởi những đặc trưng văn hóa mới, đáp ứng và phù hợp hơn với sự phát triển của xã hội cũng như những định hướng phát triển kinh tế của địa phương. Và rõ ràng, theo thời gian, ý thức và nhận thức của người dân tỉnh Quảng Ninh trong văn hóa ứng xử nói chung và ứng xử ở nơi công cộng nói riêng đã có thay đổi tích cực, nếp văn hóa mới ở Quảng Ninh đang dần hình thành và có nhiều chuyển biến.
Hãy bắt đầu từ những ứng xử văn hoá
Với những 9 điều ứng với 9 môi trường, địa điểm cụ thể (Vỉa hè lòng đường; Vườn hoa, quảng trường, tượng đài, công viên; Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, quán ăn…) các Quy tắc ứng xử nơi công cộng của Bộ Quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tuân theo 5 tiêu chí: Thượng tôn pháp luật; tôn trọng bản thân và người khác; tôn trọng và bảo vệ môi trường; thân thiện, văn minh, hào sảng; trách nhiệm với bản thân và cộng đồng.
Ðiểm nổi bật nhất của những quy tắc này là sự đơn giản, ngắn gọn, dễ nhớ, tạo thuận lợi cho mọi công dân có thể thực hiện. Không chỉ yêu cầu công dân giữ gìn trật tự, an ninh, vệ sinh môi trường... ở các địa điểm công cộng, một nét "rất Quảng Ninh" của những quy tắc ứng xử này là khuyến khích người dân cư xử "An toàn – thân thiện – vui vẻ" khi đến những khu vui chơi giải trí, điểm tham quan du lịch; yêu cầu người dân xếp hàng khi mua bán, khuyến khích sử dụng bao bì, túi đựng thân thiện với môi trường khi đi chợ, đi siêu thị; đóng góp, xây dựng và bảo vệ tài sản khi đến bảo tàng, thư viện... Các quy tắc này không những phát huy được truyền thống văn hóa người Quảng Ninh, thích ứng với cuộc sống hiện đại mà còn phù hợp với định hướng phát triển ngành du lịch - dịch vụ của tỉnh; từ đó nhận được sự ủng hộ rộng rãi của dư luận.
![]() |
Tham quan những nơi như thư viện, bảo tàng, du khách cần tuân thủ các quy định, hướng dẫn bảo vệ tài sản. |
Ngay sau khi ban hành, các cơ quan chức năng, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền; thực hiện tổ chức cho cán bộ, viên chức và người dân cùng triển khai. Nhiều địa phương, sở, ngành đã rất nỗ lực, sáng tạo nhằm đưa các Quy tắc ứng xử vào cuộc sống. Cùng với việc tuyên truyền nâng cao ý thức của mỗi người khi tham gia sinh hoạt văn hóa nơi công cộng, tỉnh Quảng Ninh cũng quan tâm đầu tư về nguồn nhân lực, tài chính trong việc tạo dựng, kiến thiết hệ thống các thiết chế văn hóa một cách đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Đó là hạ tầng giao thông ngày càng được nâng cấp, mở rộng; những nhà ga, cảng tàu khách du lịch khang trang và hiện đại với sức chứa lên tới hàng nghìn người hay những công trình, những thiết chế văn hóa bài trí cảnh quan hài hòa, thân thiện... Và tại những công trình khang trang đẹp đẽ ấy, mỗi người dân dường như cũng có ý thức hơn trong việc giữ gìn cảnh quan, nói lời hay cử chỉ đẹp bắt nguồn từ những điều nhỏ nhất như không xả rác bừa bãi, không hút thuốc hay không gây gổ, cãi vã, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự và cảnh quan môi trường đô thị. Có lẽ chính trong không gian, môi trường văn minh, hiện đại, mang đậm sắc thái văn hóa vùng miền, những hành động đẹp cùng những giá trị nhân văn, tốt đẹp đã được đánh thức và được nhân lên để mỗi người dân thêm yêu quê hương Quảng Ninh, hướng tới xây dựng 1 vùng đất tươi đẹp cả về cảnh quan thiên nhiên, môi trường cũng như đặc trưng văn hóa của những người con Vùng mỏ.
Có thể nói, để hạn chế những hành vi xấu cũng như để những quy tắc ứng xử nơi công cộng thực sự bén rễ vào trong đời sống thật sự cần sự nêu gương, đồng thuận của cả cộng đồng. Bên cạnh đó, để tạo dựng không gian, môi trường văn hóa công cộng lành mạnh với cách ứng xử văn minh, lịch sự cần có sự bồi đắp nền tảng văn hóa với những giá trị, chuẩn mực đạo đức cho người dân. Cùng với đó là hệ thống pháp luật đủ nghiêm để răn đe, được tuân thủ và thực thi một cách nghiêm minh, tự giác; những biện pháp để lên án và loại trừ những hành vi ứng xử lạc hậu, kém văn minh ở nơi công cộng; thường xuyên thực hành và lan tỏa những giá trị, hình ảnh đẹp trong giao tiếp. Qua đó góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng con người Quảng Ninh: Năng động - sáng tạo - hào sảng - lành mạnh - văn minh - thân thiện.
