Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 00:11 (GMT +7)
Uống nước nhân trần có tốt cho sức khoẻ?
Thứ 3, 17/09/2024 | 17:08:22 [GMT +7] A A
Nước nhân trần là thức uống được nhiều người yêu thích, vậy uống nước nhân trần có tốt không?
Đặc điểm và tác dụng của cây nhân trần
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, nhân trần được biết đến với tên gọi khác là chè cát, hoắc hương núi, chè nội. Đây là loài cây thân thảo mọc hoang, ưa sáng, ưa ẩm và hay mọc lẫn với các cây cỏ thấp, cây bụi nhỏ ven rừng.
Chiều cao tối đa của cây nhân trần khoảng 40 - 100cm. Thân cây tròn, cứng và nhiều lông. Thân và lá cây mùi thơm. Lá nhân trần hình trái xoan, mọc đối, dài khoảng 4 - 6cm, hơi tù hoặc nhọn ở đầu, cả hai mặt lá đều có lông.
Hoa nhân trần mọc thành cụm ở đầu cành, dài khoảng 30cm. Đây là loài hoa màu lam tím và đài hình chuông xẻ thành 5 răng, thùy ngoài hình mác dài rộng, thùy trong hẹp. Quả nhân trần hình trứng, dài bằng với đài hoa, bên trong có nhiều hạt nhỏ.
Một số tác dụng của cây nhân trần
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, một số công dụng nổi bật của nhân trần như sau:
- Theo y học hiện đại: Việc sử dụng nhân trần có thể mang lại nhiều lợi ích:
+ Hỗ trợ trong trị bệnh viêm gan cấp
Viêm gan cấp gây ra bởi virus làm ảnh hưởng đến chức năng gan và xuất hiện các triệu chứng như chán ăn, vàng da, đầy bụng, khó tiêu. Dùng nhân trần trong đợt viêm gan virus cấp có thể giúp cải thiện triệu chứng của bệnh.
Có được công dụng này là do nhân trần kháng viêm, kháng khuẩn mạnh và tăng cường chức năng thải độc cho gan.
+ Hỗ trợ trị viêm túi mật
Việc sử dụng nhân trần sẽ giúp tăng tiết mật ở người bị viêm túi mật. Trong nước sắc từ dược liệu nhân trần có dimethoxycoumarin với công dụng lợi mật và giảm trương lực cơ vòng Oddi, nhờ đó mà khi vào cơ thể sẽ làm tăng khả năng bài tiết cho mật và tránh được tắc mật.
+ Ức chế sự phát triển của một số vi khuẩn
Nước sắc nhân trần có thể ức chế sự phát triển của trực khuẩn bạch hầu, vi khuẩn lao, thương hàn, trực khuẩn mủ xanh, E.coli, tụ cầu vàng, trực khuẩn lỵ, virus cúm.
+ Tác dụng khác: Hạ lipid máu, hạ huyết áp; chữa trị mẩn ngứa, mụn nhọt trên da, nấm da, loét miệng do nhiệt.
- Theo y học cổ truyền
Y học cổ truyền quan niệm nhân trần là dược liệu tính hơi hàn, vị đắng, can đờm, quy kinh tỳ. Vậy nhân trần có tác dụng gì theo y học cổ truyền? Tác dụng mà dược liệu nhân trần mang lại chính là lợi thấp, thanh nhiệt, chỉ thống, thoái hoàng, lợi tiểu, thoát mồ hôi.
Chính vì những công dụng đó mà dược liệu nhân trần được Đông y dùng để chữa tiểu tiện không thông, sốt nóng, vàng da, cải thiện sức khỏe sau sinh.
Uống nước nhân trần có tốt không?
Dưới đây là những lợi ích của nước nhân trần đối với sức khoẻ:
Hỗ trợ chức năng gan
Một trong những lợi ích nổi bật nhất của nước nhân trần chính là khả năng hỗ trợ chức năng gan.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Ethnopharmacology, nhóm tác giả đã xác định rằng các hợp chất trong nhân trần, đặc biệt là flavonoid và saponin, tác dụng chống viêm và bảo vệ gan khỏi các tổn thương do độc tố gây ra.
Nghiên cứu này thử nghiệm trên chuột, cho thấy rằng việc sử dụng chiết xuất từ nhân trần giúp giảm mức độ tổn thương gan và cải thiện chức năng gan tổng thể.
Đây là một minh chứng rõ ràng về giá trị của nhân trần trong việc bảo vệ và hỗ trợ gan, đặc biệt là trong bối cảnh xã hội hiện đại khi việc tiêu thụ các chất có hại cho gan như rượu bia và thực phẩm không lành mạnh ngày càng phổ biến.
Giải nhiệt cơ thể
Nước nhân trần còn được biết đến với tác dụng giải nhiệt, làm mát cơ thể. Theo quan niệm y học cổ truyền, nhân trần giúp loại bỏ các tác nhân gây nhiệt trong cơ thể, từ đó giúp giảm các triệu chứng liên quan đến nóng trong như nổi mụn, nhọt hay nhiệt miệng.
Báo Dân trí dẫn nguồn một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học Trung Quốc và công bố trên tạp chí Chinese Herbal Medicine đã chỉ ra rằng, chiết xuất nhân trần có khả năng giảm các triệu chứng của viêm nhiễm và mệt mỏi do nhiệt.
Lợi tiểu và giảm huyết áp
Không chỉ tác dụng với gan và hệ tiêu hóa, nước nhân trần còn có khả năng lợi tiểu, hỗ trợ quá trình đào thải chất độc qua đường nước tiểu. Tác dụng lợi tiểu này còn giúp hạ huyết áp, đặc biệt hữu ích đối với những người có nguy cơ cao về các bệnh tim mạch và cao huyết áp.
Báo Dân trí dẫn nguồn một nghiên cứu đăng trên tạp chí Phytomedicine đã thử nghiệm tác dụng hạ huyết áp của nhân trần trên động vật và con người.
Kết quả cho thấy rằng nhân trần có tác dụng giãn mạch và giảm sức cản ngoại vi, từ đó giúp hạ huyết áp một cách tự nhiên. Điều này càng khẳng định vai trò của nhân trần trong việc hỗ trợ sức khỏe tim mạch.
Theo vtcnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()