Mai Linh
Có thể nói những Quy tắc ứng xử trong gia đình, dòng họ chính là cái gốc để phát triển những quy tắc ứng xử trong cộng đồng, ở nơi công cộng hay trên môi trường mạng. Ứng xử trong gia đình phải tốt thì ra xã hội mới tốt được. Tuy nhiên, với đặc trưng về địa lý, kinh tế và định hướng phát triển của tỉnh Quảng Ninh thì Quy tắc ứng xử tại nơi công cộng thực sự là vấn đề cần quan tâm hơn cả. Những quy tắc này được quy định theo những không gian, môi trường và địa điểm cụ thể, phù hợp với chủ trương phát triển ngành du lịch – dịch vụ của tỉnh cũng như sự đổi mới trong nếp sống, nếp nghĩ của người dân tỉnh Quảng Ninh.
Thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Ninh kế hoạch triển khai Bộ quy tắc, trong đó chú trọng việc tuyên truyền cho toàn thể nhân dân, doanh nghiệp, học sinh, sinh viên, cán bộ viên chức đang làm việc tại các đơn vị trên địa bàn tỉnh. Với các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại Bộ quy tắc ứng xử này, tùy mức độ sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong trường hợp vi phạm pháp luật sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật. Như vậy là đảm bảo có tính khả thi cao khi thực hiện vì tự người dân sẽ tự giám sát, phản ánh lẫn nhau trong cuộc sống hàng ngày và có khen, chê thiết thực, kịp thời…
Việc tuyên truyền thực hiện các quy tắc ứng xử nơi công cộng cần gắn liền với việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Bởi đối với các đơn vị kinh doanh du lịch, việc nâng cao chất lượng dịch vụ cần đặt lên hàng đầu, từ đó làm cơ sở để tiếp tục thực hiện các quy tắc ứng xử đối với du khách cũng như các quy tắc ứng xử trong nội bộ đơn vị. Là một đơn vị kinh doanh ngành du lịch thiên về hướng tâm linh, tôn giáo, đôi khi chúng tôi cũng gặp những trường hợp du khách, đặc biệt là các bạn trẻ và khách nước ngoài ăn mặc không phù hợp thì chúng tôi đã có sẵn đội ngũ lễ tân tiếp đón và nhắc nhở, đồng thời chuẩn bị váy cuốn, khăn, áo choàng cho du khách, vừa tạo hình ảnh đẹp cho nơi tôn nghiêm, vừa thể hiện sự chu đáo, linh hoạt của đơn vị.
Với kinh nghiệm nhiều năm công tác trong ngành dịch vụ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, tôi thấy Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh rất có ý nghĩa trong việc nâng cao ý thức, hành vi của cả người dân địa phương và du khách. Trên cơ sở Bộ quy tắc Nụ cười Hạ Long chỉ áp dụng cho đối tượng khách tham quan, du lịch và các doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh du lịch thì giờ đây, khi mở rộng lên thành Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sẽ giúp lan tỏa đi nhiều hành động đẹp, góp phần quảng bá hình ảnh mảnh đất và con người nơi đây.
Cùng với việc triển khai các quy tắc của Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tại đơn vị mình, tôi cũng thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở anh em trong đơn vị đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát trên địa bàn mình phụ trách, kịp thời nhắc nhở, phê bình và ngăn chặn các hành động thiếu văn minh. Đồng thời, đơn vị thường xuyên tự kiểm điểm và nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ tăng cường học tập, tu dưỡng đạo đức, tư thế, lễ tiết, tác phong, ứng xử văn hóa, văn minh; nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức vì nhân dân phục vụ.
Đã nhiều lần đến với Quảng Ninh nhưng chưa lần nào tôi hết bất ngờ bởi cảnh sắc thiên nhiên và sự thân thiện, niềm nở, mến khách của những người dân Quảng Ninh. Lần này đến với Quảng Ninh ngay sau kỳ nghỉ dài do dịch bệnh, khách du lịch tại cảng tàu du lịch và tại các điểm tham quan trên vịnh như hang Đầu Gỗ, hang Sửng Sốt rất đông nhưng tôi không thấy sự chen lấn, xô đẩy. Những người dân tôi gặp đều rất niềm nở, chu đáo và nhiệt tình hướng dẫn du khách. Trước đây tôi từng chứng kiến hành động xả rác ra Vịnh nhưng lần này thấy biển không hề có rác, mọi người đều tự giác vất rác vào nơi quy định, không sử dụng đồ nhựa. Tôi thật sự thấy đây là những hành động rất văn minh, nên tiếp tục được nhân rộng không chỉ tại Quảng Ninh mà còn ở cả những địa phương khác.
Thực tế thì không phải đến bây giờ, khi Bộ quy tắc ứng xử của tỉnh được ban hành thì gia đình tôi mới thực hiện mà những quy tắc và lối sống giản dị, tiết kiệm, bảo vệ môi trường và tuân thủ pháp luật đã được tất cả các thành viên trong gia đình tôi thực hiện từ lâu. Đặc biệt khi đi đến những nơi công cộng, những người lớn trong gia đình sẽ tự giác cư xử lịch sự để làm gương cho các con. Và theo tôi thì sự tự giác vẫn là quan trọng nhất.
Chu Linh (Thực hiện)
|
Ý kiến (0)